29/11/2024

Hi vọng gì từ đàm phán liên Triều?

Hai miền Triều Tiên chính thức ngồi vào bàn đàm phán 10h sáng nay (9-1), giờ địa phương, sau hơn hai năm gián đoạn. Liệu cuộc họp sẽ mở ra viễn cảnh tan băng mối quan hệ hai miền?

 

Hi vọng gì từ đàm phán liên Triều?

 

Hai miền Triều Tiên chính thức ngồi vào bàn đàm phán 10h sáng nay (9-1), giờ địa phương, sau hơn hai năm gián đoạn. Liệu cuộc họp sẽ mở ra viễn cảnh tan băng mối quan hệ hai miền?


 

 

Hi vọng gì từ đàm phán liên Triều? - Ảnh 1.

Bàn Môn Điếm, nơi được cho là sẽ diễn ra đàm phán liên Triều ngày 9-1 – Ảnh: AFP

Cuộc gặp diễn ra tại Bàn Môn Điếm phân cách hai miền Triều Tiên, về lý thuyết vẫn còn đang trong tình trạng chiến tranh. Các nhà đàm phán hai bên sẽ ngồi gần nơi cách đây hơn một tháng một binh sĩ Triều Tiên đào thoát bị bắn suýt chết.

Hi vọng

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung Gyon, cũng là trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc, ngày 8-1 cho biết “về cơ bản hai bên sẽ tập trung vào Thế vận hội Olympic. Khi thảo luận mối quan hệ liên Triều, phía Hàn Quốc sẽ nêu vấn đề các gia đình bị ly tán do chiến tranh, cũng như cách làm dịu tình trạng căng thẳng quân sự”. Ngoài ra, các quan chức của Seoul thừa nhận họ không biết Bình Nhưỡng muốn gì từ cuộc đối thoại.

Ông Cho sẽ dẫn đầu một đoàn cấp cao gồm cấp phó Chun Hae Sung và ba quan chức khác. Đây là lần đầu cả bộ trưởng lẫn thứ trưởng bộ này cùng tham gia một phái đoàn đàm phán, theo Yonhap.

 

Triều Tiên cũng bổ nhiệm đoàn đàm phán năm thành viên bao gồm Chủ tịch Uỷ ban thống nhất hòa bình Triều Tiên Ri Son Gwon và bốn quan chức khác.

Đây là cuộc đối thoại đầu tiên giữa Triều Tiên và Hàn Quốc kể từ cuộc đàm phán marathon kéo dài 44 giờ năm 2015. Hàn Quốc từng đề nghị đàm phán quân sự với nước láng giềng miền bắc năm 2016 để giải toả căng thẳng biên giới và một cuộc gặp về vấn đề đoàn tụ các gia đình nhưng không được hồi đáp. Năm ngoái, chính quyền mới của Tổng thống Moon Jae In cũng một lần nữa mở lời đối thoại nhưng không thành công. Cho đến ngày 5-1, sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un đề xuất để các vận động viên Triều Tiên tham gia Thế vận hội Olympic PyeongChang ở Hàn Quốc, Bình Nhưỡng nhanh chóng chấp nhận đàm phán và thậm chí chẳng màng ý kiến về thời gian, địa điểm mà Seoul đề xuất.

Chính quyền Hàn Quốc tràn trề hi vọng với cuộc gặp sẽ giúp giải tỏa căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. “Chính phủ kỳ vọng xa hơn việc Triều Tiên tham gia Olympic PyeongChang để tìm cách cải thiện quan hệ liên Triều và hợp tác chặt chẽ hơn với cộng đồng quốc tế để phi hạt nhân Triều Tiên” – Ngoại trưởng Khang Kyung Wha nói.

Theo Tổng thống Moon Jae In, việc cải thiện quan hệ liên Triều sẽ mở đường cho giải pháp về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng và thậm chí đối thoại giữa Mỹ và Hàn Quốc. Ông Moon và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ nghe trực tiếp cuộc đối thoại và có thể can thiệp nếu cần thiết.

Hi vọng gì từ đàm phán liên Triều? - Ảnh 2.

Đoàn xe chở phái đoàn Hàn Quốc hướng về làng Bàn Môn Điếm – nơi diễn ra đối thoại sáng 9-1 – Ảnh: REUTERS

Phải chấm dứt hạt nhân trước khi đàm phán với Mỹ

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley ngày 7-1 nhấn mạnh Triều Tiên phải chấm dứt các cuộc thử hạt nhân trước khi có bất cứ đàm phán nào với Mỹ. Nói về tuyên bố sẵn sàng đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó, bà cho rằng “có thể sẽ có một thời điểm chúng tôi đàm phán với Triều Tiên, nhưng còn rất nhiều thứ phải làm trước khi điều đó thực sự xảy ra”, theo AFP.

Hoài nghi

Tuy nhiên mọi chuyện diễn ra dễ dàng khiến giới phân tích hoài nghi đây chỉ là chiến lược của Triều Tiên. “Bài phát biểu năm mới của ông Kim Jong Un cho thấy Bình Nhưỡng đang chịu sức ép của trừng phạt và không thoát ra được. Khả năng cao hơn là thông điệp của ông Kim chỉ là những lời hoa mỹ nhằm rũ bỏ trừng phạt và chia rẽ Seoul và Washington. Không nhắc đến việc sẽ giải trừ hạt nhân thì ít khả năng Triều Tiên sẽ thay đổi chính sách” – phó chủ tịch Choi Kang của Viện nghiên cứu chính sách Asan tại Seoul nói.

Ngược lại, chuyên gia khoa học chính trị Taylor Fravel đánh giá việc Bình Nhưỡng bất ngờ hứng thú đàm phán xuất phát từ sự tự tin vào kho vũ khí hạt nhân. “Triều Tiên đã phát triển mạnh mẽ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo nên tôi nghĩ họ sẵn sàng đối thoại” – ông Fravel nhận định.

Trong khi đó, cuộc gặp đặt ra một tình huống khó khăn cho Hàn Quốc khi vừa tìm cách nói chuyện với nước láng giềng vừa tránh làm sứt mẻ tình đồng minh với Mỹ. Điều này có thể giới hạn những đề nghị mà Seoul đặt ra, chẳng hạn mở lại khu công nghiệp chung và nối lại du lịch đến Triều Tiên. “Đối với Hàn Quốc, điều quan trọng là phải giữ lằn ranh đỏ tránh phá hoại các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc” – giáo sư Shin Beomchul, Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc, nhận định.

Việt Nam hoan nghênh

Ngày 8-1, trả lời câu hỏi của phóng viên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ các biện pháp liên quan tới tình hình bán đảo Triều Tiên nhằm thúc đẩy đối thoại, duy trì hoà bình, ổn định tại khu vực; kêu gọi các bên tiếp tục có những hành động mang tính xây dựng, thiết thực đóng góp cho việc duy trì hoà bình, an ninh và ổn định của khu vực và trên thế giới”.

TRẦN PHƯƠNG