23/12/2024

‘Các doanh nghiệp cần hỗ trợ như cần ô xy, mà ô xy lại nhỏ giọt’

‘Các doanh nghiệp cần hỗ trợ như cần ô xy, mà ô xy lại nhỏ giọt’

“Các doanh nghiệp cần hỗ trợ như cần ô xy, mà ô xy lại nhỏ giọt. Tốt nhất là doanh nghiệp đóng thuế bao nhiêu thì mình hoàn hồi thuế cho họ, cho mượn trên số thuế anh đóng”.

 

 

 

Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) Nguyễn Quốc Kỳ bày tỏ quan điểm trên khi nói về việc hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ ẩm thực Việt Nam trong bối cảnh ngành này đang chịu thiệt hại nặng nề.

“Giải cứu” điểm đến ẩm thực Việt Nam là vấn đề được bàn thảo, mổ xẻ tại hội thảo “Tài trợ chuỗi cung ứng: giải pháp hữu hiệu giúp giảm thiểu sự đứt gãy của chuỗi cung ứng ngành F&B Việt Nam”, do VCCA tổ chức ngày 15.12.

Tại đây, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành F&B trong nước hiện đang chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch. Ông Nguyễn Quốc Kỳ đánh giá, các năm 2020 và 2021 là 2 năm chứng kiến đại dịch càn quét thế giới. Dự báo dịch bệnh vẫn sẽ diễn biến khó lường và mất nhiều thời gian mới đi đến hồi kết. Di chứng do Covid-19 để lại cũng hết sức nặng nề.

“Riêng đối với ngành F&B, theo báo cáo của VietNam Report, trong năm 2020, chỉ 48% doanh nghiệp F&B của Việt Nam chịu ảnh hưởng ít hoặc không nghiêm trọng bởi đại dịch. Nhưng sang năm 2021, con số này đã tăng lên tới 91%”, ông Kỳ nói.

'Các doanh nghiệp cần hỗ trợ như cần ô xy, mà ô xy lại nhỏ giọt' - ảnh 1
Việt Nam luôn là điểm đến ẩm thực được đánh giá cao  NGỌC DƯƠNG

Ông Nguyễn Ngọc Kiên, Phó tổng thư ký VCCA, lo lắng vì việc các doanh nghiệp trong ngành kinh doanh F&B hiện đang trong tình thế khó khăn. Họ phải đối diện với nguồn cung nguyên liệu khó khăn, giá cả tăng cao, việc cung cấp sản phẩm ra thị trường cũng gặp vấn đề. Đây là những mối nguy không nhỏ do dịch Covid-19 gây ra.

Ông Kiên cũng cho biết, trước dịch, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường ẩm thực, đồ uống hấp dẫn nhất toàn cầu, xếp thứ 10 châu Á vào năm 2019. Chúng ta cũng từng được vinh danh là điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á.

Ông Đoàn Minh Phú, Tổng giám đốc chuỗi nhà hàng Thế giới hải sản, lại nói đến việc doanh thu của doanh nghiệp F&B giảm sâu so với trước dịch. Bên cạnh đó, chi phí phòng dịch tăng. Thậm chí, có doanh nghiệp vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng khi không hoạt động.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ đã đưa ra nhiều giải pháp gửi tới Chính phủ để có thể “giải cứu” doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ẩm thực. Ông Kỳ cho rằng, các gói hỗ trợ nên có thời gian triển khai hợp lý hơn vì đôi khi quy định ngắn quá. Nếu giảm 30% VAT chỉ trong 2 tháng thì doanh nghiệp chưa kịp hưởng giảm thuế đã hết thời gian rồi, khó có thể kéo ngành bị gãy đổ lên. Hay, chính sách cần đồng nhất giữa T.Ư và địa phương, giữa các địa phương.

Ông Kỳ cũng đề nghị gói hỗ trợ cần phải nhanh để người lao động được nhận nhanh. Gói hỗ trợ cũng cần đủ lớn, chứ như những gói hỗ trợ vừa qua theo ông Kỳ đánh giá là chưa được như mong đợi.

“Các doanh nghiệp cần hỗ trợ như cần ô xy, mà ô xy lại nhỏ giọt. Tốt nhất là doanh nghiệp đóng thuế bao nhiêu thì mình hoàn hồi thuế cho họ, cho mượn trên số thuế anh đóng”, ông Kỳ nói về việc hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ ẩm thực.

 

TRINH NGUYỄN

TNO