24/11/2024

Israel bỏ quy định ‘thẻ xanh’, Đức nới lỏng hạn chế dù số ca COVID-19 tăng

Israel bỏ quy định ‘thẻ xanh’, Đức nới lỏng hạn chế dù số ca COVID-19 tăng

Từ ngày 7-2, Israel bỏ quy định trình chứng nhận tiêm vắc xin COVID-19 – thẻ xanh, tại hầu hết các tụ điểm công cộng như nhà hàng, rạp hát, phòng tập thể thao, khách sạn…

 

 

Israel bỏ quy định thẻ xanh, Đức nới lỏng hạn chế dù số ca COVID-19 tăng - Ảnh 1.

Trình thẻ xanh tại một nhà hát ở Jerusalem ngày 23-2-2021 – TIMES OF ISRAEL

Nhiều nơi nới lỏng hạn chế

Thẻ xanh chỉ được yêu cầu với các sự kiện tập trung đông người như đám cưới hoặc ở các câu lạc bộ đêm.

Theo báo Times of Israel, một số quy định khác cũng được dỡ bỏ từ ngày 7-2, như giới hạn số người tham gia sự kiện đông người hoặc quy định giãn cách tối thiểu trong các trung tâm thương mại, nhà hàng, văn phòng, trụ sở doanh nghiệp.

Bộ Y tế Israel cho biết việc nới lỏng quy định trên là do trên thực tế “thẻ xanh” đã không chứng minh được hiệu quả trong làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron gây ra.

Người được cấp “thẻ xanh” là người đã nhiễm COVID-19 hoặc đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin trong vòng 4 tháng qua; hoặc đã tiêm mũi 3 hoặc mũi 4.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Israel đã “đặc biệt xuất sắc” khi vượt qua đại dịch COVID-19 với chiến dịch tiêm vắc xin nhanh chóng, hiệu quả, giúp cho nền kinh tế hồi phục nhanh chóng.

Tương tự, ngày 7-2, lãnh đạo một số bang của Đức cho biết họ đang có kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế với virus corona mặc dù số ca nhiễm đang tăng, do không còn lo lắng về nguy cơ biến thể Omicron gây quá tải cho hệ thống y tế.

Ngày 7-2, Đức có 95.267 ca nhiễm mới, tăng 22% so với cùng ngày tuần trước. Tuy nhiên, tỉ lệ nhập viện trong bảy ngày tính trên 100.000 người giảm xuống còn 5,4, thấp nhất trong hơn hai tháng.

Bang Bavaria cho biết đang gỡ bỏ lệnh giới nghiêm vào ban đêm với các nhà hàng và nới lỏng hạn chế với các sự kiện thể thao và văn hóa. Bang Brandenburg sẽ quyết định trong ngày 8-2 về việc nới lỏng các hạn chế trong bán lẻ và có thể cho phép những người chưa tiêm vào một số cửa hàng với điều kiện phải đeo khẩu trang.

Các khu vực khác, như Sachsen và Schleswig-Holstein đã thông báo nới lỏng các biện pháp hạn chế tuần trước.

Dịch vụ y tế thế giới bị gián đoạn do COVID-19

Israel bỏ quy định thẻ xanh, Đức nới lỏng hạn chế dù số ca COVID-19 tăng - Ảnh 2.

Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus – Ảnh: REUTERS

Ngày 7-2, tại cuộc gặp giữa Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus và người đứng đầu Khối thịnh vượng chung Patricia Scotland tại trụ sở của WHO ở Geneva (Thụy Sĩ) về việc chấm dứt đại dịch và chống bất bình đẳng vắc xin, WHO và Khối các quốc gia thịnh vượng chung đưa ra cam kết đảm bảo các quốc gia nhỏ dễ bị tổn thương được tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19, qua đó hỗ trợ các nước này khôi phục nền kinh tế.

Theo Hãng tin Reuters, trong chuyến công du đến Mỹ, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng cho biết sẽ làm tất cả để đảm bảo mọi người trên trái đất được tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Ông Ghebreyesus nhấn mạnh đại dịch càng kéo dài, những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 sẽ ngày càng tồi tệ hơn. WHO đặt mục tiêu 70% dân số ở mỗi quốc gia sẽ được tiêm vắc xin COVID-19 vào cuối tháng 6-2022.

Khảo sát của WHO về tác động của COVID-19 công bố ngày 7-2 cho thấy đại dịch đã gián đoạn các dịch vụ y tế cơ bản như chương trình tiêm vắc xin đại trà và điều trị các bệnh như AIDS ở 92% trong số 129 quốc gia.

Khảo sát được thực hiện vào tháng 11 và 12-2021 cho thấy các dịch vụ y tế bị “ảnh hưởng nặng” và “có ít hoặc không có cải thiện” so với lần khảo sát trước vào đầu năm 2021.

36% quốc gia báo cáo tình trạng gián đoạn trong dịch vụ cấp cứu như xe cứu thương và phòng cấp cứu so với 29% vào đầu năm 2021 và 21% trong cuộc khảo sát đầu tiên vào năm 2020.

WHO cho biết: “Kết quả của khảo sát nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hành động khẩn cấp nhằm giải quyết những thách thức lớn của hệ thống y tế, phục hồi các dịch vụ và giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19”.

Các loại điều trị khác như thay khớp háng và đầu gối bị gián đoạn ở 59% quốc gia và dịch vụ vật lý trị liệu, chăm sóc giảm nhẹ bị gián đoạn ở khoảng 50% quốc gia. Thời điểm khảo sát trùng với thời điểm số ca nhiễm COVID-19 tăng ở nhiều quốc gia vào cuối năm 2021 do biến thể Omicron.

Mẹ mang thai truyền kháng thể cho con

Israel bỏ quy định thẻ xanh, Đức nới lỏng hạn chế dù số ca COVID-19 tăng - Ảnh 3.

Mẹ mang thai đã tiêm vắc xin COVID-19 truyền kháng thể cho con – Ảnh: REUTERS

Nghiên cứu mới về COVID-19 (chưa được cộng đồng khoa học nhận xét) cho thấy nhiều trẻ em có kháng thể từ vắc xin công nghệ mRNA (vắc xin Pfizer, Moderna) 6 tháng sau khi chào đời.

Con của những phụ nữ mang thai có tiêm vắc xin COVID-19 nhiều khả năng sẽ có kháng thể bảo vệ trước virus trong máu hơn con của những bà mẹ không tiêm vắc xin mà bị nhiễm COVID-19 trong thời kỳ mang thai.

Nghiên cứu công bố ngày 7-2 trên tạp chí JAMA có sự tham gia của 77 bà mẹ đã tiêm vắc xin và 12 bà mẹ có triệu chứng nhiễm virus SARS-CoV-2 trong thai kỳ. 57% con của các bà mẹ tiêm vắc xin có kháng thể trong máu nhưng chỉ 8% con của các mẹ bị nhiễm COVID-19 có kháng thể.

HỒNG VÂN
TTO