23/11/2024

Được tiếng, không mất miếng

Được tiếng, không mất miếng

Quyết định của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa 2 tuyến lưu thông hàng hải Bosperus và Dardanelles đối với tàu chiến của Nga về biểu hiện là sự ủng hộ Ukraine, nhưng trong thực chất lại tác động rất hạn chế đối với Nga.

 

 

Bởi theo Công ước Montreux năm 1936 về quản lý 2 tuyến lưu thông hàng hải này giúp Thổ Nhĩ Kỳ vừa được tiếng mà đồng thời vẫn giữ được miếng.

Được tiếng, không mất miếng - ảnh 1
Tàu hải quân qua eo biển Bosperus hồi tháng 7.2021  REUTERS

Theo công ước nói trên, Thổ Nhĩ Kỳ  có quyền quyết định không cho phép tàu chiến của các bên tham gia chiến tranh ở đâu đó trên thế giới đi qua 2 tuyến lưu thông hàng hải Bosperus và Dardanelles. Bây giờ, Thổ Nhĩ Kỳ viện dẫn văn kiện pháp lý quốc tế này để cấm tàu chiến của Nga đi qua.

Nhưng công ước trên lại đồng thời có quy định trường hợp ngoại lệ là tàu chiến của các quốc gia tiếp giáp với Biển Đen mà Nga là một trong số ấy. Vì thế, quyết định kia của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong thực chất hoàn toàn không hạn chế tàu chiến của Nga đăng ký tại các hải cảng của Nga ở dọc bờ Biển Đen đi qua tuyến hàng hải Bosperus và Dardanelles.

Vì thế, Ankara được miếng là quan hệ với Moscow bởi Nga là đối tác rất quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ. Tiếng ở đây là tránh tình trạng NATO đi một đằng còn Thổ Nhĩ Kỳ – là thành viên của khối – lại theo một nẻo, đồng thời không bị coi là tiền hậu bất nhất khi quan điểm chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ là ủng hộ Ukraine trong xung đột hiện tại Hợp tác với Nga về kinh tế, thương mại và chính trị, quân sự, an ninh là chiến lược lớn và lâu dài của Thổ Nhĩ Kỳ, quan trọng đến mức Thổ Nhĩ Kỳ không thể buông bỏ chỉ để ủng hộ Ukraine hay để lấy lòng EU. Xử lý quan hệ quốc tế sao cho được cả tiếng lẫn miếng hay không bị tổn hại tiếng và miếng mới là thượng sách.

PHẠM LỮ

TNO