Hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu
Hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu
Các địa phương và doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ việc đưa hàng hoá lên các cửa khẩu phía Bắc để xuất sang Trung Quốc tại thời điểm này, nhất là các cửa khẩu tại Lạng Sơn, do tình trạng ùn ứ container tại các cửa khẩu đang rất căng thẳng.
Bà Đoàn Thu Hà – phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn – khuyến cáo như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về tình trạng ùn ứ các container nông sản tại cửa khẩu trên địa bàn.
Trước đó, từ cuối tháng 11-2021, địa phương này đã có công văn gửi các tỉnh thành khuyến cáo về khả năng ùn ứ hàng hóa chờ xuất khẩu tại cửa khẩu trên địa bàn này nhưng xe hàng từ các địa phương tiếp tục đổ về các cửa khẩu.
Cùng gặp ở cửa khẩu
Trao đổi với chúng tôi, bà Hà cho biết trong số khoảng 4.300 xe container đang bị ùn ứ tại các cửa khẩu trên địa bàn, chỉ riêng khu vực cửa khẩu Tân Thanh có số lượng xe tồn lớn nhất với gần 2.500 xe chủ yếu chở nông sản như dưa hấu, thanh long, chuối xanh, mít, xoài.
Thế nhưng, trong ngày 15-12 vẫn có hơn 100 xe nông sản lên cửa khẩu, trong khi năng lực bến bãi và khả năng thông quan hàng hóa xuất khẩu tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn hiện chỉ đạt khoảng 300 – 400 xe/ngày. Nếu hàng hóa không tiếp tục đưa lên Lạng Sơn, phải 10 – 15 ngày mới giải phóng được hết lượng hàng hóa đang tồn.
“Ngoài việc duy trì các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao hơn, các cơ quan chức năng Trung Quốc cũng thông báo dự kiến tạm dừng nhập khẩu trước và sau Tết Nguyên đán 14 ngày đối với xe lạnh để chuẩn bị các công việc trước và sau Tết. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu nông sản” – bà Hà nói, đồng thời khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến hoặc tiêu thụ trong nước để giảm rủi ro, cân nhắc kỹ việc đưa hàng hóa đến các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn trong thời gian này.
Cũng theo bà Hà, tỉnh Lạng Sơn đã có công văn đề nghị Bộ Công thương phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao tiếp tục đàm phán, kiến nghị với phía Trung Quốc triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản… ”
Đặc biệt, cần tăng cường trao đổi, đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm ký kết nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với 8 loại hoa quả còn lại để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu”, bà Hà đề nghị.
Ông Lê Thanh Hòa, phó cục trưởng Cục Chế biến thị trường nông sản, cho rằng việc Trung Quốc siết chặt kiểm tra các bao bì, lô hàng liên quan đến dịch COVID-19 làm giảm khả năng thông quan, dẫn tới ùn ứ container nông sản ở các cửa khẩu.
“Chúng tôi đã có văn bản gửi tới các địa phương, có phương án cân đối lại và chủ động biện pháp tạm thời bảo quản nông sản tại các kho lạnh ở các địa phương. Nếu cứ đưa xe lên cửa khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn, phát sinh thêm chi phí ăn ở, phòng dịch, bến bãi… cho doanh nghiệp” – ông Hòa nói.
Cần chuyển sang xuất chính ngạch
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng hóa, nhất là nông sản, trái cây tại các cửa khẩu phía Bắc, đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, chưa thể giải quyết dứt điểm được trong trước mắt bởi dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các cơ quan quản lý cửa khẩu của cả Trung Quốc và Việt Nam đều đã phải tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
“Cho tới nay, nhờ nỗ lực của cả hai bên, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa về cơ bản vẫn được duy trì nhưng năng lực thông quan chưa được cải thiện nhiều do cả hai bên đều đặt ưu tiên hàng đầu cho các biện pháp chống dịch. Nhân lực tham gia quá trình xuất nhập khẩu, vận chuyển, giao nhận, bốc xếp, sang tải hàng hóa tại khu vực cửa khẩu của cả phía Việt Nam và phía Trung Quốc vẫn còn thiếu”, vị này cho hay.
Theo cơ quan này, nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, Tết của thị trường Trung Quốc trong những tháng cuối năm tăng cao, một số hàng nông sản phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu ở địa phương khác nên lượng hàng hóa tập trung về các cửa khẩu Lạng Sơn nhiều. Tỉnh Lạng Sơn đang tích cực trao đổi với chính quyền địa phương phía Trung Quốc để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là mặt hàng nông sản.
Tuy nhiên, theo vị này, tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng hóa chưa thể giải quyết dứt điểm được trong trước mắt. Do đó, Bộ Công thương đã có các văn bản, khuyến cáo gửi các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, đề nghị thường xuyên cập nhật thông tin từ các tỉnh biên giới phía Bắc để chủ động cân nhắc, điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan của các cửa khẩu.
“Các doanh nghiệp cần chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch như mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính… Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn… cũng như các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng nước ngoài”, vị này khuyến cáo.
Ùn ứ còn kéo dài
Theo Cục Xuất nhập khẩu, lượng phương tiện xuất nhập khẩu được thông quan qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn khoảng 825 xe/ngày. Trong đó, tại cửa khẩu Hữu Nghị khoảng 450 xe/ngày (xuất khẩu 120 xe/ngày, nhập khẩu 330 xe/ngày), cửa khẩu Tân Thanh khoảng 300 xe/ngày (xuất khẩu 200 xe/ngày, nhập khẩu 100 xe/ngày), cửa khẩu Chi Ma khoảng 75 xe/ngày (xuất khẩu 40 xe/ngày, nhập khẩu 35 xe/ngày).
Tuy nhiên, do lượng phương tiện đưa lên cửa khẩu ngày càng nhiều hơn so với năng lực thông quan nên lượng xe còn tồn tại khu vực bến bãi, cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang tăng cao, tổng lượng xe tồn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến sáng 13-12 là 4.304 xe (trong đó cửa khẩu Hữu Nghị 1.083 xe, cửa khẩu Chi Ma 747 xe, cửa khẩu Tân Thanh 2.474 xe).
Trong thời gian tới, vào dịp lễ Tết (Tết Nguyên đán) là cao điểm xuất khẩu hàng hóa VN sang thị trường Trung Quốc, lưu lượng hàng hóa và phương tiện lên cửa khẩu sẽ tiếp tục tăng cao. Do đó cần chủ động cập nhật diễn biến thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.