Chiến sự Nga – Ukraine leo thang nguy hiểm
Chiến sự Nga – Ukraine leo thang nguy hiểm
Cuộc giằng co tại các thành phố lớn ở Ukraine vẫn đang kéo dài trong khi những dấu hiệu mới cho thấy khả năng tình hình sắp bước sang giai đoạn quyết liệt hơn.
Đoàn xe bộ binh của Nga bị phá hủy trong trận chiến tại Kharkiv AFP |
Tấn công tại nhiều vùng
Sáng qua (1.3), các cơ quan của Ukraine công bố đoạn video về vụ nổ lớn tại quảng trường Tự do ở Kharkiv, ngay trước tòa nhà chính quyền tỉnh. Chính quyền Kyiv cáo buộc vụ tấn công nhắm vào các quan chức lãnh đạo tỉnh và cho biết ít nhất 10 người thiệt mạng và 35 người bị thương. Một căn cứ quân sự tại TP.Okhtyrka, tỉnh Sumi cũng bị tấn công khiến hơn 70 binh sĩ Ukraine thiệt mạng, theo tờ The Guardian dẫn thông báo của lãnh đạo tỉnh cho hay.
Hôm qua, cả hai phía của cuộc xung đột đều tiếp tục đưa ra những cáo buộc về thiệt hại dân thường. Lực lượng ly khai tại Donetsk thông báo có 5 dân thường thiệt mạng và 23 người bị thương trong vòng 24 giờ. Trong khi đó, phía Ukraine cho rằng rốc két của Nga đã rơi xuống khu dân cư tại Kharkiv vào ngày 28.2 khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, theo Reuters. Moscow đã nhiều lần khẳng định chỉ tấn công các mục tiêu quân sự và tố cáo quân đội Ukraine triển khai các hệ thống vũ khí phòng thủ trong khu vực dân cư.
Trong khi đó, Văn phòng Cao ủy LHQ về nhân quyền báo cáo ít nhất 136 người thiệt mạng và 400 người bị thương từ khi Nga mở chiến dịch quân sự vào ngày 24.2, trong đó, 253 trường hợp thương vong xảy ra tại hai vùng Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine, theo Reuters.
Cùng ngày 1.3, Bộ Quốc phòng Nga hôm qua tuyên bố cắt đường tiếp cận của quân đội Ukraine với biển Azov ở phía bắc Biển Đen. Tại TP.Kherson gần Crimea, lực lượng Nga đã thiết lập các chốt kiểm soát xung quanh vùng ngoại ô sau khi tuyên bố đã phong tỏa nơi này. Tại cảng biển chiến lược Mariupol ở vùng đông nam, lãnh đạo phe ly khai ở Donetsk Denis Pushilin nêu mục tiêu chính trong ngày là bao vây thành phố. Trước đó, các lãnh đạo tỉnh và thành phố cho biết Mariupol bị dội pháo liên tục và hệ thống điện gần như bị ngắt hoàn toàn, theo tờ Pravda.
Kyiv trước đợt tấn công lớn
Theo giới chức Anh và Mỹ, lực lượng phản kháng mạnh mẽ của Ukraine cùng với những vấn đề hậu cần đang làm chậm đà tiến quân của Nga và các lực lượng Nga vẫn còn cách Kyiv khoảng 32 km về hướng bắc.
Tuy nhiên, CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ dự báo Nga có thể đánh giá lại chiến thuật và chuẩn bị cho một đợt tấn công quyết liệt hơn nhắm vào Kyiv. Giới chức Mỹ cũng báo cáo với các nghị sĩ rằng đợt tấn công thứ hai của Nga có khả năng sẽ phá vỡ tuyến phòng thủ của Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng mục tiêu quan trọng nhất của Nga giờ đây là Kharkiv và Kyiv.
Những hình ảnh vệ tinh mới nhất của Công ty Maxar Technologies (Mỹ) cho thấy đoàn quân của Nga đã đến vùng ngoại ô Kyiv và trải dài trên tuyến đường khoảng 65 km, theo CNN. Trong đoàn quân này có các xe bọc thép, xe tăng, pháo và các xe hậu cần.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gợi ý phương Tây không thiết lập thêm cơ sở quân sự tại các nước từng thuộc Liên Xô và đang không là thành viên NATO. Bộ Ngoại giao Nga cũng ra tuyên bố cáo buộc phương Tây tiếp tục đẩy Ukraine vào cuộc chiến tranh khi cung cấp vũ khí cho nước này.
Úc viện trợ vũ khí cho Ukraine
Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 1.3 thông báo sẽ cung cấp lô vũ khí phòng vệ trị giá 70 triệu AUD cho Ukraine, trong đó gồm tên lửa và đạn dược. Ông Morrison cũng kêu gọi công dân không nên gia nhập quân đoàn quốc tế do Ukraine kêu gọi để chống lại Nga vì chưa rõ ràng về tính pháp lý. Ngoài ra, Úc cũng cam kết khoản hỗ trợ nhân đạo trị giá 35 triệu AUD cho các tổ chức quốc tế nhằm giúp đỡ người dân Ukraine.
Hy vọng từ đàm phán
Sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ nhất tại Belarus vào tối 28.2, các phái đoàn Ukraine và Nga nhất trí sẽ “sớm” khởi động vòng hai, theo Reuters. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay sẽ phân tích kết quả thu được trong lần đối thoại thứ nhất, dù cho rằng Kyiv vẫn chưa nhận được kết quả mong muốn. Ông Zelensky có đề cập về “một số tín hiệu” đến từ đối thoại, nhưng ông không nói rõ là gì. Hôm qua, Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus gọi cuộc đàm phán sơ bộ giữa Ukraine và Nga làm dấy lên hy vọng có thể chấm dứt những hành động thù địch lẫn nhau, theo TASS.
Trong khi đó, tại cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu phải “phi quân sự hóa” Ukraine. Đồng thời phương Tây phải công nhận việc Nga sáp nhập Crimea.
Trong một diễn biến liên quan, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, kêu gọi Nga hãy ngừng chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Và Giáo hoàng Francis sẵn sàng làm trung gian cho nỗ lực chấm dứt xung đột thông qua hòa giải.
H.G
BẢO VINH
TNO