Tai nạn giao thông tại TP.HCM giảm mạnh nhất lịch sử
Tai nạn giao thông tại TP.HCM giảm mạnh nhất lịch sử
Sáng nay (18.1), Ban An toàn giao thông (UBND TP.HCM) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2021 và phát động ra quân thực hiện năm an toàn giao thông 2022.
Theo tổng kết của Ban An toàn giao thông, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 thực hiện giãn cách xã hội, người dân hạn chế ra đường nên lưu lượng phương tiện lưu thông giảm, tình hình giao thông trên địa bàn thành phố trong năm 2021 tương đối thông thoáng.
“Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” là chủ đề năm an toàn giao thông 2022 NGỌC DƯƠNG |
Giảm sâu cả 3 mặt
Tuy nhiên, thời điểm trước và sau khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tình hình tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng tại một số địa bàn. Tình trạng kinh doanh, buôn bán gây mất trật tự lòng lề đường vẫn còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, số lượng phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục tăng mạnh trong năm, trong khi hệ thống hạ tầng phát triển không đáp ứng kịp và chưa có giải pháp kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân hiệu quả.
Hiện trên địa bàn TP.HCM có 19 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông. So với cùng kỳ 2020, tăng 1 điểm tại đường nguyễn Văn Bứa (đoạn từ cầu lớn đến Ngã ba Giồng. Đầu năm, trên địa bàn thành phố còn 6 điểm đen tai nạn giao thông. Trong năm 2021 mới phát sinh thêm 1 điểm đen tại nút giao đường dẫn cao tốc Bình Thuận – Chợ Đệm – đường Võ Trần Chí (huyện Bình Chánh). Kết thúc năm 2021, Sở GTVT TP.HCM thông báo xóa 3 điểm đen không tiếp tục xảy ra tai nạn giao thông trong 12 tháng. Như vậy, tổng số điểm đen tính đến cuối năm 2021 là 4 điểm.
Trong năm 2021, tình hình tai nạn giao thông được kéo giảm trên cả ba mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 1.784 vụ tai nạn giao thông, làm chết 477 người, 1.042 người bị thương. So với cùng kỳ 2020, giảm 1.146 vụ (-39,1%); giảm 70 người chết (-12,8%) và giảm 993 người bị thương (-8,8%). Đây là mức giảm sâu nhất trong lịch sử thành phố.
Ban An toàn giao thông đặt mục tiêu trong năm 2022 sẽ kéo giảm từ 5 – 10% các chỉ tiêu về tai nạn giao thông so với năm 2021.
Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC08) đánh giá đại dịch Covid-19 là thách thức lớn nhất và chưa từng có trong tiền lệ đối với cả người dân cũng như ngành giao thông của thành phố trong năm 2021. Thời điểm TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, PC08 đã tham mưu cho UBND TP tổ chức thiết lập các chốt kiểm soát tại vị trí các cửa ngõ giáp ranh giữa TP.HCM với các tỉnh, thành lân cận cũng như các chốt, trạm kiểm soát trong khu vực nội đô nhằm kiểm soát tối đa tình hình lây lan của dịch bệnh.
Tuy đã đạt được kết quả tích cực về giảm tình hình tai nạn giao thông, song, đại diện PC08 cho rằng chỉ tiêu kéo giảm 5 – 10% tai nạn giao thông mà Ban Giao thông đề ra khó thực hiện. Nguyên nhân, tình hình tai nạn giao thông giảm mạnh năm vừa qua một phần nhờ 4 tháng giãn cách, tai nạn kéo giảm theo cơ học tự nhiên. Năm 2022, khi tình hình kinh tế, xã hội đã trở lại bình thường mới, cần đánh giá thực tế để xem xét điều chỉnh lại mục tiêu sao cho khả thi.
Không chỉ tập trung giảm số lượng
Kết thúc Hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá ngành giao thông đóng vai trò rất lớn trong quá trình chống dịch và phục hồi kinh tế của TP.HCM trong năm qua. Đối với đô thị lớn có mật độ giao thông rất cao như TP.HCM, việc thành công kéo giảm tai nạn, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong nhiệm kỳ 5 năm 2015 – 2019 cũng như trong năm 2021 là nỗ lực rất đáng ghi nhận. Đặc biệt, trong quá trình phòng chống dịch, ngành giao thông đã rất nhanh nhạy, linh động, tổ chức nhiều giải pháp hiệu quả đảm bảo lưu thông hàng hóa, lưu thông phương tiện, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
Theo ông Mãi, việc giảm sâu cả ba mặt tai nạn giao thông trong năm 2021 cần được đánh giá cụ thể. Về nguyên nhân, vừa có nguyên nhân khách quan là do dịch, vừa có nguyên nhân chủ quan nhờ ý thức người tham gia giao thông và nỗ lực của lực lượng chức năng.
“Nhân việc phục hồi sau giãn cách, ngành giao thông cần phân tích, mổ xẻ từng nguyên để phát huy những điểm tích cực, đồng thời rút kinh nghiệm chỉ rõ những bất cập để tổ chức lại việc điều tiết, đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, góp phần xây dựng hình ảnh thành phố thông minh. Tỷ lệ giảm tai nạn giao thông trong năm 2021 đã chạm đáy, mục tiêu giảm tiếp 5 – 10% trong năm nay khó. Song, quan trọng không phải chỉ kéo giảm lượng mà phải quan tâm làm sao cải thiện tuyên truyền ý thức người dân, dự báo, xác định các nguy cơ tiềm ẩn để hạn chế tối đa nguy cơ tai nạn, đảm bảo an toàn cho người dân” – Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.
Lãnh đạo TP.HCM cũng thông tin trong năm 2022, thành phố sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng kịp nhu cầu. Cụ thể, trong năm nay sẽ khép kín Vành đai 2, hoàn thành thủ tục khởi công Vành đai 3 để khởi công và hoàn thiện trong nhiệm kỳ. Song song, triển khai Vành đai 4 và đẩy nhanh tiến độ về đích của tuyến metro số 1…
HÀ MAI
TNO