23/11/2024

‘Bảo kiếm’ xử lý nợ xấu của ngân hàng sắp hết hạn

‘Bảo kiếm’ xử lý nợ xấu của ngân hàng sắp hết hạn

Chỉ còn vài tháng nữa “bảo kiếm” xử lý nợ xấu là Nghị quyết 42 của Quốc hội sẽ hết hiệu lực. Theo các chuyên gia, nếu không tiếp tục được gia hạn hoặc nâng lên thành luật, nợ xấu sẽ có nguy cơ trở thành “cục máu đông” tiếp tục treo lơ lửng trên đầu các nhà băng.

 

 

1,3 triệu tỉ đồng nợ xấu được xử lý

Sáng 19.2, Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) và Báo Lao Động phối hợp tổ chức hội thảo “Cần luật hoá Nghị quyết 42 để giải bài toàn xử lý nợ xấu ngân hàng”. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA, cho biết tính đến cuối năm 2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được trên 1,3 triệu tỉ đồng nợ xấu. Trong đó, tổng nợ xấu xử lý theo Nghị quyết số 42 là 368.900 tỉ đồng (không bao gồm khoản sử dụng dự phòng rủi ro). Cụ thể, giai đoạn từ 15.8.2017 đến cuối năm 2021, nợ xấu xử lý đạt trung bình khoảng 6.920 tỉ đồng/tháng, cao hơn 3.940 tỉ đồng/tháng so với giai đoạn trước khi có Nghị quyết số 42 (năm 2012 – 2017). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD trong giai đoạn 2016 – 2021 được duy trì dưới mức 3%. “Những kết quả đạt được đã cho thấy vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết số 42 trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD, góp phần xử lý hiệu quả nợ xấu, thu hồi vốn cho các TCTD để tái đầu tư, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế”, ông Hùng nói.

Ông Phan Thanh Hải, Phó tổng giám đốc BIDV, cũng cho biết, kể từ thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực, tổng số nợ xấu lũy kế từ ngày 15.8.2017 đến nay mà BIDV đã xử lý gần 100.500 tỉ đồng, bình quân khoảng 25.000 tỉ đồng/năm, so với giai đoạn trước khi có Nghị quyết 42 (từ năm 2012 đến trước ngày 15.8.2017) là khoảng 15.000 tỉ đồng/năm. Đối với kết quả thu hồi nợ ngoại bảng, tổng số dư nợ mà BIDV đã xử lý và thu hồi được trong 10 năm (giai đoạn 2012 – 2021) là 37.247 tỉ đồng.

‘Bảo kiếm’ xử lý nợ xấu của ngân hàng sắp hết hạn - ảnh 1
Các ngân hàng đang chịu áp lực lớn nợ xấu khi Nghị quyết 42 của Quốc hội sắp hết hạn  NGỌC THẮNG

Đề xuất sớm gia hạn Nghị quyết 42

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, đánh giá cao việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng thời gian qua, song ông cũng lo ngại trong điều kiện Nghị quyết 42 sắp hết hiệu lực (tháng 8.2022), áp lực nợ xấu đang ngày một hiện hữu. Vì vậy, chuyên gia này cho rằng việc gia hạn và tiến tới luật hóa nghị quyết này là những bước đi cần thiết. Ông Lực đề xuất Quốc hội nên gia hạn điều chỉnh, cập nhật phù hợp Nghị quyết 42 với thời gian gia hạn khoảng 3 năm để có thêm thời gian rà soát, chuẩn bị cho dự thảo luật, kịp thời tháo gỡ ngay những vướng mắc đối với việc xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) của các nhà băng. Cùng với đó tiến hành xây dựng luật Xử lý nợ xấu theo hướng phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế hơn.

Vị chuyên gia đến từ BIDV lưu ý, việc gia hạn thêm Nghị định 42 cần song hành với giải quyết 5 vướng mắc chính. Thứ nhất là sự vào cuộc, phối kết hợp chưa đồng bộ của các cơ quan chức năng, địa phương còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ và nhất quán. Thứ hai, những vướng mắc trong xử lý TSBĐ liên quan đến quyền thu giữ TSBĐ của TCTD; việc mua, bán, sang tên TSBĐ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai… Thứ ba là khó khăn trong khâu định giá, thẩm định giá khoản nợ và TSĐB. Thứ tư là sự hạn chế trong số lượng hồ sơ được áp dụng theo thủ tục rút gọn. Và cuối cùng là sự thiếu vắng một thị trường mua bán nợ chính thức thực sự tại Việt Nam.

 

TIÊU PHONG

TNO