Cứ 1 phút, 14 sản phẩm Việt Nam được bán trên Amazon
Cứ 1 phút, 14 sản phẩm Việt Nam được bán trên Amazon
Cứ mỗi phút, hiện có 14 sản phẩm của Việt Nam được bán qua sàn Amazon trong năm qua, từ bánh tráng đến bún khô, cà phê, gốm sứ…
Gần 7,2 triệu sản phẩm bán qua Amazon
Thử tìm kiếm từ “Rice paper wrapper” (bánh tráng cuốn gạo) trên sàn thương mại điện tử Amazon sẽ thấy có hàng trăm sản phẩm từ Việt Nam đến Thái Lan, Nhật Bản. Dù vậy, những sản phẩm xuất xứ Việt Nam đang chiếm áp đảo. Một xấp bánh tráng cuốn mỏng của các thương hiệu Việt Nam như Mekong River, Tanisa, Bình Tây… có giá bán trên sàn Amazon từ 8,45 – 19,99 USD.
Tương tự, sản phẩm rong nho tươi xuất xứ Việt Nam của nhiều công ty đang được bán trên sàn này với giá từ 9 – 19 USD cũng được nhiều người mua hàng tại Mỹ khen tặng sau khi thưởng thức. Hay hàng loạt sản phẩm thông dụng như cây chổi đót, nón lá, gốm sứ, cà phê, bún khô, đồ mây tre đan, đồ gỗ… đã có mặt trên sàn Amazon hay Ebay và bán tại nhiều nước khác nhau. Số lượng, chủng loại hàng hóa từ Việt Nam trên các sàn thương mại điện tử quốc tế ngày càng gia tăng. Đặc biệt trong năm 2021, dù bị ảnh hưởng dịch Covid-19 và khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa quốc tế, nhưng xu hướng này vẫn tăng cao. Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh, việc đưa hàng lên các chợ xuyên biên giới như Amazon là điều mà nhiều doanh nghiệp (DN) không thể bỏ qua. Bởi nếu bán hàng trên Amazon thì đó là cơ hội để sản phẩm có thể tiếp cận nhanh với thị trường toàn cầu từ Mỹ, Canada đến Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển, Nhật, Singapore…
Theo báo cáo mới nhất của Amazon, thống kê 12 tháng (từ tháng 9.2020 – 8.2021), đã có gần 7,2 triệu sản phẩm của các DN vừa và nhỏ tại Việt Nam được bán cho các khách hàng khắp thế giới. Ước tính trung bình cứ mỗi phút sẽ có 14 sản phẩm Việt Nam được bán ra trên sàn này. Mặc dù không nêu rõ số lượng DN đang tham gia bán hàng trên sàn này, nhưng báo cáo cho hay số DN vừa và nhỏ vượt mốc doanh số 1 triệu USD trên Amazon tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước; số DN vượt mốc doanh số 500.000 USD tăng hơn 53% và số DN có doanh số hơn 100.000 USD trên Amazon tăng gần 18%. Danh mục sản phẩm Việt Nam bán chạy nhất trên Amazon là đồ gia dụng, dụng cụ nhà bếp, sản phẩm dệt may, tiện ích gia đình, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và cá nhân. Không ít thương hiệu Việt đã chuyển từ kinh doanh truyền thống nội địa sang xuất khẩu qua thương mại điện tử, tiến ra thị trường quốc tế và đạt thành tựu tích cực trong năm qua. Đơn cử có gốm sứ Minh Long, nón bảo hiểm Royal, hạt điều Lafooco, rong nho Trường Thọ…
Kênh quảng bá thương hiệu
Những ngày đầu năm mới 2022, lượng đơn hàng bánh tráng, bún phở… của Tanisa trên sàn Amazon tăng vọt, gấp 3 – 5 lần so với bình thường. Theo bà Trần Hạnh Thư, Giám đốc Công ty TNHH Tanisa, nhu cầu của khách hàng tăng mạnh gần đây do biến chủng Omicron hoành hành tại Mỹ, mùa đông lạnh khiến nhiều người hạn chế ra ngoài, nên doanh số mua hàng online tăng đột biến, chưa kể chuỗi cung ứng bị gãy khiến hàng hóa thiết yếu bị hụt lượng lớn trên thị trường.
Bán hàng qua mạng là cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu nhanh chóng, chi phí thấp. Nhưng muốn hiệu quả thì DN phải học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt nhu cầu thị trường, khách hàng và đặc biệt là kiên nhẫn. Tùy thuộc vào quy mô, chủng loại hàng hóa mà mỗi DN có thể tự xây dựng đội ngũ bán hàng, marketing về thương mại điện tử hoặc có thể thuê dịch vụ chuyên nghiệp để tối ưu hóa chi phí.
Bên cạnh các đơn hàng bán lẻ, đơn hàng bán sỉ của Tanisa cũng đầy ắp khiến công ty căng mình đáp ứng. Bắt đầu đưa hàng lên sàn Amazon từ cuối năm 2018 đến nay, các sản phẩm của Tanisa đã có được chỗ đứng tốt giữa hàng trăm sản phẩm cùng loại đến từ các thương hiệu khác trong và ngoài nước. Mặc dù doanh số bán lẻ còn thấp so với tổng doanh số xuất khẩu của công ty hằng năm, nhưng theo bà Trần Hạnh Thư, đây là kênh quảng bá thương hiệu tương đối tốt, tiếp cận khách hàng khá hiệu quả, đặc biệt cho các DN nhỏ hay mới khởi nghiệp. Nếu so sánh với chi phí để tiếp cận khách hàng quốc tế theo cách truyền thống như tham dự hội chợ, triển lãm ở nước ngoài thì chi phí tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Amazon hay Alibaba thấp hơn. Tuy nhiên, trên sàn Amazon, không phải giá bán cao gấp 5 – 10 lần giá bán trong nước là đồng nghĩa DN có lợi nhuận nhiều hơn. Bởi ngoài chi phí trả cho trên sàn Amazon gồm phí quảng cáo, phí vận hành… với ước tính tối thiểu 55 – 60%, chưa tính các chi phí logistics, kho bãi ngoài, chi phí sản phẩm. DN cũng sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn thường trực như sản xuất số lượng ít cho hàng yêu cầu khắt khe hơn, nhưng lại đi nhiều mã hàng khiến chi phí đội lên nhiều hơn về chi phí tồn kho nguyên vật liệu, quản lý, logistics…
“Doanh số của hoạt động bán lẻ so với kênh bán sỉ chưa nhiều, nhưng đó cũng là một kênh quảng bá thương hiệu khá tốt cho các DN nhỏ. Thậm chí, khách hàng sỉ cũng có thể vào những kênh bán lẻ để tìm hiểu, xem người dùng đánh giá thế nào về sản phẩm của mình. Đó là cả một quá trình đầu tư, thử nghiệm tới lui, thất bại, sửa và làm lại cho đúng hơn từ nhiều năm trước, như việc gieo hạt vậy, gieo trồng thì mới có quả”, bà Trần Hạnh Thư chia sẻ.
Ông Trần Văn Tươi, Giám đốc điều hành Rong nho Trường Thọ, cũng cho biết thương hiệu này gia nhập Amazon với tư cách là một công ty khởi nghiệp nuôi trồng thủy sản sáng tạo, nhưng còn rất mới mẻ trên thị trường. Công ty gặp rất nhiều khó khăn khi thâm nhập thị trường quốc tế do nhiều tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm và đóng gói bao bì. Sau đó, với sự hỗ trợ của đội ngũ Amazon và dịch vụ FBA (hỗ trợ lưu kho, chuyển hàng, hoàn tất đơn hàng trên Amazon) không chỉ hỗ trợ DN trong khâu vận chuyển và đóng gói mà còn đảm bảo duy trì được chất lượng sản phẩm. Vào năm 2020, khi Covid-19 tạo ra nhiều khó khăn và thách thức cho các DN nhỏ, doanh thu từ Amazon đã đóng góp 35% tổng doanh thu của Rong nho Trường Thọ.
Cơ hội lớn, nhưng cần sự chuyên nghiệp
Đại diện của Amazon Global Selling đã nhiều lần khẳng định tất cả mặt hàng của Việt Nam đều có cơ hội “lên kệ” Amazon và đơn vị này luôn ủng hộ các DN thông qua nhiều hội thảo, các chương trình đào tạo cho DN vừa và nhỏ. Đồng thời, Amazon Global Selling cũng tăng cường hợp tác với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam (IDEA), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và các hiệp hội ngành nghề để chia sẻ thông tin, nâng cao nhận thức về xuất khẩu qua thương mại điện tử và thúc đẩy xây dựng thương hiệu “made in Vietnam” trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, bản thân các DN lẫn chuyên gia đều đánh giá rất nhiều công ty chưa hiểu rõ về cách thức vận hành, hoàn thiện đơn hàng bán qua mạng, xuất khẩu xuyên biên giới hay thậm chí kỹ năng trình bày gian hàng trên mạng để thu hút khách hàng.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), nhận định việc bán hàng ra thị trường quốc tế qua các chợ điện tử như Amazon, Ebay hay Alibaba khá phù hợp cho các DN nhỏ và vừa, không chỉ bán lẻ mà có cả bán sỉ. Chẳng hạn, nhóm hàng thủ công mỹ nghệ với chủ động về mẫu mã, phù hợp cho đơn hàng số lượng ít… thì bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng khá tốt.
Trong khi đó, với những mặt hàng lớn, sản xuất công nghiệp thì việc bán lẻ sẽ phức tạp hơn, trong khi các DN quy mô lớn lại chỉ quen làm gia công, không chủ động về thiết kế. Tuy nhiên, mỗi lĩnh vực, sản phẩm sẽ cần có kỹ năng riêng phù hợp. Cũng giống như DN bán hàng trực tiếp sẽ phải chăm sóc cửa hàng, bày trí sản phẩm bắt mắt, thu hút khách hàng thì ngay cả việc chụp hình sản phẩm, chăm sóc khách hàng, trả lời các câu hỏi nhanh chóng… cũng phải được thực hiện liên tục. Có làm như vậy mới bán được hàng, giữ chân người mua và tạo nên uy tín cho thương hiệu.
MAI PHƯƠNG
TNO