TP.HCM thăm dò tiêm vắc xin cho trẻ 5 – 11 tuổi: Nhiều quận, huyện có tỉ lệ đồng thuận cao
TP.HCM thăm dò tiêm vắc xin cho trẻ 5 – 11 tuổi: Nhiều quận, huyện có tỉ lệ đồng thuận cao
Ngày 27-2, nhiều quận huyện tại TP.HCM đã hoàn thành việc thống kê danh sách học sinh từ 5 – 11 tuổi dự kiến tiêm vắc xin COVID-19. Đây là bước chuẩn bị quan trọng của ngành giáo dục TP.HCM cho đợt tiêm chủng sắp tới.
Các công việc như lên danh sách học sinh tiêm chủng, lên các phương án điểm tiêm, chuẩn bị hồ sơ, biểu mẫu… đang được ngành giáo dục TP.HCM khẩn trương thực hiện.
Khi lập danh sách học sinh trong độ tuổi, các trường cũng báo tình hình đa số phụ huynh mong muốn cho trẻ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 vì thấy việc này hữu ích cho trẻ.
Cô Lê Thị Oanh (trưởng Phòng giáo dục và đào tạo huyện Nhà Bè, TP.HCM)
Mong con được chích ngừa
Ngày 27-2, trả lời Tuổi Trẻ, ông Lưu Hồng Uyên – trưởng Phòng giáo dục và đào tạo quận 6 – cho biết quận có hơn 20.000 học sinh trong độ tuổi 5 – 11 sắp tiêm vắc xin và phụ huynh đang rất mong muốn được chủng ngừa COVID-19 cho con.
“Sau khi chích ngừa cho học sinh từ 12 – 17 tuổi, quận 6 đã tiến hành khảo sát ý kiến phụ huynh về việc tiêm vắc xin cho trẻ ở độ tuổi 5 – 11 thì có kết quả hơn 90% phụ huynh mong muốn được chích ngừa cho trẻ.
Hiện nay, quận 6 đã hoàn thành việc cho phụ huynh đăng ký và lập danh sách trẻ trong độ tuổi. Nhiều phụ huynh có con học lớp 6 đã đăng ký rồi và hỏi khi nào thì học sinh được chích vắc xin ngừa COVID-19. Phụ huynh hầu hết đều đồng tình và đang mong muốn được cho con chích ngừa” – ông Lưu Hồng Uyên kể.
Tại quận 6, tỉ lệ học sinh tiểu học đi học trở lại đến nay đạt 97%. Theo Phòng giáo dục và đào tạo quận 6, một số phụ huynh tiểu học còn chần chừ cho con đi học trực tiếp là do chờ tiêm vắc xin và có một số trẻ bị bệnh đang ở nhà.
Cùng ngày, các trường mầm non, tiểu học, THCS tại huyện Nhà Bè cũng đã hoàn thành danh sách trẻ em trong độ tuổi dự kiến sẽ tiêm. Theo khảo sát sơ bộ của huyện này, hiện có hơn 17.000 học sinh trong độ tuổi được phụ huynh đồng ý cho tiêm ngừa vắc xin COVID-19, đạt tỉ lệ khoảng 81%.
Tại quận Tân Phú, khảo sát sơ bộ trước đó cho thấy có khoảng 98% trẻ từ 11 đến dưới 12 tuổi được phụ huynh đồng ý tiêm vắc xin; khoảng 75% học sinh tiểu học được phụ huynh đồng ý tiêm và tỉ lệ này ít hơn, chỉ 35% với trẻ mầm non 5 tuổi.
“Khảo sát này của chúng tôi thực hiện trước đó nên có thể hiện nay tình hình đã thay đổi. Trước khi có kế hoạch tiêm chủng, quận sẽ thực hiện khảo sát tiếp. Hiện nay chúng tôi chỉ lập danh sách học sinh trong độ tuổi 5 – 11 gửi lên Sở Giáo dục và đào tạo” – ông Phan Sĩ Đạt, trưởng Phòng giáo dục và đào tạo quận Tân Phú, thông tin.
Dự kiến sẽ tiêm tại trường
Ngày 27-2, trả lời Tuổi Trẻ, ông Dương Trí Dũng, phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, cho biết sau ngày 28-2, ngành giáo dục TP.HCM sẽ làm việc với ngành y tế và các quận, huyện thống kê số lượng trường để chuẩn bị điểm tiêm, mẫu mã (thông tin học sinh), thống kê số lượng học sinh trong độ tuổi.
Nhà trường có bao nhiêu học sinh trong độ tuổi và thống kê thông tin của học sinh trường đó như thế nào, phòng giáo dục đánh giá như thế nào, tổ chức thành điểm tiêm có được hay không, đó là những thông tin các trường phải gửi về Sở Giáo dục và đào tạo để phục vụ công tác tiêm chủng cho trẻ 5 – 11 tuổi.
“Chúng tôi cũng sẽ thảo luận những vấn đề như chuẩn bị những gì và thế nào để an toàn nhất cho trẻ. Các trẻ có vấn đề về y tế cần lưu ý thì trao đổi thêm với cơ quan y tế để khi có thông tin chính thức và được phép tổ chức tiêm thì đã có đầy đủ cơ sở và sự chủ động nhất” – ông Dũng nói.
Cũng theo Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, ngành giáo dục dự kiến sẽ lấy điểm trường làm điểm tiêm cho học sinh trong độ tuổi này.
Vì tiêm theo điểm trường là an toàn nhất và chính xác nhất, đồng thời sẽ thuận lợi khi phụ huynh biết con cái học ở đâu rồi, giáo viên cũng biết chắc chắn tiêm cho từng cháu, hỗ trợ ngành y tế nhập liệu thông tin chính xác nhất.
Tuy nhiên, các trường được chọn làm điểm tiêm phải đạt tiêu chuẩn về điểm tiêm, không chọn những điểm trường không đạt chuẩn để làm điểm tiêm.
Băn khoăn, chần chừ
Bên cạnh đa số phụ huynh mong muốn cho con được chích ngừa thì cũng có một số người băn khoăn và chần chừ.
Chị N.L., phụ huynh có con học tiểu học ở quận 10, bày tỏ sự lo lắng trước những thông tin chị nhận được từ Internet, cảnh báo những phản ứng phụ đối với trẻ. “Tôi vẫn đang băn khoăn, chưa biết nên làm sao. Trước mắt, tôi chưa muốn con tiêm đợt đầu này” – chị L. bộc bạch.
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Trí Dũng khẳng định vì lý do nào đó trẻ từ 5 – 11 tuổi không tiêm vắc xin COVID-19 thì cũng không ảnh hưởng đến việc đến trường. Tiêm phòng vắc xin COVID-19 là biện pháp bảo vệ trẻ an toàn giữa đại dịch và là quyền lợi của trẻ và gia đình. Trẻ không tiêm vẫn được đi học bình thường.
Hà Nội: nhiều trường tạm ngừng cho học sinh học trực tiếp từ 28-2
Ngày 27-2, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội thông báo những trường học trong khu vực vừa nâng cấp độ dịch lên cấp độ 3 sẽ tạm ngừng cho học sinh đến trường học trực tiếp từ ngày 28-2.
Trước đó, trong thông báo số 149/TB-UBND ngày 25-2-2022 của UBND TP Hà Nội về đánh giá cấp độ dịch trong phòng chống dịch COVID-19, Hà Nội có 74 đơn vị cấp xã, phường thuộc 23 quận, huyện có mức độ dịch cấp độ 3.
Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội chỉ đạo các trưởng phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã, hiệu trưởng các trường THPT, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên nằm trên địa bàn mới nâng cấp độ dịch phải báo cáo UBND cấp quận, huyện, thị xã xin ý kiến và thông báo cho các nhà trường ở địa bàn này tạm ngừng đến trường, chuyển sang dạy học trực tuyến 100% từ ngày 28-2.
Các xã, phường dịch cấp độ 3 gồm: Điện Biên, Trúc Bạch (quận Ba Đình); Khâm Thiên (quận Đống Đa); Chương Dương (Hoàn Kiếm); Đại Kim (quận Hoàng Mai); Cổ Nhuế 1, Thượng Cát, Xuân Đỉnh, Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm); Mễ Trì, Mỹ Đình 1, Phú Đô, Tây Mỗ, Trung Văn, Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm);
Kiến Hưng, Vạn Phúc, Văn Quán (quận Hà Đông); Bồ Đề, Phúc Lợi, Thượng Thanh (quận Long Biên); Quảng An (Tây Hồ); Kim Giang (quận Thanh Xuân); Đông Phương Yên, Lam Điền, Phú Nghĩa, Trung Hòa, Trường Yên (huyện Chương Mỹ); Hạ Mỗ, Tân Lập, Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng); Đại Mạch,
Đông Anh, Đông Hội, Kim Chung, Tiên Dương, Vân Hà, Vĩnh Ngọc, Võng La (huyện Đông Anh); Đa Tốn, Phù Đổng (huyện Gia Lâm); Liên Mạc, Mê Linh, Tiến Thắng, Văn Khê, Vạn Yên (huyện Mê Linh); Tân Hoa, Thạch Thán (huyện Quốc Oai);
Đông Xuân, Kim Lũ, Phú Minh, Trung Giã, Xuân Thu (huyện Sóc Sơn); Bình Yên, Canh Nậu, Chàng Sơn, Đại Đồng, Hương Ngải, Lại Thượng, Liên Quan, Phú Kim (Thạch Thất); Cự Khê, Thanh Thùy (huyện Thanh Oai); Ngọc Hồi, Tân Triều, Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì); Hòa Bình, Lê Lợi, Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín).
Theo quy định của Hà Nội, ở các đơn vị có cấp độ dịch 1, 2 – học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trên địa bàn thành phố, học sinh lớp 1 đến lớp 6 ở các huyện, thị xã của Hà Nội vẫn đi học trực tiếp.
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở Giáo dục và đào tạo rà soát, chuẩn bị để cho phép các trường học tổ chức bán trú khi học sinh đi học trở lại, nếu đủ điều kiện theo ý kiến của Bộ Y tế và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo.
VĨNH HÀ