Cảnh báo mới về biến chủng Omicron
Cảnh báo mới về biến chủng Omicron
Thêm nhiều cảnh báo được đưa ra về Omicron trong bối cảnh biến chủng này tiếp tục lây lan khắp thế giới.
Không được đầu hàng Omicron
Trong cuộc họp báo ngày 12.1, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tiếp tục cảnh báo dù Omicron gây bệnh nhẹ hơn Delta, biến chủng này vẫn rất nguy hiểm, đặc biệt với người chưa chủng ngừa vắc xin Covid-19. Vì vậy, các nước không được “đầu hàng” và xem Omicron là cách kết thúc đại dịch trong bối cảnh nhiều người vẫn chưa được tiêm vắc xin, theo AFP dẫn lời ông.
|
Nhân viên y tế trong khu vực dành cho bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở Warsaw, Ba Lan, ngày 8.1 REUTERS |
Ông Tedros cũng cho biết thế giới hiện có khoảng 50.000 người tử vong vì Covid-19 mỗi tuần và lưu ý rằng dù đang học cách sống chung với dịch thì cũng không nên chấp nhận con số tử vong này. Do đó, ông cho rằng các nước cần phải ngăn sự lây lan của vi rút để hạn chế số người nhập viện và tử vong tăng lên.
Dữ liệu của WHO ngày 11.1 cho thấy Omicron đã được ghi nhận ở 149 quốc gia và biến chủng mới là nguyên nhân khiến số ca nhiễm toàn cầu tăng vọt trong thời gian gần đây. Theo số liệu WHO công bố sáng sớm 13.1, thế giới đã có thêm gần 3,4 triệu ca mắc Covid-19 trong 24 giờ qua, con số cao nhất kể từ đầu đại dịch đến nay.
Trước đó, trong tuần từ 3 – 9.1, thế giới ghi nhận kỷ lục 15 triệu ca bệnh mới, tăng 55% so với 7 ngày trước. WHO cũng lưu ý rằng số người mắc Covid-19 trong tuần qua trên thực tế còn cao hơn. Trừ châu Phi, tất cả khu vực đều có sự gia tăng ca nhiễm.
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến các chuyên gia đưa ra những dự báo ảm đạm. Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm chuyên gia của WHO về Covid-19, ngày 12.1 cho biết Omicron khả năng cao không phải là biến chủng cuối cùng khiến tổ chức này đau đầu. Nhà dịch tễ học này nói vi rút sẽ tiếp tục tiến hóa và hiện Covid-19 chưa phải bệnh đặc hữu. Trước đó một ngày, lãnh đạo các cơ quan y tế Mỹ đưa ra nhận định hầu hết người Mỹ sẽ mắc Covid-19 vì Omicron lây lan quá nhanh, theo The Guardian.
Biện pháp đối phó mới
Trước sự lây lan nhanh chóng của Omicron, nhiều nước đã điều chỉnh các biện pháp chống dịch. Reuters đưa tin chính phủ Thụy Sĩ hôm 12.1 thông báo giảm một nửa thời gian cách ly xuống còn 5 ngày từ 14.1. Biện pháp này được thực hiện vì thời gian ủ bệnh của Omicron ngắn hơn đáng kể so với các biến chủng trước đó. Chính phủ Thụy Sĩ cũng đang đề xuất kéo dài các biện pháp hạn chế hiện tại đến cuối tháng 3.
Theo CNN, thống đốc các bang ở Mỹ đã ban hành quy trình khẩn cấp để giảm áp lực cho hệ thống bệnh viện trong bối cảnh số người nhập viện vì Covid-19 ở nước này đạt kỷ lục 151.000 trường hợp hôm 12.1. Những biện pháp này bao gồm điều động Vệ binh quốc gia đến bệnh viện, chuyển bệnh nhân nặng đến cơ sở y tế khác và tăng trợ cấp cho nhân viên y tế.
Thụy Điển và Đan Mạch cũng quyết định thay đổi chiến lược tiêm chủng vắc xin Covid-19. Cơ quan y tế Thụy Điển hôm 12.1 giảm thời gian khuyến nghị tiêm chủng giữa mũi 2 và mũi 3 từ 6 tháng xuống còn 5 tháng với người trưởng thành. Trước đó, Anh, Đan Mạch, Pháp có động thái tương tự và thời gian có thể được rút ngắn lại chỉ còn 3 tháng. Đan Mạch tiến thêm một bước vào ngày 12.1 khi tuyên bố sẽ tiêm liều thứ 4 cho những người dễ bị tổn thương, trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu làm điều này.
Mỹ chỉ trích việc Trung Quốc hủy các chuyến bay
Reuters đưa tin chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 12.1 chỉ trích việc Trung Quốc hủy các chuyến bay đến từ Mỹ sau khi phát hiện hành khách dương tính với SARS-CoV-2. Bộ Giao thông vận tải Mỹ tuyên bố hành động của Trung Quốc đã vi phạm Hiệp định Vận tải hàng không Mỹ – Trung. Washington cũng cảnh báo có hành động đáp trả.
Trong ngày 12.1, Bắc Kinh đã ra lệnh ngưng 6 chuyến bay từ Mỹ sang Trung Quốc vào những tuần tới, nâng số chuyến bay bị bắt buộc hủy trong năm nay lên 70, sau khi số hành khách mắc Covid-19 tăng vọt. Cùng ngày, Trung Quốc cũng cho ngưng 6 chuyến bay khởi hành từ Pháp và Cameroon.
ĐÔNG A
TNO