COVID-19 thế giới ngày 19-2: Số ca mới giảm ở hầu hết khu vực trên thế giới
COVID-19 thế giới ngày 19-2: Số ca mới giảm ở hầu hết khu vực trên thế giới
Tình hình đại dịch COVID-19 đang trở nên tốt hơn trong tuần này, với ít ca tử vong hơn và số ca mắc mới tiếp tục giảm ở hầu hết khu vực trên thế giới.
Sau đợt tăng kéo dài trong 3 tháng rưỡi, số ca mắc mới trung bình hằng ngày trên toàn cầu đã giảm trong tuần thứ ba liên tiếp, giảm 22% xuống còn 1,97 triệu ca, theo thống kê của Hãng tin AFP.
Tình hình dịch bệnh đã được cải thiện ở hầu hết khu vực trên thế giới trong 7 ngày qua. Số ca mắc mới hằng ngày đã giảm 43% ở khu vực Mỹ – Canada, 35% ở Trung Đông, 23% ở châu Âu và Mỹ Latin – Caribê và 22% ở châu Phi.
Trong khi đó, châu Á chỉ giảm 1% số ca mắc mới hằng ngày.
Mặt khác, một số quốc gia châu Á và châu Đại Dương ghi nhận mức tăng đột biến số ca mắc mới trong tuần này. New Zealand tăng 239% số ca mắc mới trong 7 ngày qua, tiếp đến là Hong Kong (tăng 192%), Malaysia (111%), Hàn Quốc (66%).
Thụy Điển ghi nhận số ca mắc mới giảm mạnh nhất trong tuần qua, và giảm 78% so với tuần trước đó. Kế đến là Kazakhstan (giảm 59%), Kosovo (giảm 57%), Colombia (giảm 55%) và Suriname (giảm 54%).
Tuần này, Nga vượt Mỹ trở thành nước ghi nhận số ca mắc mới cao nhất theo ngày, với trung bình 187.500 ca mắc mới/ngày, tăng 6% so với tuần trước. Kế đến là Đức với 180.900 ca trong 24 giờ, giảm 6%. Mỹ tụt xuống vị trí thứ ba với 119.600 ca/ngày, giảm 44%.
Tính bình quân theo đầu người, nước có nhiều ca mắc mới nhất trong tuần này là Đan Mạch, với 5.026 ca/100.000 dân. Tiếp đến là Latvia (3.635 ca/100.000 dân), Hà Lan (2.887 ca/100.000 dân), Georgia (2.851 ca/100.000 dân) và Estonia (2.777 ca/100.000 dân).
Tuần này, số ca tử vong vì COVID-19 giảm 7% trên toàn cầu, với mức trung bình là 10.355 ca/ngày, sau 5 tuần tăng liên tiếp.
Dù biến thể Omicron dễ lây lan đã làm số ca mắc mới hằng ngày tăng gấp 4 lần so với các đợt dịch trước, số ca tử vong hằng ngày toàn cầu vẫn thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục vào tháng 1-2021 với khoảng 15.000 ca.
Mỹ hoãn phê duyệt vắc xin Pfizer dành cho trẻ dưới 5 tuổi
Ngày 18-2, cơ quan quản lý y tế Mỹ quyết định hoãn phê duyệt vắc xin COVID-19 của Hãng Pfizer dành cho trẻ dưới 5 tuổi sau khi kết quả nghiên cứu cho thấy hai liều đầu tiên đã tiêm cho trẻ không mang lại hiệu quả đối với biến thể Omicron, theo báo Wall Street Journal.
Dữ liệu đến nay cho thấy vắc xin Pfizer dành cho trẻ em đạt hiệu quả bảo vệ trước biến thể Delta nhưng nhiều trẻ đã tiêm chủng vẫn mắc bệnh sau khi Omicron xuất hiện.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và Pfizer nhất trí chờ thêm dữ liệu nghiên cứu để có cơ sở đánh giá kỹ hơn tính hiệu quả của vắc xin.
FDA cũng sẽ kiểm tra xem vắc xin có tạo được mức độ miễn dịch cho trẻ em ngang bằng như mức đối với người lớn hay không.
Hiệp hội Y khoa Anh: các biện pháp phòng dịch được gỡ bỏ quá sớm
Theo báo Guardian, ngày 18-2, Hiệp hội Y khoa Anh (BMA) cho biết Anh dỡ bỏ tất cả biện pháp phòng dịch quá sớm và “không dựa trên bằng chứng hiện nay”. Các chuyên gia cảnh báo việc bỏ xét nghiệm và tự cách ly có thể làm số ca bệnh tăng trở lại.
Tuần trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo với quốc hội rằng ông chuẩn bị dỡ bỏ yêu cầu tự cách ly tại Anh kể từ ngày 24-2. Dự kiến, ông Johnson sẽ chính thức tuyên bố quyết định này vào đầu tuần sau.
Tiến sĩ Chaand Nagpaul – chủ tịch hội đồng BMA – cho biết quyết định của ông Johnson “là quá sớm và không dựa trên bằng chứng hiện nay”. “Rõ ràng ông ấy (thủ tướng Anh) đã đưa ra quyết định không dựa trên dữ liệu hay tham vấn với các chuyên gia y tế”, ông Nagpaul nói thêm.
Ông Nagpaul cho biết tỉ lệ ca bệnh vẫn cao ở Anh. Cuộc khảo sát mới nhất của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh trong tuần trước cho thấy cứ 20 người ở Anh có một người mắc COVID-19.