18/11/2024

Hà Nội: Cà chua đắt ngang… giá thịt

Hà Nội: Cà chua đắt ngang… giá thịt

Chưa bao giờ giá cà chua và một số loại rau củ trên thị trường Hà Nội lại tăng bất thường như thời điểm này, khi chỉ trong vòng nửa tháng, cà chua đã tăng giá gấp đôi, lên mức kỷ lục 60.000 – 65.000 đồng/kg.

 

 

Giá cà chua cao nhất trong lịch sử

Khảo sát tại một số chợ dân sinh tại Hà Nội ngày 16.12, trong khi các loại rau xanh rất dồi dào, thì các loại rau củ vụ đông lại khá ít. Đặc biệt, cà chua giá lên tới 60.000 – 65.000 đồng/kg. Giá tăng theo tuần khiến không ít các bà nội trợ “ngã ngửa”.

Hà Nội: Cà chua đắt ngang… giá thịt - ảnh 1
Giá cà chua trên thị trường Hà Nội đang đắt nhất trong lịch sử

T.HẰNG

Chị Minh Thủy (nhà ở Đình Thôn, Q.Nam Từ Liêm) cho hay: “Cách đây 2 tuần, tôi mua cà chua 30.000 – 35.000 đồng/kg, tuần trước giá tăng lên thành 45.000 đồng/kg; còn hôm nay đã lên tới 65.000 đồng/kg. Thoạt đầu tôi tưởng mình nghe nhầm, hỏi lại thì người bán hàng nói cà chua khan hiếm nên giá tăng cao, tính ra 10.000 đồng/quả, đắt một cách phi lý. Chưa bao giờ giá cà chua ngang giá thịt như hiện nay”.

Tại chợ Quỳnh Mai (Q.Hai Bà Trưng), nhiều quầy rau xanh thiếu vắng sắc đỏ cà chua, nếu có cũng chỉ có vài quả. Chị Xuân, bán rau xanh ở chợ Quỳnh Mai, cho biết: “Cà chua tăng giá quá cao, nhiều khách hàng không dám ăn, nghe giá xong bỏ đi luôn. Mỗi ngày tôi chỉ mua vài cân bán cho có, chứ ở chợ đầu mối cũng không có nhiều mà mua”.

Nếu trước đây giá rau xanh trong các siêu thị thường đắt hơn so với các chợ dân sinh, thì ở thời điểm này, giá cà chua siêu thị lại bằng giá ở chợ, thậm chí còn rẻ hơn. Tại siêu thị Vinmart Thái Thịnh (Q.Đống Đa), giá cà chua bắc đang được niêm yết 59.600 đồng/kg nhưng số lượng cũng hạn chế.

Ngoài cà chua đắt đỏ, một số loại rau củ hiện cũng tăng giá gấp 2 – 3 lần như: súp lơ xanh từ 58.000 – 65.000 đồng/kg, cà rốt 36.000 – 40.000 đồng/kg, ớt chuông 95.000 – 100.000 đồng…

Gần 20 năm trồng rau, bà Đặng Thị Cuối, chủ hộ trồng rau hữu cơ Quý Cuối (ở xã Phương Đình, H.Đan Phượng), cho biết chưa bao giờ giá cà chua lại cao như vậy. “Giá bán tại ruộng 50.000 đồng/kg, có thể coi là cao nhất trong lịch sử. Khi bắt đầu vào vụ đông, cây cà chua dính mưa và sương muối liên tục nên bị vàng lá, héo và chết nhiều, số còn lại không đủ cung cấp ra thị trường. Ruộng nhà tôi mỗi ngày chỉ đủ 30 – 40 kg trong khi khách hàng đặt 70 kg mà không có để cung cấp”, bà Cuối nói.

Do Trung Quốc hạn chế xuất khẩu nông sản

Về hiện tượng cà chua tăng giá bất thường gần đây, một thương lái buôn rau ở chợ đầu mối phía nam Hà Nội, tiết lộ 2/3 cà chua trên thị trường là nhập về từ Trung Quốc, còn lại là trồng ở Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nội… Cà chua Đà Lạt chỉ bán ở một số siêu thị vì cước vận chuyển đắt hơn cước từ Lạng Sơn về Hà Nội. “Đợt này các cửa khẩu đang tắc biên, hàng nông sản khó về nên giá cà chua tăng cao. Sở dĩ cà chua đắt nhất là do vận chuyển dễ dập nát, hỏng thối, trong khi các loại củ quả khác tỷ lệ hỏng phải bỏ ít hơn”, thương lái này cho biết.

Bà Thân Thị Cúc, phụ trách kinh doanh HTX rau sạch Yên Dũng (Bắc Giang), cũng cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến cà chua tăng giá cao là do Trung Quốc hạn chế xuất nhập khẩu mặt hàng rau củ, nên cà chua và một số loại rau củ khan hiếm. “Cà chua ta năng suất thấp, mã không đỏ đẹp bằng cà chua Trung Quốc. Giá cà chua hiện bán tại ruộng khá cao với 40.000 đồng/kg, cà chua bột 60.000 đồng/kg. Khác với rau xanh, cà chua trồng 2 tháng mới cho thu hoạch, vụ đông thường bắt đầu trồng từ tháng 8 – 9 và cho thu hoạch từ cuối tháng 10 – 12. Do vậy, trong thời gian ngắn, các hộ trồng rau chưa thể cung ứng ra thị trường”, bà Cúc lý giải.

Theo Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam, Trung Quốc là nguồn cung rau quả lớn nhất cho Việt Nam, chiếm đến gần 30% thị phần. Tuy nhiên, trong 1 tháng trở lại đây, nhập khẩu rau quả Trung Quốc giảm mạnh.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam, cho hay: “Trung Quốc vào mùa đông khó trồng rau củ hơn nên nguồn cung giảm. Bên cạnh đó, do lo ngại dịch Covid-19, họ tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu Việt Nam để tăng cường phòng chống dịch khu vực biên giới. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến nhập khẩu và còn ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc”.

Để ổn định nguồn cung rau củ cho các tỉnh miền Bắc, ông Nguyên cho rằng, việc điều phối thị trường nội địa rất quan trọng, nhất là trong dịp tết. Cần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong nước thông qua các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị và sàn thương mại…

Trước tình hình trên, các HTX trồng rau ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc cũng đã đẩy mạnh sản lượng rau củ đáp ứng nhu cầu thị trường trong dịp tết. Dự báo từ nay đến cuối năm, giá cà chua và một số loại rau củ vẫn cao.

THU HẰNG

TNO