Níu giữ quyền lực trong kiểm tra hàng xuất nhập khẩu
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định vẫn còn tình trạng níu giữ quyền lực của hải quan, các cơ quan kiểm tra chuyên ngành hàng hoá xuất nhập khẩu nhằm gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp.
Níu giữ quyền lực trong kiểm tra hàng xuất nhập khẩu
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định vẫn còn tình trạng níu giữ quyền lực của hải quan, các cơ quan kiểm tra chuyên ngành hàng hoá xuất nhập khẩu nhằm gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp.
Chủ trì cuộc họp của Uỷ ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại (Uỷ ban Chỉ đạo) tổ chức hôm qua (9.1), Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định vẫn còn tình trạng níu giữ quyền lực của hải quan, các cơ quan kiểm tra chuyên ngành hàng hoá xuất nhập khẩu nhằm gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp (DN).
Các báo cáo tại cuộc họp cho thấy đã có sự chuyển biến đáng kể trong kiểm tra thủ tục hàng hóa xuất nhập khẩu thời gian qua. Cụ thể là đã có 47 thủ tục được đưa vào diện một cửa quốc gia, tăng 64% so với năm 2016 và sắp có thêm 13 thủ tục được bổ sung. Cùng với đó, chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho một lô hàng xuất nhập khẩu trung bình đã giảm 19 USD. Nhờ vậy, trong năm qua, DN xuất nhập khẩu đã tiết kiệm hơn 205 triệu USD cho gần 11 triệu tờ khai thủ tục thông quan…
Tuy nhiên, khảo sát do Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI) mới thực hiện về mức độ hài lòng của hơn 1.000 DN khi triển khai cơ chế một cửa quốc gia cho thấy, vẫn còn 25% DN cho biết làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành khó và rất khó, 67% số được hỏi cho là bình thường và chỉ 8% cảm nhận dễ. Tương tự, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan – Cơ quan thường trực của Uỷ ban Chỉ đạo, cũng phản ánh, thống kê của cơ quan này cho thấy trong 100 danh mục kiểm tra chuyên ngành thì có tới khoảng 50% không có tiêu chuẩn, quy chuẩn và nhiều nhất là thuộc sự quản lý chuyên ngành của 3 bộ Y tế, Công thương, NN-PTNT.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo, cho rằng vẫn còn tình trạng muốn níu giữ quyền lực trong kiểm tra chuyên ngành với lý do chính là lo ngại gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, nên còn nhiều lĩnh vực, mặt hàng bộ nào cũng muốn kiểm tra. “Nếu đi vào chống gian lận thương mại thì Chính phủ hoan nghênh, nhưng phải thực chất chứ không được lấy lý do để tiếp tục nhũng nhiễu DN. Tinh thần hiện giờ không phải tháo gỡ khó khăn mà tạo thuận lợi cho DN”, Phó thủ tướng nói. Với tinh thần đó, các bộ, ngành phải giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan từ 30 – 35% trên tổng số các lô hàng xuất nhập khẩu như hiện nay xuống còn 15%.
Phó thủ tướng cũng cho biết, trong Nghị quyết 01 mà Chính phủ vừa ban hành đã đặt mục tiêu trong năm 2018 cần tiếp tục giảm 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành, 50% điều kiện kinh doanh nên còn rất nhiều việc phải làm. Cùng với đó, năm 2018 cần triển khai đủ 130 thủ tục hành chính mới theo đăng ký cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Phó thủ tướng yêu cầu các bộ tiếp tục rà soát loại bỏ những quy định chồng chéo, bỏ quy định chứng nhận hợp quy theo từng lô hàng nhập khẩu và theo người nhập khẩu, đồng thời công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra chuyên ngành và hướng tới kiểm tra tại nguồn. Đối với hàng hoá xuất nhập khẩu thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành, Phó thủ tướng nhấn mạnh, khi ban hành danh mục phải kèm theo mã hồ sơ phù hợp với danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu VN, phải công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc phương pháp kiểm tra. Danh mục nào không có quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc phương pháp kiểm tra thì phải bãi bỏ. Ngoài ra, cần thống nhất một đơn vị thực hiện kiểm tra chuyên ngành, chấm dứt tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan khác nhau.
Cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 138 sau hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12. Một trong những nội dung đáng chú ý tại nghị quyết là quyết tâm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh với yêu cầu cụ thể về việc đơn giản hoá 50% danh mục hàng hoá, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh theo thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định; thường xuyên tổ chức đối thoại chính sách với doanh nghiệp, kịp thời xử lý những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương cần tiếp tục tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh, chú trọng thực hiện các giải pháp cải thiện mạnh mẽ các chỉ số còn dư địa, thấp điểm, thấp hạng; thúc đẩy tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn thuộc phạm vi quản lý, quyết tâm phấn đấu đưa VN vào nhóm ASEAN – 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.
Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, xây dựng kế hoạch, xác định rõ tiến độ thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý, nhất là những dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, 2019 và chương trình xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2018 để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập của quy định pháp luật hiện hành liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội…
|
Chí Hiếu