17/11/2024

Dấu hiệu cảnh báo trẻ đang bị bạo hành

Dấu hiệu cảnh báo trẻ đang bị bạo hành

Những vết bầm tím hay tổn thương ngoài da là dấu hiệu đa số mọi người thường chú ý đầu tiên khi nghi ngờ trẻ bị bạo hành.

 

 

Tuy nhiên, không phải lúc nào các dấu hiệu cũng rõ ràng và dễ quan sát. Một đứa trẻ có thể bị lạm dụng dưới nhiều hình thức với các dấu hiệu nhận biết khác nhau.

Theo Trung tâm y khoa Mayo Clinic (Mỹ), việc trẻ em bị lạm dụng, bạo hành dưới bất cứ hình thức nào cũng để lại những di chứng nghiêm trọng về thể chất và tinh thần như khuyết tật, mắc các bệnh về tim, phổi, nghiện ngập, rối loạn sức khỏe tâm thần dẫn đến tự tử, bạo lực… Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã nêu ra những biểu hiện cảnh báo 2 hình thức lạm dụng trẻ em phổ biến, gồm lạm dụng thể chất và lạm dụng tình dục.

Dấu hiệu cảnh báo trẻ đang bị bạo hành - ảnh 1
Việc trẻ em bị bạo hành dưới bất cứ hình thức nào cũng để lại những di chứng nghiêm trọng về thể chất và tinh thần SHUTTERSTOCK

Lạm dụng thể chất

Lạm dụng thể chất là hành vi ngược đãi, bạo lực thân thể trẻ em gồm làm cháy hoặc bỏng, gây nghẹt thở, làm chết đuối, đầu độc, đánh đập, cắn, véo, tát, trói, bỏ đói, cố tình gây bệnh tật… hoặc bất kỳ hành vi nào gây tổn hại đến cơ thể trẻ.

Các dấu hiệu cho thấy trẻ bị ngược đãi có thể quan sát bên ngoài gồm những vết bầm tím, vết cắn, vết bỏng, gãy xương… Khi tiếp xúc, trẻ có thể biểu lộ các trạng thái cảm xúc bất thường như hay phản đối, khó chịu, sợ hãi một cá nhân cụ thể hoặc tỏ ra đề phòng, nao núng khi gặp hoặc chạm vào thứ gì đó, chủ động hoặc cố tình được mặc quần áo dài tay dù không phù hợp thời tiết (nhằm che vết thương). Phụ huynh, người chăm sóc, người lớn cũng nên lưu ý khi trẻ thỉnh thoảng hoặc thường xuyên nhắc đến chuyện mình bị đau rát một vài chỗ trên cơ thể.

Lạm dụng tình dục

Lạm dụng tình dục là bất kỳ hành vi nào ép buộc hay lôi kéo trẻ tham gia vào các hoạt động tình dục, thậm chí là không dùng bạo lực hay chưa tiếp xúc thân thể. Lạm dụng tình dục thường liên quan đến một người nào đó mà đứa trẻ đã biết. Thông thường, trẻ sẽ bị buộc giữ bí mật và bị đe dọa, khủng bố tinh thần khiến trẻ không thể nói với người khác.

Các dấu hiệu cho thấy trẻ có thể đang bị lạm dụng tình dục bao gồm: nói về việc bị lạm dụng tình dục, thể hiện kiến ​​thức hoặc hành vi tình dục vượt quá tuổi, thường tránh xa bạn bè, người lạ hoặc hay chạy trốn, tránh né một người cụ thể, hay ngủ mớ, thay đổi tâm trạng liên tục hoặc thèm ăn. Đặc biệt, dấu hiệu rõ ràng nhất là mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục và mang thai trước 14 tuổi. Một số trẻ có xu hướng vẽ lại những gì mình đã nhìn thấy hoặc trải qua. Người chăm sóc cần có sự lưu tâm và tinh ý để nhận biết sự thay đổi trong hành vi của trẻ.

Người lớn cần làm gì?

Cho dù chỉ đang nghi ngờ một đứa trẻ bị ngược đãi, người lớn nên có hành động can thiệp ngay thay vì phớt lờ đợi đến khi có dấu hiệu rõ ràng. Người nhà của trẻ cần thể hiện sự quan tâm, sẵn sàng lắng nghe và động viên trẻ nói ra những vấn đề hoặc đối tượng mà chúng đang lo sợ. Người lớn nên hạn chế để trẻ ở nhà hoặc ra ngoài một mình, cần nắm rõ thông tin và tính cách của những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ.

Kết quả điều tra về tình hình của trẻ em và phụ nữ tại VN được Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) VN và Tổng cục Thống kê công bố ngày 8.12 cho thấy có đến hơn 70% trẻ em từ 1 – 14 tuổi từng bị cha mẹ, người chăm sóc xử phạt bằng bạo lực. Theo Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em tại VN phải chịu đựng bạo lực, xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp.

Theo UNICEF VN, khi xảy ra các vụ việc liên quan đến xâm hại hay bạo hành trẻ em, người dân hãy gọi đến tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111; Ngôi nhà Bình yên của Hội Liên hiệp Phụ nữ VN 1900 969680; hoặc trình báo lên cơ quan công an, UBND các cấp để có những biện pháp can thiệp kịp thời, nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của trẻ.

Trẻ cần được tách tạm thời hoặc lâu dài khỏi đối tượng bị nghi ngờ đang hoặc có ý định dùng bạo lực, xâm hại. Đôi khi, nếu chính người lớn cảm thấy bản thân mình gặp căng thẳng và có xu hướng dễ nổi giận, đánh đập trẻ, thì người ấy cần giải quyết vấn đề, tình trạng của chính mình bằng cách chia sẻ với người nhà, thăm khám ở chuyên gia tâm lý. Nếu cảm thấy khó kiểm soát được bản thân, người lớn đó nên tự tách mình ra khỏi trẻ để tránh bị làm phiền dẫn đến trạng thái mất bình tĩnh và có hành vi bạo lực.

Khi nhận thấy các dấu hiệu ngoài da hoặc tâm lý bất thường ở trẻ, phụ huynh, người chăm sóc cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để kiểm tra về thể chất và tinh thần của trẻ, càng sớm càng tốt.

 

ĐẶNG PHƯỢNG

TNO