COVID-19 thế giới ngày 5-2: Hai mũi Pfizer, Moderna cách nhau 8 tuần giảm viêm cơ tim?
COVID-19 thế giới ngày 5-2: Hai mũi Pfizer, Moderna cách nhau 8 tuần giảm viêm cơ tim?
Một số quan chức y tế Mỹ tiết lộ đang xem xét kéo dài thời gian giữa mũi 1 và mũi 2 vắc xin Pfizer/BioNTech, Moderna lên 8 tuần nhằm tăng hiệu quả bảo vệ và giảm nguy cơ viêm cơ tim vốn đã rất hiếm gặp.
Tại Mỹ, khoảng thời gian khuyến cáo giữa hai mũi vắc xin Pfizer đầu tiên là 3 tuần còn đối với Moderna là 4. Tiến sĩ Sara Oliver, một quan chức tại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khẳng định nếu kéo dài thời gian lên gấp đôi, tức 8 tuần, nguy cơ viêm cơ tim ở người được tiêm sẽ ở mức rất thấp.
Viêm cơ tim là một tác dụng phụ hiếm gặp với vắc xin mRNA – công nghệ được sử dụng để tạo ra vắc xin Pfizer/BioNTech và Moderna.
Nếu CDC thay đổi thời gian khuyến nghị, theo tiến sĩ Oliver, vẫn có ý nghĩa nhất định vì tại Mỹ vẫn còn khoảng 33 triệu người từ 12 đến 39 tuổi chưa tiêm vắc xin COVID-19.
Một số nhóm tuổi sẽ tiếp tục được tiêm theo thời gian khuyến nghị hiện tại do lợi ích từ việc tiêm vắc xin sớm vẫn lớn hơn nguy cơ bị viêm cơ tim.
Mũi tăng cường bảo vệ tốt nhất người trên 65 tuổi
Theo số liệu được CDC Mỹ công bố ngày 4-2, các mũi tăng cường chỉ có hiệu quả bảo vệ tốt thấy rõ ở nhóm trên 65 tuổi. Ở các nhóm tuổi còn lại, việc tiêm 2 mũi cơ bản đã cho hiệu quả bảo vệ đủ tốt, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong.
Dữ liệu thống kê của CDC chỉ tính đến cuối tháng 12 năm ngoái khi làn sóng lây nhiễm vì Omicron mới bắt đầu.
Theo báo New York Times, mũi tăng cường có thể đã giúp giảm nguy cơ lây lan giữa những người trong cùng một cộng đồng và đây có thể là lợi ích chưa được ghi nhận trong thống kê của CDC.
Tiến sĩ Celine Gounder, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và nhà dịch tễ học tại Kaiser Health News, giữ quan điểm mũi tăng cường chỉ nên dành cho người có nguy cơ cao, người suy giảm miễn dịch hoặc sống trong các cơ sở dưỡng lão thay vì tất cả các nhóm tuổi.
Chưa cần mũi tăng cường đặc trị Omicron?
Một nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Chính phủ Mỹ tiến hành trên khỉ cho thấy mũi tăng cường đặc trị Omicron của Moderna không tạo ra sự khác biệt đáng kể. Theo Hãng tin Reuters, điều này cho thấy có thể con người sẽ không cần đến mũi tăng cường đặc trị Omicron.
Nghiên cứu tiến hành trên những con khỉ đã tiêm 2 liều vắc xin Moderna. Khoảng 9 tháng sau đó, những con khỉ này được tiêm mũi tăng cường Moderna thông thường hoặc một liều chuyên trị Omicron.
Nhóm nghiên cứu sau đó cho những con khỉ tiếp xúc với virus để xem khả năng phản ứng miễn dịch. Kết quả cho thấy cả hai nhóm đều cho hiệu quả bảo vệ tăng đáng kể so với lúc chưa tiêm và phản ứng với tất cả biến thể đáng lo ngại, bao gồm cả Omicron.
“Đây là một tin rất tốt. Nó có nghĩa là chúng ta sẽ không cần điều chỉnh lại toàn bộ vắc xin hiện có để tạo ra vắc xin Omicron”, ông Daniel Douek, một nhà nghiên cứu vắc xin tại Viện quốc gia về dị ứng và bệnh truyền nhiễm và là đồng chủ trì nghiên cứu nhận định.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên nền tảng bioRxiv và đang chờ bình duyệt từ giới khoa học.
Cả Moderna và Pfizer/BioNTech đều đã bắt đầu thử nghiệm mũi tăng cường đặc trị Omicron trong các thử nghiệm lâm sàng trên người.