22/12/2024

GRDP của TP.HCM giảm sâu nhất trong lịch sử

GRDP của TP.HCM giảm sâu nhất trong lịch sử

Dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng cuối cùng của năm 2021 chỉ tăng 1,24% so với cùng kỳ, đưa CPI bình quân cả năm 2021 của TP.HCM tăng 2,36%, nhưng GRDP lại giảm sâu nhất trong lịch sử: giảm đến 6,78% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

GRDP của TP.HCM giảm sâu nhất trong lịch sử - Ảnh 1.

Giảm đến 6,78% so với năm ngoái, GRDP năm 2021 của TP.HCM được ghi nhận giảm sâu nhất trong lịch sử – Ảnh: T.T

Dữ liệu của Cục Thống kê TP.HCM công bố tại buổi họp báo công bố tình hình kinh tế – xã hội TP.HCM tổ chức ngày 29-12 ghi nhận tính chung cả năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) ước đạt xấp xỉ 1,299 triệu tỉ đồng (theo giá hiện hành), giảm 6,78% so với cùng kỳ năm trước.

Đây được xem là mức giảm sâu nhất trong lịch sử. Trong khi CPI bình quân năm 2021 tăng 2,36% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 12-2021, CPI tăng 1,24% so với cùng kỳ năm trước.

Tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến bức tranh kinh tế – xã hội TP có ít điểm sáng, các động lực tăng trưởng kinh tế bị kéo lùi nghiêm trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của thành phố lần đầu tiên trong lịch sử giảm sâu hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước và các địa phương.

Theo Cục Thống kê TP.HCM, tất cả các thành phần cấu thành GRDP của TP.HCM đều giảm, gồm khu vực nông lâm thủy sản giảm 13,68%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 12,96%, khu vực thương mại dịch vụ giảm 5,5%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 0,43%, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 14,3%…

Trong đó, IPP ghi nhận ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 14,7%, sản xuất và phân phối điện giảm 4,9%, cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 3,8%.

Thống kê cho thấy khu vực thương mại dịch vụ chiếm 63,4% GRDP của TP.HCM nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ đạt 822.592 tỉ đồng, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đổi lại, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước lại vượt 5,2% dự toán, tăng 3% so với cùng kỳ, tương ứng 383.703 tỉ đồng. Trong đó, thu nội địa 253.281 tỉ đồng, vượt 2% dự toán, giảm 0,9%. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 116.400 tỉ đồng, vượt 7,8% dự toán, tăng 9,8% so với cùng kỳ.

Nguồn thu ngân sách tăng, theo lý giải của đại diện Cục Thống kê TP.HCM, chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp trong khối kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng, chứng khoán và từ tác động chính sách gia hạn thời gian nộp thuế theo nghị định 52/2021/NĐ-CP, góp phần làm tăng tổng thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm và cả năm 2021.

Bức tranh kinh tế – xã hội của TP.HCM cũng ghi nhận cộng đồng doanh nghiệp hiện không ngừng gặp nhiều cản trở, khó khăn, thậm chí phải giải thể, phá sản, hoạt động cầm chừng dẫn đến nguy cơ tiềm tàng mất thanh khoản, nợ xấu gia tăng.

Vì lẽ đó, các chính sách ban hành phải thiết thực, thích ứng an toàn linh hoạt, hỗ trợ phục hồi hiệu quả và thúc đẩy khởi nghiệp, trong đó có các chính sách ưu tiên nền tảng số với Chính phủ điện tử và nền kinh tế số.

TRẦN VŨ NGHI
TTO