15/11/2024

Kiềm chế giá để duy trì lạm phát thấp

Kiềm chế giá để duy trì lạm phát thấp

Năm 2021 đã là 1 năm leo thang của giá cả hàng hóa, do tác động quá lớn từ đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 và kéo dài đến nay. Tuy nhiên, cuối năm 2021, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn lạc quan cho rằng lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.

 

 

Với tình hình biến động giá cả trong 2 tháng đầu năm thế này, liệu các dự báo có thay đổi?

Doanh nghiệp “tả xung hữu đột” để tồn tại

“Cảm giác sau dịch đợt này ai cũng nghèo, mọi người sống chật vật, làm gì cũng khó”, chị Phạm Trần Ái Linh, Trưởng nhóm Digital Marketing của Công ty CP TM – DV 345 (sở hữu quán cơm văn phòng Ăn cơm nhà Kitchen), than thở với chúng tôi khi được hỏi về tình hình kinh doanh quán ăn giai đoạn này.

Kiềm chế giá để duy trì lạm phát thấp - ảnh 1
Giá cả nhiều mặt hàng đang âm thầm tăng giá bán  KHẢ HÒA

Theo chị Linh, Ăn cơm nhà Kitchen vừa ra mắt được 1 tháng thì dịch bệnh bùng phát tại TP.HCM. Công ty buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh, từ bán tại chỗ sang mô hình “bếp ma” Ăn cơm nhà Kitchen (có 1 bếp trung tâm và nhiều bếp vệ tinh, chỉ mở dịch vụ giao đồ ăn mà không phục vụ tại chỗ). Tuy khó khăn nhưng do lựa chọn mô hình online phù hợp nên giai đoạn dịch bùng phát, doanh thu của quán rất tốt, có tháng đạt tới 2 tỉ đồng. Từ sau tháng 10.2021, hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại, các khách hàng doanh nghiệp (DN) cũ và mới đều tăng lên rất nhiều. Song đáng buồn là doanh thu của quán lại giảm tới 50%. Nguyên nhân do sức chi tiêu của khách hàng giảm rất mạnh.

Cụ thể, trước đây 1 phần cơm của Ăn cơm nhà Kitchen bán giá từ 50.000 – 55.000 đồng, giờ hạ giá xuống khoảng 35.000 – 55.000 đồng, mà cũng ít khách. Không chỉ khách lẻ, đối tượng khách hàng DN cũng khó khăn, giảm ngân sách chi cho nhân viên. Bình thường 1 phần cơm văn phòng của các DN có giá 60.000 – 70.000 đồng, giờ giảm chỉ còn khoảng 45.000 đồng. Dù chủ động được nhiều nguồn nguyên liệu như rau tự trồng nhưng giá thịt bò, heo tăng rất cao, lại không thể giảm lượng thức ăn cho khách nên chi phí đang trở thành bài toán đau đầu với Ăn cơm nhà Kitchen. “Chưa kể, vì chấp nhận giảm lợi nhuận nên chúng tôi buộc phải kiếm thật nhiều khách, bù lại bằng số lượng. Muốn vậy, đòi hỏi cần bung tiền rất nhiều cho hoạt động marketing, chạy quảng cáo để kiếm thêm nhiều khách hàng mới. Nhìn chung, giai đoạn này rất khó khăn, DN bằng mọi giá phải giữ chân khách hàng cũ, tìm kiếm khách mới. Mọi mục tiêu khác bỏ sang một bên”, chị Linh thông tin thêm.

Ngoài công việc tại Ăn cơm nhà Kitchen, chị Linh còn sở hữu 1 cơ sở làm đẹp quy mô nhỏ. Để tiếp tục trụ được trong tình hình khó khăn này, cơ sở của chị Linh đã phải cắt giảm rất nhiều dịch vụ, chuyển qua tập trung bán mỹ phẩm online. “Nhu cầu làm đẹp luôn có nhưng giờ ai cũng phải chắt bóp, chi tiêu kỹ hơn. Thay vì mỗi lần tới spa mất 2 – 3 triệu đồng làm dịch vụ, cùng giá đó khách mua 1 bộ mỹ phẩm về dùng được nhiều tháng. Do đó, các cơ sở làm đẹp cũng bắt đầu chuyển đổi mô hình, tính ra cũng cắt giảm được khoảng 50% chi phí. Biết sao bây giờ, cứ lựa theo thị trường mà làm cầm cự thôi”, chị Linh thở dài.

Lạm phát tăng nhẹ

Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu, lương thực, dịch vụ giao thông tăng là nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1% trong tháng 2. Cùng kỳ này năm ngoái, tháng 2.2021, CPI tăng đến 1,42%. Trong tháng 2, riêng chi phí xăng dầu tăng thêm 5,8% so với tháng 1 khiến CPI của nhóm giao thông tăng 2,35%. Bình quân 2 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,63 điểm phần trăm. Giao thông là yếu tố tăng mạnh nhất trong rổ hàng hóa. Chỉ số giá nhiều nhóm hàng trong tháng 2 tăng đã khiến CPI 2 tháng qua chỉ tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước.

PGS-TS Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng CPI trong tháng 2 năm nay còn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Thế nên trước áp lực giá cả tăng, năm nay lạm phát khó xảy ra, chỉ khoảng 2%, bằng một nửa so với chỉ tiêu Quốc hội đưa ra. Ông phân tích: “Nền kinh tế chúng ta đúng là đang bị áp lực bởi giá tăng. Tuy nhiên, giá xăng dầu thế giới đang tăng, kéo giá trong nước tăng theo chỉ xảy ra trong ngắn hạn. Trong ngắn hạn, chúng ta tạm dùng công cụ Quỹ bình ổn giá xăng để điều hành. Rồi tình trạng khan hiếm, nóng của giá dầu thế giới sẽ giảm, tính chung hết năm nay, dự báo cho thấy lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp. Nền kinh tế chúng ta đang phục hồi nhưng đang ở dưới mức tiềm năng. Trong quý 2, đà tăng của giá xăng dầu cũng như giá của các nguyên vật liệu sẽ chững lại, khi dịch bệnh được khống chế và các chuỗi cung ứng hàng hóa được bình thường thì nỗi lo lạm phát là không đáng bàn. Trước đây, áp lực lạm phát đến từ giá thịt heo, nay giá cả mặt hàng đó tương đối ổn và đang giảm sâu. Bên cạnh đó, về vĩ mô, Chính phủ có thể đưa công cụ điều chỉnh giá một số mặt hàng như điện, nước, kể cả giá dịch vụ để không bị tăng mạnh. Thế nên, về tổng thể, áp lực lạm phát tại VN trong năm nay không lớn và chỉ số CPI sẽ tiếp tục tăng chậm trong những tháng sau”.

 

HÀ MAI – NGUYÊN NGA

TNO