Các rủi ro đe doạ thế giới năm 2022
Các rủi ro đe doạ thế giới năm 2022
Vừa qua, Công ty Eurasia Group (Mỹ), đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới, đã công bố báo cáo chỉ ra các rủi ro ẩn chứa nguy cơ gây tổn thất lớn trong năm nay.
Theo đó, có 10 rủi ro lớn nhất cho thế giới trong năm nay và nằm trong số này thì 5 rủi ro đầu bảng là:
Diễn biến của đại dịch Covid-19
Việc nhiều nước đã tổ chức tiêm chủng đạt hiệu quả bao phủ diện rộng bằng các loại vắc xin có hiệu quả cao, kết hợp cùng việc ngày càng có nhiều biện pháp chữa trị, sẽ làm cho Covid-19 trở thành bệnh đặc hiệu. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác có thể vẫn còn phải đối mặt với các nguy cơ của Covid-19, đặc biệt trong trường hợp xuất hiện thêm các biến thể mới, điển hình như biến thể Omicron.
Ngoài ra, dù Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu, các nước phát triển vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế do sự đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất… Trong đó, tuy đã đạt nhiều thành tích ấn tượng vào năm 2021, nhưng chính sách Zero Covid (quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng) của Trung Quốc đang ngày càng có dấu hiệu kém hiệu quả và dẫn đến nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng tiêu cực cho chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt thách thức.
Covid-19 và chính sách Zero Covid được đánh giá ẩn chứa rủi ro lớn cho thế giới REUTERS |
Người dùng internet bị xâm hại
Rủi ro lớn thứ 2 là thông tin của người dùng internet toàn cầu bị tấn công. Theo Eurasia Group, các công ty công nghệ lớn nhất đang thiết kế, xây dựng và quản lý một khía cạnh địa chính trị hoàn toàn mới, tạo ra ảnh hưởng sâu rộng và thách thức cả vai trò của các chính quyền. Nhiều “ông lớn” công nghệ đang viết các thuật toán quyết định những gì mọi người nhìn thấy và nghe thấy, xác định các cơ hội kinh tế và xã hội của họ và cuối cùng là ảnh hưởng đến suy nghĩ của họ. Thực tế đó trong năm 2022 có thể dẫn đến việc đám đông trên thế giới ảo trở nên hỗn loạn, bị dẫn dắt kích động bạo lực và châm ngòi cho những cơn sốt đầu tư. Không những vậy, hàng chục triệu người có thể bị “dắt mũi” để rồi dấn sâu vào các thuyết âm mưu…
Các chính phủ phải làm sao để vừa tận dụng được cơ hội phát triển kinh tế từ các ứng dụng công nghệ trên internet, vừa giải quyết các rủi ro, mà nổi bật trong số này là sự bùng nổ các loại tiền ảo dựa trên công nghệ blockchain phi tập trung vốn gần như bỏ qua các nguyên tắc quản trị.
Cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ
Diễn ra giữa bối cảnh chia rẽ nội bộ sâu sắc, cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ của Mỹ năm 2022 dù không dẫn đến một cuộc khủng hoảng như lần bầu cử Tổng thống nước này năm 2020, nhưng tác động sâu sắc đến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024.
Theo Eurasia Group, thông thường tại Mỹ, đảng đối thủ của tổng thống đương nhiệm thường chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Lần này, khi kết quả lãnh đạo của đương kiêm Tổng thống Joe Biden đang gây nhiều chỉ trích, thì khả năng đảng Cộng hòa giành chiến thắng vang dội sẽ càng có nhiều khả năng xảy ra. Kết quả sắp tới có thể mở đường để cựu Tổng thống Donald Trump quay lại tranh cử vào năm 2024.
Trong trường hợp đảng Cộng hòa kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện thì bất đồng giữa lưỡng đảng của Mỹ càng sâu sắc hơn, khiến sự phân hóa trong lòng nước này ngày càng lớn lên. Thực tế này chứa đựng khả năng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 sẽ tiếp tục tạo nên tranh cãi lớn mà không thể giải quyết bằng cơ sở pháp lý, dẫn đến việc phải có những thỏa hiệp ngoài hành lang pháp lý. Tất cả khiến cho chính trị Mỹ càng trở nên bất ổn, gây ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới.
Bất ổn trong lòng Trung Quốc
Năm 2022, căng thẳng xoay quanh cuộc cạnh tranh và xung đột thương mại Mỹ – Trung khó bùng phát thành khủng hoảng, và các thách thức chính trị nội bộ cũng không đủ sức trực tiếp thay đổi định hướng của ông Tập Cận Bình – Chủ tịch nước Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Eurasia Group, rủi ro lớn nhất của Trung Quốc là chính sách Zero Covid không còn hiệu quả và kéo theo nhiều hệ lụy. Bên cạnh đó là các tác động từ sức ép xung đột thương mại với phương Tây, và việc ông Tập Cận Bình theo đuổi các biện pháp nhằm thắt chặt sự kiểm soát của đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các doanh nghiệp tư nhân, nỗ lực giảm bất bình đẳng, cải thiện chất lượng cuộc sống sẽ khiến cho giới doanh nghiệp nước này gặp nhiều thách thức. Không những vậy, định hướng “tự cung tự cấp” khiến Trung Quốc chuyển dòng vốn ra khỏi một số công ty năng động nhất của nước này (đặc biệt là các nền tảng thương mại điện tử hướng tới người tiêu dùng) vào các lĩnh vực mà chính quyền coi là ưu tiên chiến lược nhưng đối mặt với các con đường dài hơn để đạt được lợi nhuận (chẳng hạn như chất bán dẫn, công nghệ sinh học và năng lượng sạch…). Điều này có thể khiến kinh tế Trung Quốc đối mặt thách thức lớn.
Căng thẳng Nga – phương Tây
Eurasia Group đánh giá qua hệ Nga – phương Tây đang ở mức căng thẳng nhất kể từ sau thời Liên Xô. Theo đó, ngay cả khi trong đối thoại an ninh sắp tới, Mỹ và Nga đạt thỏa thuận ngầm về cục diện quân sự của khu vực (NATO không mở rộng sang khu vực phía đông), thì điều đó không đồng nghĩa với việc Moscow từ bỏ khả năng tấn công Ukraine.
Thêm vào đó, nếu nguồn cung năng lượng tiếp tục thiếu hụt khi Nga cùng các đối tác, đặc biệt là Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC), cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô có thể khiến quan hệ Washington – Moscow thêm căng thẳng. Ngoài ra, cùng với nhiều bất đồng khác như tấn công mạng, việc Nga có thể tác động cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, dẫn đến việc các thế lực chính trị ở Washington gây sức ép trừng phạt Moscow. Ngược lại, việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc có thể khiến Nga tăng cường hoạt động ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để thách thức Mỹ ở khu vực này.
Bên cạnh đó, 5 rủi ro tiếp theo mà Eurasia Group đặt ra là vấn đề hạt nhân Iran có thể dẫn đến quan hệ Mỹ – Iran rơi vào khủng hoảng, khiến tình hình khu vực Trung Đông mở rộng thêm căng thẳng; Rủi ro khi thế giới chuyển đổi từ dùng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, do sự thiếu hụt năng lượng bởi sự xung đột giữa nhu cầu với chính sách năng lượng lâu dài; Tình trạng hỗn loạn ở nhiều quốc gia, điển hình là Afghanistan, do khoảng trống quyền lực khi Mỹ không còn quan tâm vai trò “cảnh sát toàn cầu” và chưa có quốc gia thay thế vai trò này; Các thách thức chính trị khiến cho nhiều tập đoàn toàn cầu đối mặt khó khăn; Tham vọng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhằm tiếp tục giữ vững quyền lực có thể tác động rộng đến khu vực.
HOÀNG ĐÌNH
TNO