Đức, Pháp muốn giảm sự can thiệp của Mỹ ở châu Âu?
Đức, Pháp muốn giảm sự can thiệp của Mỹ ở châu Âu?
Giới phân tích nhận định chuyến thăm Nga của tổng thống Pháp vừa qua và của thủ tướng Đức sắp tới cho thấy 2 nhà lãnh đạo đều muốn giảm căng thẳng với Matxcơva, phần nào muốn giảm sự can thiệp của Mỹ với châu Âu.
“Chúng tôi có chung mục tiêu: giữ gìn hòa bình ở châu Âu bằng ngoại giao, các thông điệp rõ ràng và sẵn sàng hành động chung”, báo New York Times dẫn lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại Berlin cùng lãnh đạo Pháp và Ba Lan sau chuyến công du Mỹ ngày 8-2, giờ địa phương. Ông cho rằng căng thẳng với Nga có thể được tháo gỡ nếu châu Âu đoàn kết.
Ông Scholz dự kiến công du Ukraine và Nga vào giữa tháng này, trong đó dự kiến gặp Tổng thống Putin vào ngày 15-2.
Đầu tuần này, thế giới đã theo dõi 2 sứ mệnh ngoại giao là chuyến đi Matxcơva của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin và của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến Washington gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden.
“Macron và Scholz dường như đang cùng nỗ lực theo cách riêng của họ. Ý tưởng giảm bớt sự can thiệp của Mỹ vào các vấn đề của EU chắc chắn là một phần của chương trình nghị sự. Trái ngược với Mỹ và Anh, họ biết rõ rằng một cuộc xung đột [tiềm năng] sẽ xảy ra trên chính lãnh thổ của họ”, Hãng tin Sputnik dẫn lời nhà phân tích và chính trị gia Pháp Karel Vereycken nhận định.
Trong cuộc gặp với ông Biden đầu tuần này, ông Scholz dù tuyên bố đoàn kết với Mỹ nhưng lại tránh đề cập trực tiếp đến dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga đến Đông Âu vốn quan trọng với Đức. Trong khi đó, ông Biden khẳng định sẵn sàng “dừng” dự án này.
Năm 2019, ông Scholz đã từng công khai chỉ trích việc Mỹ áp lệnh trừng phạt lên dự án Nord Stream 2 là “sự can thiệp nghiêm trọng vào việc nội bộ của Đức và châu Âu”.
Về phần ông Macron, nhà lãnh đạo Pháp cũng muốn thúc đẩy một châu Âu “tự chủ chiến lược” và đã phản ứng gay gắt khi bị “phản bội” bởi thỏa thuận AUKUS giữa Mỹ, Anh, Úc. Năm 2019, ông từng công khai chỉ trích NATO bị “chết não” sau vụ việc Mỹ bất ngờ rút quân ở Syria mà không tham khảo ý kiến các đồng minh. Câu chuyện “tự chủ” cũng được nhắc lại sau cảnh rút quân đầy hỗn loạn ở Afghanistan vào năm ngoái.
Theo ông Vereycken, ông Macron có nhiều lý do để thúc đẩy đối thoại an ninh với Nga, không chỉ vì để tranh cử nhiệm kỳ 2 mà còn muốn trở thành một “lãnh đạo của châu Âu” mới sau khi cựu thủ tướng Đức Angela Merkel rút lui.
Cựu đại sứ Pháp tại Nga Jean de Gliniasty cho rằng ông Macron sẽ tận dụng vai trò chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu để thúc đẩy các thành viên nhất trí về các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực.
Dù vậy, một số ý kiến cho rằng con đường tìm kiếm sự tự chủ của ông Macron còn rất hẹp khi các nước châu Âu, bao gồm Đức, vẫn còn ngần ngại.
“Ông Macron cũng còn mơ hồ. Hiện tại, ông ấy rất kiên định trong NATO nhưng cũng có suy nghĩ rằng chúng tôi có thể hòa hợp với Nga”, tờ Politico dẫn lời nhà khoa học chính trị Nicole Bacharan nhận định.