24/11/2024

“Thủ phủ” bất động sản lậu: ‘Chiêu’ hiến đất làm đường, hiến hơn 10ha đất để làm dự án trái phép

“Thủ phủ” bất động sản lậu: ‘Chiêu’ hiến đất làm đường, hiến hơn 10ha đất để làm dự án trái phép

Chuyện lạ nhưng có thật ở TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng), nơi đang là điểm nóng bất động sản lậu. Ở mỗi địa phương có một cá nhân hiến hơn 10ha đất để mở đường giao thông, nhưng thực chất đây là “chiêu” để hợp thức hoá.

 

“Thủ phủ” bất động sản lậu: Chiêu hiến đất làm đường, hiến hơn 10ha đất để làm dự án trái phép - Ảnh 1.

Xã Đamb’ri (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) là vùng có diện tích hiến đất làm đường lớn nhất từ năm 2018 đến 2021, tại đây có những dự án phân lô đất nông nghiệp vài chục hecta – Ảnh: M.VINH

Ngày 16-2, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã tiếp nhận báo cáo của TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm về tình trạng phân lô tách thửa tại hai địa phương nói trên.

Đây là hai địa phương đang nóng vấn đề phân lô tách thửa, kinh doanh bất động sản lậu và mượn “chiêu” hiến đất làm đường để biến các khu đất lớn thành những thửa nhỏ nhằm hợp thức hóa việc thực hiện dự án trái phép.

Sau chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm đã rà soát toàn bộ hoạt động tách thửa từ năm 2018 đến năm 2021.

Theo đó, tại TP Bảo Lộc, có 115 trường hợp hiến đất mở đường. Tại xã Đamb’ri có nhiều hộ tham gia hiến đất mở đường nhất với 31 trường hợp. Cá nhân có diện tích hiến để làm đường lớn nhất cũng nằm tại xã này (11,8ha).

Diện tích đất hiến nhằm mở đường đã được Nhà nước thu hồi (hơn 21ha). Theo ghi nhận của UBND TP Bảo Lộc, liên quan đến việc mở đường có 1 trường hợp hiến hơn 10ha đất, 3 trường hợp hiến từ 5 – 10ha và 11 trường hợp hiến 2 – 5ha.

“Thủ phủ” bất động sản lậu: Chiêu hiến đất làm đường, hiến hơn 10ha đất để làm dự án trái phép - Ảnh 2.

Tại Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), từ hiến đất làm đường đã hình thành nên các dự án bất động sản lậu cả trăm hecta với công trình kiên cố – Ảnh: GIA THỊNH

Việc tách thửa tại Bảo Lộc diễn ra rầm rộ từ năm 2018 đến năm 2021, từ 3.873 thửa ban đầu đã hình thành 12.736 thửa, tác động đến hơn 1.200ha đất. Việc tách thửa rầm rộ diễn ra trong 3 năm từ 2019 đến 2021 và hình thành tại TP Bảo Lộc điểm nóng trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản.

Huyện Bảo Lâm là địa phương “nóng” trong việc phân lô tách thửa, hình thành dự án bất động sản lậu không kém Bảo Lộc.

Tại đây có những dự án lậu có diện tích từ vài chục cả trăm hecta. Trong thời gian từ năm 2018 đến 2021, 77 hồ sơ hiến đất làm đường với tổng diện tích hơn 155ha, trong đó tập trung nhiều ở các xã Lộc Quảng, Lộc Tân, Lộc Ngãi, Lộc An, Lộc Thắng…, đây là các xã giáp ranh TP Bảo Lộc và có đường đấu nối vào quốc lộ 20, hoặc đấu nối vào vùng ngoại thành TP Bảo Lộc.

Tại huyện Bảo Lâm cũng có một trường hợp hiến hơn 10ha đất mở đường (bà Trần Thị Mỹ, đồng quyền sử dụng đất với Đậu Công Anh). Có 5 trường hợp hiến hơn 5ha đất, 9 trường hợp hiến 3ha.

Tại Bảo Lâm, sau khi hiến đất làm đường, tổng số thửa mới hình thành hơn 16.000 thửa (trong 3 năm), trong đó năm 2019 có 3.760 thửa đất mới hình thành. Năm 2020 và 2021 bùng nổ tách thửa tại huyện Bảo Lâm, năm 2020 có 6.260 thửa mới, năm 2021 có hơn 6.883 thửa mới.

UBND huyện Bảo Lâm ghi nhận tại các khu vực tách thửa nhiều công trình nhà kiên cố và tiền chế đã hình thành, có trường hợp hình thành một lúc hơn 80 căn nhà (The Tropicana Garden 1, xã B’lá, huyện Bảo Lâm), có trường hợp hình thành các công trình lớn cùng diện tích san gạt hơn 100ha (dự án Sun Valley, xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm).

“Thủ phủ” bất động sản lậu: Chiêu hiến đất làm đường, hiến hơn 10ha đất để làm dự án trái phép - Ảnh 3.

Sau tách thửa thông qua hiến đất, hơn 80 căn nhà thuộc dự án The Tropicana Garden 1 (xã B’lá, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) đã hình thành và chào bán – Ảnh: GIA THỊNH

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, diện tích hiến đất làm đường đa số thuộc các dự án bất động sản lậu, tức kinh doanh bất động sản như dự án nhưng không có các giấy phép đầu tư. Ngoài ra, diện tích đất hiến để làm đường ban đầu là vùng chè, cà phê, sau khi hiến đất tại các khu đất này hình thành các thửa nhỏ để kinh doanh, hoạt động nông nghiệp không diễn ra.

MAI VINH
TTO