01/11/2024

Đại học ‘chê’ chứng chỉ tiếng Anh ‘nội’

Đại học ‘chê’ chứng chỉ tiếng Anh ‘nội’

Khi tuyển sinh, các trường đại học chỉ xét các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, không xét chứng chỉ ngoại ngữ thuộc khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam.

 

 

Đại học chê chứng chỉ tiếng Anh nội - Ảnh 1.

Tân sinh viên làm thủ tục nhập học vào Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐH Quốc gia TP.HCM). Trường chỉ xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế – Ảnh: T.A.

Tháng 1-2014, Bộ Giáo dục – đào tạo ban hành thông tư về Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Theo đó, khung năng lực này sẽ là căn cứ thống nhất về yêu cầu năng lực cho tất cả ngoại ngữ được giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân, xây dựng tiêu chí trong kiểm tra, thi và đánh giá ở từng cấp học, trình độ đào tạo, bảo đảm sự liên thông trong đào tạo ngoại ngữ giữa các cấp học và trình độ đào tạo.

Tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác, trao đổi giáo dục, công nhận văn bằng, chứng chỉ với các quốc gia ứng dụng Khung tham chiếu chung châu Âu (CEFR). Tuy nhiên, chứng chỉ này đang bị các trường đại học “ngó lơ” khi tuyển sinh.

Chỉ xét chứng chỉ quốc tế

Nhiều năm qua, quy chế thi tốt nghiệp THPT đều có quy định miễn thi môn ngoại ngữ (được tính 10 điểm). Đối tượng được miễn gồm: thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ và thí sinh có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ, còn giá trị sử dụng tính đến ngày thi và đạt mức điểm tối thiểu theo quy định.

Với ngoại ngữ là tiếng Anh, các chứng chỉ được chấp nhận để miễn thi môn ngoại ngữ hoàn toàn là các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL chứ hoàn toàn không có các chứng chỉ thuộc khung ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành.

Trong khi đó, quy chế tuyển sinh, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và các quy định liên quan đến tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ lại có các quy định cụ thể về việc miễn thi đầu vào, đầu ra ngoại ngữ đối với chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc.

Đối với tuyển sinh đại học, hầu hết các trường chỉ ưu tiên xét tuyển thẳng hoặc quy đổi điểm với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, hoàn toàn vắng bóng chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc.

Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong xét tuyển tổ hợp có môn tiếng Anh, thí sinh có chứng chỉ IELTS 6.0 được quy đổi 10 điểm môn tiếng Anh, IELTS 5.5 được quy đổi 9 điểm và IELTS 5.0 được quy đổi 8 điểm. Trong khi đó, chứng chỉ TOEFL iBT 79 được quy đổi thành 10 điểm. Mức thấp nhất là TOEFL iBT 46-47 được quy đổi là 8 điểm.

Nhiều trường sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế cho phương thức xét tuyển kết hợp. Ở Trường ĐH Y dược TP.HCM, thí sinh đạt IELTS 6.0 trở lên có thể đăng ký xét tuyển theo phương thức kết hợp vào ngành y khoa, răng – hàm – mặt, dược học…

Tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chứng chỉ IELTS 6.0 trở lên là một trong những tiêu chuẩn theo phương thức xét tuyển học sinh giỏi và xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn. Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng thực hiện xét chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với khoảng 5 – 10% chỉ tiêu mỗi ngành chương trình tiên tiến, chất lượng cao.

Cùng với học lực và hạnh kiểm thì chứng chỉ ngoại ngữ là một trong những điều kiện bắt buộc nếu thí sinh muốn xét tuyển. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Kinh tế – luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng thực hiện xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Trong khi đó, một số trường đại học xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với kết quả học tập bậc THPT như Trường ĐH Luật TP.HCM, Trường ĐH Mở TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM…

Chưa được quốc tế công nhận

Chị T.T.N. – một giảng viên Trường ĐH Sài Gòn – cho biết đã cho con theo học tiếng Anh từ nhỏ và bắt đầu luyện thi IELTS từ 2 năm trước. Theo chị, tiếng Anh là một kỹ năng cần trang bị cho con để có thể hỗ trợ cho việc học tập và làm việc sau này.

“IELTS là chứng chỉ được quốc tế công nhận rộng rãi, nên việc thi và sở hữu chứng chỉ này sẽ có nhiều lợi thế hơn so với chứng chỉ trong nước dù về lý thuyết thì mức độ sử dụng thành thạo ngoại ngữ là tương đương nhau” – chị N. nói.

Ở khía cạnh trường đại học, nhiều ý kiến cho rằng vì tính phổ quát mà công nhận rộng rãi của chứng chỉ tiếng Anh quốc tế nên các trường chú trọng xét tuyển.

Ông Nguyễn Minh Hà – hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM – cho biết trường xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS với điểm số nhất định vì chúng được quốc tế công nhận rộng rãi, phù hợp vối chủ trương hội nhập của trường.

Theo ông Hà, hiện trường thực hiện đào tạo chuyển tiếp với nhiều đại học các nước nên việc ưu tiên xét tuyển thí sinh có điểm IELTS cao là phù hợp, sinh viên có thể chuyển đổi và học tiếp ở nước ngoài nếu muốn. Điều này không chỉ thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng đào tạo mà sinh viên cũng rất thuận lợi sau này.

“Trong khi đó chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam chưa phổ biến, chưa được các nước công nhận nên giá trị sử dụng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thu hút người học. Giữa chứng chỉ có giá trị trong nước và được quốc tế công nhận rộng rãi, dĩ nhiên thí sinh sẽ chọn cái có lợi hơn” – ông Hà nói thêm.

Ông Bùi Hoài Thắng – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết trường sẵn sàng quy đổi điểm với thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc nếu có. Tuy nhiên, hiện nay hầu như không có hoặc rất ít thí sinh thi và có chứng chỉ này nên đưa tiêu chí này vào xét tuyển sẽ rất kỳ.

Đang cân nhắc

Ông Nguyễn Trung Nhân – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM – cho biết đa số phụ huynh cho con học và thi các chứng chỉ quốc tế vì các chứng chỉ này được công nhận rộng rãi trong môi trường học tập, sinh sống. Trong khi đó, chưa có nhiều người thi chứng chỉ trong nước vì chưa được phổ biến, chỉ được công nhận trong nước.

“Năm trước trường không xét chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc. Năm nay trường đang cân nhắc có đưa chứng chỉ này vào xét tuyển hay không” – ông Nhân nói.

Vấn đề chất lượng

Ông Phạm Thái Sơn – giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – cho rằng quy trình và đề thi chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc có thể ổn nhưng cách thức tổ chức và đánh giá phần nào chưa tạo được niềm tin đối với chứng chỉ này do mới chỉ thực hiện trong vài năm gần đây.

Trong khi đó, các chứng chỉ quốc tế có kinh nghiệm hàng chục năm quy trình tổ chức thi khách quan, đánh giá chính xác kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của người dự thi.

Ngoài ra, giá trị sử dụng của chứng các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế không chỉ trong môi trường học thuật mà còn cả nhiều mục đích khác trong cuộc sống, làm việc sau này của người học, được công nhận rộng rãi.

Có lẽ vì thế mà ít thí sinh chọn thi chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc vốn chỉ được công nhận trong nước, các trường đại học cũng vì thế mà không đưa chứng chỉ này vào xét tuyển.

MINH GIẢNG
TTO