Căng thẳng Ukraine khó hạ nhiệt
Căng thẳng Ukraine khó hạ nhiệt
Mỹ cảnh báo Nga đang chuẩn bị tấn công Ukraine trong vài ngày tới, trong khi Moscow tuyên bố sẽ buộc phải đáp trả bằng quân sự nếu Washington không đáp ứng yêu cầu an ninh.
Khẩu chiến
Phát biểu tại cuộc họp của HĐBA LHQ hôm qua 18.2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo Nga đang chuẩn bị tấn công Ukraine trong “vài ngày tới” và đã xác định các mục tiêu, trong đó có thủ đô Kiev, theo Reuters. Ông Blinken cáo buộc Nga lên kế hoạch tạo ra cái cớ cho một cuộc tấn công vào Ukraine, theo đó có thể là một “cuộc tấn công giả, thậm chí là thật, sử dụng vũ khí hóa học”.
Xe tăng Ukraine khai hỏa trong cuộc tập trận ngày 16.2 AFP |
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Anh phụ trách châu Âu và Bắc Mỹ James Cleverly khẳng định Nga “đã triển khai lực lượng cần thiết để xâm lược Ukraine và bây giờ đã có các lực lượng để sẵn sàng hành động”.
Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh phương Tây khẳng định họ không thấy có bằng chứng cho tuyên bố rút quân của Nga, dù Bộ Quốc phòng Nga trước đó đã ra tuyên bố và công bố video nói rằng một số đơn vị quân sự đóng gần biên giới Ukraine rút về căn cứ sau khi hoàn thành tập trận. Bộ Quốc phòng Nga hôm qua còn tuyên bố đang rút thêm xe tăng và xe bọc thép từ khu vực gần Ukraine, theo AFP.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin bác bỏ cảnh báo của Ngoại trưởng Mỹ, nói rằng đó là động thái “nguy hiểm” có thể làm leo thang căng thẳng. Ông Vershinin khẳng định các lực lượng Nga vẫn còn ở trên lãnh thổ Nga và đang trở về căn cứ sau khi hoàn thành các cuộc tập trận. Ông Vershinin kêu gọi các thành viên HĐBA LHQ không biến cuộc họp “thành rạp xiếc bằng cách đưa ra cáo buộc vô căn cứ rằng Nga sắp tấn công Ukraine”.
Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 17.2 cảnh báo tình hình ở Ukraine, đặc biệt ở những khu vực gần biên giới Nga, có thể biến đổi từ tình trạng vu khống thành đợt bùng phát chiến tranh mới bất kỳ lúc nào, theo Hãng tin TASS. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Mỹ không có phản hồi mang tính xây dựng đối với những yêu cầu về đảm bảo an ninh của Nga nên Moscow “sẽ buộc phải đáp trả bằng biện pháp liên quan quân sự”.
Chuyển động quân sự mới
Hôm 17.2, một nhóm binh sĩ Mỹ đầu tiên đã đến Slovakia để tham gia cuộc tập trận đa quốc gia từ ngày 5 – 10.3, theo AFP. Tham gia cuộc tập trận sẽ có 1.200 binh sĩ và 500 xe quân sự từ Mỹ. Ngoài ra, 130 binh sĩ và 60 xe quân sự Đức đã đến Lithuania vào sáng 17.2.
Chỉ huy binh sĩ NATO tại Lithuania, trung tá người Đức Daniel Andrae, cho hay chiến dịch tăng viện sẽ tiếp tục cho đến hết tuần này, đẩy lực lượng Đức ở Lithuania lên thêm 350 binh sĩ và 100 xe quân sự. Cùng ngày, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda khẳng định Nga đã tập trung 45.000 binh sĩ ở Belarus và cho rằng sự hiện diện quân sự này của Nga đang đe dọa các nước Baltic và Ba Lan, theo Reuters. NATO đang tìm cách gia tăng hiện diện quân sự ở các nước Baltic và Ba Lan nếu Nga tiếp tục duy trì binh sĩ ở Belarus sau khi cuộc tập trận chung giữa hai nước kết thúc vào ngày 20.2. Trước đó, Nga và Belarus đều tuyên bố toàn bộ binh sĩ Nga sẽ rút về nước sau khi kết thúc cuộc tập trận.
Pháo lại nổ ở miền đông Ukraine
Lực lượng chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai ngày 18.2 tiếp tục cáo buộc qua lại về việc nã pháo và vi phạm lệnh ngừng bắn ở miền đông nước này. Chính quyền Kiev khẳng định phe nổi dậy nã pháo ít nhất 4 lần trong ngày 18.2, theo Reuters. Lực lượng ly khai ở tỉnh Luhansk thuộc miền đông Ukraine thì cáo buộc phe chính phủ Ukraine ngày 18.2 tiến hành 2 cuộc tấn công bằng súng cối. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp, lực lượng ly khai nói họ bị tấn công bằng pháo từ lực lượng chính phủ Ukraine, theo Hãng tin Interfax.
Dù có động thái quân sự, các bên vẫn tiếp tục nỗ lực ngoại giao nhằm tìm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 18.2 cho hay các nước G7 sẵn sàng cho một “cuộc đối thoại nghiêm túc về an ninh” với Nga về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch điện đàm với các nhà lãnh đạo của Đức, Anh, Pháp, Liên minh châu Âu và NATO vào ngày 18.2 để bàn về tình hình Ukraine. Ông Biden nhấn mạnh con đường ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này vẫn còn, theo AFP. A
VĂN KHOA
TNO