Học sinh bơ phờ vì chép bài online
Học sinh bơ phờ vì chép bài online
Dù chương trình học trực tuyến theo Sở Giáo dục – đào tạo TP.HCM đã được giảm tải nhưng nhiều học sinh vẫn bơ phờ, tất bật vì yêu cầu chép mọi môn học từ các phần mềm học online vào vở.
Phụ huynh của em P.A., một học sinh THCS tại một quận nội thành TP.HCM, kể trước đây, khi chỉ học trực tuyến, con chị mỗi ngày đều học hai buổi và tối học đến tận khuya.
Bởi vì, ngoài bài tập các môn, quay video gửi thầy cô, em A. còn phải chép bài hầu hết các môn học (trừ môn thể dục) vào vở.
“Có những môn phải chép luôn mấy trang vở. Có những ngày, con chép ba bốn môn như vậy, tôi thấy con mệt lắm, không còn thời gian để con làm bài tập nữa” – phụ huynh bé A. cho biết.
Em H. một học sinh bậc THCS khác tại TP.HCM, cho biết em không những chỉ phải chép những bài giáo viên dạy trực tuyến mà thầy, cô còn yêu cầu chép cả những bài tự học trên phần mềm online vào vở.
“Thầy, cô nói là khi đi học trở lại sẽ kiểm tra. Khi kiểm tra mà không chép bài sẽ bị trừ vào điểm hạnh kiểm. Nên chúng con bạn nào cũng sợ, bạn nào cũng phải chép đúng như bài giảng của thầy, cô trên phần mềm. Nhưng mà như vậy chúng con chép mỏi tay lắm luôn, mất rất nhiều thời gian và mệt mỏi lắm ạ” – H. nói.
Một phụ huynh có con học lớp 6 tại quận Tân Bình, TP.HCM bức xúc: “Học sinh lớp 6 mà phải học 5 tiết mỗi ngày và học như vậy nguyên cả tuần, trong khi giáo viên không cho chép bài trên lớp nên phải lên phần mềm chép khi hết giờ học”.
Trả lời Tuổi Trẻ, TS giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết chị cũng thấy một số phụ huynh đang bức xúc về vấn đề này trên mạng xã hội.
“Tôi không hiểu lý do của thầy, cô bắt học sinh chép bài như vậy là với mục đích gì. Trong tiếng Anh, kỹ năng ghi chú là kỹ năng cần được dạy cho học sinh chứ không phải là chép. Trẻ được khuyến khích ghi chú những ý quan trọng và thường các thầy, cô nước ngoài sẽ khuyến khích học sinh ghi chú những điểm quan trọng ở trong bài.
Họ dạy cho học sinh kỹ năng lắng nghe và ghi chú những từ khóa quan trọng, nhưng người ta không cổ vũ chuyện chép một cách máy móc. Bởi vì điều này chỉ làm mất thời gian và không làm tăng nhận thức của học sinh” – TS Huyền nói.
Cũng theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền, trong giai đoạn hiện nay giáo dục chú trọng khuyến khích sáng tạo và giải quyết vấn đề, việc ghi nhớ không phải là yếu tố được đề cao. Do đó, nếu như mục tiêu chép bài đi chép bài lại của thầy cô là để học sinh ghi nhớ thì có hại nhiều hơn có lợi.
“Giả sử như thầy, cô muốn kiểm tra xem học sinh có học bài tự học hay không thì thầy, cô nên ra những nhiệm vụ như: yêu cầu học sinh tóm tắt lại những thông tin mà học sinh đọc được hoặc trả lời một số câu hỏi để kiểm tra việc đọc hiểu của học sinh. Còn việc chép lại không có ý nghĩa.
Nếu thầy, cô muốn học sinh có bài đó để lưu lại thì thầy, cô chỉ cần gửi cho học sinh bằng file. Học sinh có thể lưu file đó để mở trên máy tính, điện thoại hoặc là in ra hoặc xử lý theo sự lựa chọn khác của học sinh. Nên việc chép trong tình huống này nếu chỉ để kiểm tra trên lớp thì hoàn toàn không có ý nghĩa” – TS Nguyễn Thị Thu Huyền nhấn mạnh.