‘Phần Lan hoá’ có phải giải pháp cho khủng hoảng Ukraine?
‘Phần Lan hoá’ có phải giải pháp cho khủng hoảng Ukraine?
Trong bối cảnh các nhà ngoại giao phương Tây đang gấp rút tìm kiếm giải pháp cho khủng hoảng Ukraine, “Phần Lan hoá” là một trong các giải pháp được xem xét.
Bản đồ thể hiện vị trí của Nga, Phần Lan và Ukraine CHỤP MÀN HÌNH THE ECONOMIST |
Các chức phương Tây đang tìm kiếm một biện pháp ngoại giao để ngăn cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang thành một cuộc chiến. Theo The Economist, trên đường tới Moscow để hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Emmanuel Macron đã được hỏi về khả năng “Phần Lan hóa” Ukraine. Phần Lan hóa liên quan đến trạng thái trung lập của Phần Lan trong thời kỳ chiến tranh lạnh.
Đáp lại, Tổng thống Macron thừa nhận mô hình này vẫn đang được xem xét nhưng cũng khẳng định các nhà ngoại giao sẽ phải phát minh ra một biện pháp mới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) hội đàm với Tổng thống Emmanuel Macron tại Moscow ngày 7.2 REUTERS |
Thông tin này làm dấy lên làn sóng giận dữ ở Ukraine và cả ở Phần Lan, nơi có trải nghiệm không mấy tốt đẹp với biện pháp trên. Vậy “Phần Lan hóa” là gì và có thể được áp dụng cho Ukraine như thế nào?
Bản chất của Phần Lan hóa
Thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh, khi châu Âu chia thành hai phe đối lập do Mỹ và Liên Xô dẫn đầu, Phần Lan có vị thế đặc biệt. Dù đã chống lại cuộc tấn công của Liên Xô trong Thế chiến 2, Phần Lan buộc phải nhượng lại những vùng lãnh thổ rộng lớn, bồi thường và hợp pháp hóa đảng Cộng sản Phần Lan. Thời kỳ hậu chiến, Phần Lan không có nhiều liên hệ với phương Tây trong khi phải dè chừng người láng giềng khổng lồ ở phía đông. Vì vậy, nước này đã ký hiệp ước với Liên Xô vào năm 1948, cơ sở cho “Phần Lan hóa”. Theo đó, Phần Lan sẽ giữ được chủ quyền của mình. Đổi lại, nước này phải giữ vị trí trung lập trong cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường, không tham gia NATO hay Hiệp ước Warsaw.
Trên thực tế, cái giá phải trả cho sự độc lập này là Liên Xô sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến chính trị Phần Lan. Tổng thống Phần Lan Urho Kekkonen, người lãnh đạo đất nước thời gian dài trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, xem quan hệ hữu hảo với Liên Xô là nền tảng trong thời gian cầm quyền. Ông Kekkonen cũng biến vai trò được cho là không thể thiếu của ông trong việc bảo vệ mối quan hệ với Điện Kremlin thành lợi thế chính trị của mình.
Quân đội Ukraine tập trận gần vùng Luhansk, miền Đông nước này, hồi tháng 12.2021 REUTERS |
Theo The Economist, ông Kekkonen thường xuyên vượt quá thẩm quyền hiến định, tạo ra mạng lưới quan hệ gồm các cá nhân tham nhũng và từ chối bổ nhiệm quan chức vào các chức vụ quan trọng nếu lãnh đạo Liên Xô không bằng lòng. Đảng bảo thủ chính, Liên minh Quốc gia, bị loại khỏi chính phủ liên minh dù số ghế đảng này giành được luôn đứng thứ hai hoặc thứ ba trong năm cuộc bầu cử giai đoạn 1966-1987.
Ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại Phần Lan
Sự trung lập cũng không giúp Phần Lan tránh khỏi ảnh hưởng của Liên Xô trong chính sách đối ngoại. Năm 1972, Phần Lan ký một thỏa với Cộng đồng Kinh tế Châu Âu, tiền thân của Liên minh Châu Âu. Để xoa dịu Liên Xô, Phần Lan cũng tham gia Comecon, một khối do Liên Xô lãnh đạo, với tư cách là quan sát viên vào năm 1973.
Các lãnh đạo Phần Lan cũng ít lên tiếng về chính sách đối nội hoặc đối ngoại của Liên Xô, ngay cả khi Liên Xô can thiệp quân sự vào Hungary năm 1956, Tiệp Khắc năm 1968 và Afghanistan năm 1979.
Bất chấp những hạn chế, Phần Lan vẫn phát triển mạnh mẽ. Nước này đã xây dựng năng lực phòng thủ mạnh mẽ và vẫn là một nền dân chủ tự do.
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Phần Lan cuối cùng cũng có thể theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập. Năm 1994, Phần Lan tham gia chương trình Đối tác vì Hòa bình của NATO. Đến năm 1995, nước này trở thành thành viên của Liên minh Châu Âu.
Ngày nay, thái độ của Nga đối với vấn đề Ukraine đã khiến các lãnh đạo Phần Lan xem xét việc nghiêng về phương Tây. Tháng 12.2021, Phần Lan đã chọn mua chiến đấu cơ F-35 do Mỹ sản xuất. Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cũng tái khẳng định nước này có quyền tự do lựa chọn đồng minh quân sự và điều này bao gồm cả việc gia nhập NATO.
Đối với những người Ukraine đang lo lắng về số phận của mình, “Phần Lan hóa” không phải là một phương án hấp dẫn. Mục tiêu chính của ông Putin là Ukraine không bao giờ gia nhập NATO, giống như Phần Lan trong Chiến tranh Lạnh. Bên cạnh đó, các yêu cầu khác của tổng thống Nga sẽ hạn chế chủ quyền của Ukraine – điều các nhà lãnh đạo phương Tây gọi là lằn ranh đỏ.
Người dân Ukraine trong cuộc mít tinh ngày 12.2 ở Kiev để thể hiện sự đoàn kết trước cuộc khủng hoảng hiện tại REUTERS |
Việc thực hiện các thỏa thuận Minsk, kêu gọi Kiev phân cấp quyền lực cho các khu vực đang bị lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine nắm giữ, có thể giúp Nga tăng cường ảnh hưởng lên Ukraine. Mặc dù Ukraine đang nhận được sự hỗ trợ đáng kể về ngoại giao và vật chất từ phương Tây, vị thế của nước này vẫn yếu hơn Phần Lan vào đầu Chiến tranh Lạnh. Kinh tế và chính trị của Ukraine đang rối loạn chức năng. “Phần Lan hóa” có thể giúp Ukraine tránh được một cuộc tấn công, nhưng đất nước này sẽ nằm trong sự kìm kẹp của Moscow.
ĐÔNG A
TNO