5 nút thắt cần tháo gỡ ở trường chuyên
5 nút thắt cần tháo gỡ ở trường chuyên
Những cái được của hệ thống trường chuyên trong cả nước tôi không nhắc lại. Ở đây tôi bàn về khía cạnh những bất cập cố hữu mà nếu tháo gỡ, khắc phục được thì trường chuyên sẽ có diện mạo mới.
Thứ nhất, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của trường chuyên khá hiện đại nhưng chưa sử dụng, tận dụng hết chức năng. Nhiều máy móc hiện đại được cấp trên trang bị, đưa về nhưng ít khi sử dụng như phòng thí nghiệm – thực hành của các bộ môn hoặc các thiết bị hiện đại khác phải “đắp mền”, rất lãng phí.
Thứ hai, trường chuyên như “chiếc bánh ngon”, nên có tình trạng “gởi gắm” hoặc bằng nhiều mối quan hệ để được về dạy trường chuyên, mặc dù cũng có những tiết dạy “khảo sát” nhưng chỉ mang tính thủ tục. Vì dạy ở trường chuyên được hưởng 70% hệ số lương; xấp xỉ gấp đôi tiền lương hằng tháng so với trường bình thường.
Thành ra, đội ngũ giáo viên trường chuyên thường không đồng đều về năng lực, có khi không bằng chất lượng các trường khác. Thi học sinh giỏi quốc gia chẳng hạn, các trường phổ thông khác có học sinh đoạt giải mà trường chuyên không có.
Thật là một nghịch lý vì học sinh trường chuyên thi tuyển đầu vào khắt khe; giáo viên được “chọn lọc” hơn các trường khác; điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học tốt hơn.
Thứ ba, nhiều giáo viên các trường khác thắc mắc ở trường chuyên, giáo viên dạy được hưởng “đại trà” 70% hệ số lương. Lẽ ra giáo viên nào dạy lớp chuyên, môn chuyên mới được hưởng. Tại sao các môn không chuyên (thể dục, giáo dục công dân, công nghệ…) đều được hưởng như nhau?
Mặt khác, quy định dạy một tiết môn chuyên quy ra bằng ba tiết còn chưa “tâm phục khẩu phục”. Làm sao biết được cũng trong 45 phút lên lớp giáo viên dạy môn chuyên cung cấp được kiến thức nhiều hơn, sâu hơn? Lại xảy ra tình trạng “chạy” để được dạy lớp chuyên, môn chuyên…cho khỏe!
Thứ tư, học sinh trường chuyên chỉ chăm chú học môn chuyên, còn các môn khác thì học qua loa, xem thường bộ môn và xem thường cả giáo viên bộ môn. Nhưng vào các đợt thi học kỳ, cuối năm thì các bộ môn khác, vì áp lực thành tích, vẫn phải cho điểm cao, đủ đạt loại giỏi cho học sinh!
Nếu giáo viên nào không thực hiện thì ban giám hiệu sẽ mời “làm việc”, chừng nào “thông suốt” mới thôi! Thành ra, học sinh trường chuyên luôn có “học bạ đẹp” vào cuối năm học. Vì mải mê học chữ, học kiến thức mà quên học kỹ năng sống nên khi thi đoạt giải thì mừng. Chẳng may rớt thì các em trở nên trầm cảm, học hành sa sút…
Thứ năm, áp lực thành tích học sinh giỏi rất lớn nên nhà trường bắc buộc các em trong các đội tuyển ôn luyện tám tuần trước khi thi. Đó là thời gian hai tháng, các em chỉ ôn luyện, giải bài tập luyện thi, còn các môn khác không học. Sau đó, nhà trường làm “thủ tục” gọi là “học bù”, làm bài kiểm tra cho có lệ, cho điểm tối đa để các em đạt danh hiệu “học sinh giỏi” cuối năm!
Những bất cập, những sự giả dối vì thành tích đã làm méo mó mô hình trường chuyên, “chiếc nôi” của đào tạo nhân tài!
Cần có một mô hình mới để giáo viên giỏi thực sự, học sinh giỏi thực sự, không áp lực thành tích, mà có những sự đột phá để giáo viên, học sinh cùng khám phá kiến thức, làm chủ kiến thức, trở thành những nhân tài thật cho xã hội…