Vì sao không nước nào có thể ‘một mình một ngựa’ thoát khỏi đại dịch trước?
Vì sao không nước nào có thể ‘một mình một ngựa’ thoát khỏi đại dịch trước?
Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể kéo dài với nhiều biến thể mới, nguy hiểm, nếu các nước giàu tiêm bao trùm mũi tăng cường vắc xin Covid-19.
Tiêm vắc xin Covid-19 mũi tăng cường tại Nevada, Mỹ vào ngày 21.12 AFP |
Hãng AFP ngày 23.12 dẫn lời Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng việc những nước giàu vội vã tiêm thêm vắc xin đang làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng và kéo dài đại dịch.
Theo ông, cần ưu tiên vắc xin cho những nhóm dễ bị nhiễm trên thế giới, thay vì tiêm thêm cho những người đã được chủng ngừa. “Không quốc gia nào có thể tự tăng tốc trên con đường của riêng mình để thoát khỏi đại dịch”, ông nhận định.
Nguy cơ virus đột biến
WHO đã nhiều lần lên tiếng về tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin Covid-19 khi cho rằng việc thiếu kiểm soát đại dịch tại một số nơi làm tăng đáng kể khả năng xuất hiện các biến thể mới và nguy hiểm hơn.
“Các chương trình tiêm tăng cường bao trùm dường như sẽ kéo dài chứ không phải chấm dứt đại dịch, khi cung cấp cho các nước đã có tỷ lệ tiêm chủng cao khiến virus có nhiều cơ hội lây lan và biến đổi tại những nơi khác”, theo ông Tedros.
Vài tháng trước, ông kêu gọi hoãn tiêm mũi tăng cường cho những người khỏe mạnh cho đến khi ít nhất 40% dân số tại tất cả các nước được tiêm mũi đầu tiên.
Quan chức này nêu rõ rằng nguồn vắc xin toàn cầu đủ để đạt mục tiêu đó trong năm nay, nhưng việc phân phối không đồng đều khiến chỉ phân nửa dân số thế giới đạt mục tiêu đó.
Theo Liên Hiệp Quốc, khoảng 67% người tại các nước thu nhập cao đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, trong khi tỷ lệ này ở các nước thu nhập thấp là chưa đến 10%.
“Thật khó hiểu là sau khi những liều vắc xin đầu tiên được tiêm đã qua 1 năm, 3 trong số 4 nhân viên y tế ở châu Phi vẫn chưa được tiêm”, ông Tedros bức xúc nói.
Omicron lây lan tại 16 nước
Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan nhanh và đã được ghi nhận tại 106 nước. Thông tin ban đầu cho thấy nó có thể giảm tác dụng của miễn dịch do vắc xin, dẫn đến việc vội vã tiêm tăng cường.
Tuy nhiên, ông Tedros khẳng định rằng các vắc xin hiện nay vẫn có hiệu quả đối với cả 2 biến thể Omicron và Delta. “Điều quan trọng cần nhớ là phần lớn những người nhập viện và tử vong là những người chưa tiêm vắc xin, không phải là những người chưa tiêm mũi tăng cường”, ông nêu rõ.
Theo nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược (SAGE) của WHO về tiêm chủng, nên chủng người các nhóm có nguy cơ cao nhất nhằm bảo vệ hệ thống y tế. Đến nay, 120 nước đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường vắc xin Covid-19, trong đó không có nước thu nhập thấp.
Chuyên gia y tế trưởng của WHO về Covid-19 Maria Van Kerkhove khuyến cáo mọi người nên thận trọng ngăn ngừa Covid-19 lây lan vào dịp Giáng Sinh và năm mới. “Liều tăng cường vắc xin Covid-19 không thể được xem là chiếc vé để tiếp tục những sự kiện ăn mừng theo dự kiến”, bà cảnh báo.
KHÁNH AN
TNO