‘Ép’ tiêu chuẩn cao để có thực phẩm sạch
Thay vì kêu gọi nông dân, nhà bán lẻ tự thiết lập hệ thống tiêu chuẩn hàng hoá riêng đối với nhà sản xuất nhằm đảm bảo sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.
‘Ép’ tiêu chuẩn cao để có thực phẩm sạch
Thay vì kêu gọi nông dân, nhà bán lẻ tự thiết lập hệ thống tiêu chuẩn hàng hoá riêng đối với nhà sản xuất nhằm đảm bảo sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.
Theo đó người bán hàng, thay mặt người tiêu dùng, sẽ áp đặt quyền lực lên phía nhà sản xuất để buộc nhà sản xuất phải làm hàng sạch.
Quy trình “ngược”
Từ tháng 10-2017, ông Nguyễn Văn Cang (Đà Lạt, Lâm Đồng) bỏ hẳn việc trồng hoa để chuyển sang mô hình trồng rau sạch vì có đối tác tại TP.HCM đặt hàng lâu dài thay vì trồng hoa bán cho thương lái rất bấp bênh.
Toàn bộ các khâu từ làm đất, chăm sóc, cách xử lý sâu bệnh đều do nhà bán lẻ đưa ra, ông Cang chỉ việc làm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
“Toàn bộ quy trình trồng rau đều không được sử dụng phân hóa học và hóa chất diệt côn trùng. Đây là tiêu chuẩn cao hơn cả VietGap”, ông Cang nói.
Trong khi đó bà Nguyễn Kim Oanh, thương lái heo tại chợ Hóc Môn, cho hay từ khi Sở Công thương TP.HCM áp dụng truy xuất nguồn gốc, bà đã bỏ hẳn việc cho người đi mua heo từ các hộ nuôi nhỏ lẻ, chuyển qua mua heo của Công ty chăn nuôi CP.
“Heo của CP có tiêu chuẩn và truy xuất rõ ràng nên không phải lo các thủ tục kiểm tra trong quá trình vận chuyển, vào lò mổ lẫn khi ra chợ đầu mối. Phải có những giấy tờ đầy đủ thì tiểu thương chợ lẻ mới mua hàng, nếu không họ cũng bị phạt”, bà Oanh cho hay.
Nguời mua chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, theo tiêu chuẩn VietGAP tại một siêu thị ở TP.HCM – Ảnh: T.T.D.
Từ hai trường hợp của nhà sản xuất và người kinh doanh có thể thấy nếu như trước đây, các nhà sản xuất làm theo tiêu chuẩn của Nhà nước rồi người kinh doanh, bán lẻ dựa vào đó để đưa hàng ra thị trường, thì giờ đây việc kiểm soát an toàn thực phẩm đang có sự dịch chuyển theo hướng ngược lại với cách làm truyền thống.
Theo ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cách quản lý truyền thống có nhiều kẽ hở dẫn đến việc người sản xuất có thể làm ăn gian dối như cho thuốc tăng trọng vào đàn heo, thương lái cũng có thể tiêm thuốc an thần, bơm nước vào heo để tăng trọng, kiếm lời bất chính.
Kết quả là dù trên giấy tờ, con heo có thể có tiêu chuẩn VietGAP, có dấu thú y nhưng miếng thịt đến tay người tiêu dùng không còn an toàn nữa.
Tuy nhiên, sau nhiều vụ làm ăn gian dối bị phát hiện, người tiêu dùng bớt tin vào các giấy tờ, thay vào đó họ lựa chọn thực phẩm kỹ càng hơn. Điều đó khiến nhà sản xuất phải nỗ lực tìm nguồn hàng, minh bạch để lấy lại niềm tin.
Và đó chính là cơ sở cho sự ra đời của việc quản lý theo chiều ngược lại: Hàng hóa muốn vào hệ thống bán lẻ phải đáp ứng yêu cầu của chính nhà bán lẻ đó.
Trên thực tế, tại Việt Nam, nhiều siêu thị, nhà bán lẻ đã xây dựng một bộ tiêu chuẩn sản phẩm chất lượng riêng mà theo các nhà sản xuất là còn cao hơn các tiêu chuẩn nhà nước ban hành và quan trọng là kiể tra nghiêm khắc.
Hàng loạt các hệ thống siêu thị như Aeon, Big C, đến Co.op Mart hay VinMart… đều có các tiêu chuẩn riêng của mình, và yêu cầu các nhà cung cấp tuân thủ nghiêm ngặt.
“Chúng tôi còn tổ chức các đoàn kiểm tra không chỉ tại đơn vị sản xuất mà còn lấy mẫu tại các điểm bán để kiểm định đột xuất” – đại diện Co.op Mart cho hay.
Còn theo đại diện Vingroup, toàn bộ hàng hoá vào hệ thống VinMart, VinMart+ trước hết phải đảm bảo 100% quy định và tiêu chuẩn như: giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, sơ chế, bao gói, bảo quản.
“Chúng tôi đang triển khai nhiều chương trình hợp tác hỗ trợ với nhà cung cấp, định hướng, tư vấn về quy cách tiêu chuẩn nhằm đảm bảo sản phẩm sản xuất được đạt đúng tiêu chuẩn mà doanh nghiệp đặt ra. Ngoài ra chúng tôi cũng nhờ địa phương giám sát trước khi đưa hàng vào hệ thống” – đại diện Vingroup cho biết.
Trồng rau sạch tại tổ hợp tác rau an toàn Thuận Hoà (xã Long Thuận, TX Gò Công, Tiền Giang) – Ảnh: T.TÚ
“Giấy thông hành” từ nhà bán lẻ
Nhiều doanh nghiệp cho biết một khi đã đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của nhà bán lẻ, đó là giấy thông hành để tiếp cận và du nhập hàng vào các thị trường khó tính khác.
Nhiều người Việt tại Mỹ đã quen với nước mắm Red Boat sản xuất tại Phú Quốc được bán tại nhiều siêu thị thực phẩm hữu cơ cao cấp của Mỹ như Whole Foods, Trader Joe’s.
Theo ông Cường Phạm, chủ hàng nước mắm Quốc Hương, phải mất đến 2 năm sản phẩm mới có mặt rộng rãi ở các cửa hàng trên đất Mỹ.
Dù đạt được các chứng nhận về an toàn thực phẩm của VN hay quốc tế vẫn phải tuân thủ các quy định riêng của các nhà bán lẻ.
Còn ông Phùng Văn Hiền, giám đốc Công ty Trái cây nhiệt đới (Bến Tre), cho biết trái cây đã đạt chuẩn GlobalGAP nhiều năm, nhưng để xuất khẩu vào hệ thống siêu thị tại Anh còn phải trải qua nhiều công đoạn như gửi mẫu phân tích, chứng minh giấy tờ… Mỗi năm họ cử chuyên gia sang vườn để đánh giá quy trình.
“Trước mỗi lần xuất khẩu còn yêu cầu phải lấy mẫu đi phân tích đồng thời tại Việt Nam và Singapore, nếu đạt mới cho xuất khẩu”, ông Hiền nói.
Tương tự, bà Trần Thị Vân Loan, tổng giám đốc Công ty thủy sản Cửu Long An Giang – cung ứng cá tra vào Walmart tại Mexico, cho biết để đưa được hàng vào hệ thống này, công ty phải trải qua bốn lần kiểm định về nhà máy, tài chính, an ninh chuỗi cung ứng và trách nhiệm xã hội.
“Nhưng một khi đáp ứng được tiêu chí của một siêu thị lớn thì việc đưa hàng vào những hệ thống khác không còn là chuyện khó nữa” – bà Loan nói.