Ngoại trưởng Nga – Mỹ gặp nhau để ‘tháo ngòi nổ’ căng thẳng Ukraine
Ngoại trưởng Nga – Mỹ gặp nhau để ‘tháo ngòi nổ’ căng thẳng Ukraine
Sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở Thụy Sĩ, người đồng cấp Mỹ Antony Blinken cảnh báo Nga sẽ phải đối mặt với ‘phản ứng nhanh chóng, nghiêm khắc và đoàn kết’ nếu Matxcơva tấn công Ukraine.
“Chúng tôi đã nói rõ: Nếu bất kỳ lực lượng quân sự nào của Nga di chuyển qua biên giới Ukraine, đó được xem là một cuộc xâm lược. Họ sẽ phải đối mặt với phản ứng nhanh chóng, nghiêm khắc và đoàn kết từ Mỹ cùng các đối tác và đồng minh của chúng tôi” – Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trong cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 21-1 sau cuộc gặp dài 90 phút.
Ông Blinken mô tả cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov là thẳng thắn và hữu ích. Cuộc gặp được tổ chức nhằm hạ nhiệt tình trạng căng thẳng gia tăng kể từ lúc xuất hiện thông tin Nga đưa binh sĩ đến gần biên giới với Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết Washington đã đồng ý gửi các tuyên bố bằng văn bản cho Matxcơva, sau khi Nga yêu cầu có sự đảm bảo về mặt an ninh, gồm cam kết Ukraine không bao giờ được phép gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo Hãng tin Reuters, hiện nay các quốc gia phương Tây lo ngại Nga đang lên kế hoạch tấn công Ukraine, sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Trong khi đó, Nga đã phủ nhận thông tin lên kế hoạch tấn công quân sự nhằm vào Ukraine. Tuy nhiên, Matxcơva tuyên bố họ có thể thực hiện các hành động quân sự nào đó, nếu những đòi hỏi về an ninh của Matxcơva không được đáp ứng.
Ngoại trưởng Blinken cho biết khi tổ chức cuộc hội đàm nói trên, Washington muốn xác định xem liệu Nga có sẵn sàng thực hiện con đường ngoại giao để giảm căng thẳng liên quan vấn đề Ukraine hay không.
Cả phía Mỹ và Nga đều nhất trí rằng cần tiếp tục tiến trình ngoại giao. Sau cuộc gặp với ông Blinken, Ngoại trưởng Lavrov tiếp tục khẳng định Nga không gây ra mối đe dọa nào đối với nước láng giềng Ukraine.
Cũng tại cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Blinken đã thảo luận với người đồng cấp Nga về vấn đề Iran, cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran là ví dụ về cách thức hai nước có thể làm việc với nhau về các vấn đề an ninh.
Theo ông, vẫn còn cơ hội để khôi phục thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký giữa Iran và các cường quốc hồi năm 2015.