18/11/2024

‘Xài chùa’ hơn 28 ha đất vàng suốt 25 năm: Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng

‘Xài chùa’ hơn 28 ha đất vàng suốt 25 năm: Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng

Như Thanh Niên số ra ngày 12.12 phản ánh, nhiều doanh nghiệp hoạt động du lịch ở bãi tắm Thùy Vân (còn gọi là bãi Sau) đã “xài chùa” hơn 28 ha đất dọc đường Thuỳ Vân suốt 25 năm qua.

 

 

Tính đến nay, các doanh nghiệp này nợ tiền thuê đất của nhà nước lên đến hơn 326 tỉ đồng.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hàng loạt sai phạm tại các doanh nghiệp sử dụng 28 ha “đất vàng” ở TP.Vũng Tàu đã được Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kết luận từ năm 2018, trong đó có việc thẩm định cho Công ty đầu tư xây lắp (ĐTXL) Bà Rịa-Vũng Tàu (100% vốn nhà nước) lập thủ tục cổ phần hóa, việc xây dựng không phép của các doanh nghiệp thứ phát (thuê lại hạ tầng) vẫn chưa được xử lý. Các công trình sai phạm vẫn hoạt động.

Để lọt khoản nợ ngân sách khi cổ phần hóa

Tại Hợp đồng thuê đất số 11/HĐTĐ ngày 6.12.1997 được ký kết giữa Công ty ĐTXL Bà Rịa-Vũng Tàu với Sở Địa chính tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (nay là Sở TN-MT) đã quy định rõ công ty có nghĩa vụ nộp tiền thuê đất tại bãi tắm Thùy Vân, mỗi năm gần 1,7 tỉ đồng, bắt đầu tính từ ngày 30.11.1996.

'Xài chùa' hơn 28 ha đất vàng suốt 25 năm: Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng - ảnh 1
Nhiều công ty hoạt động du lịch ở bãi tắm Thùy Vân nợ tiền thuê đất hàng trăm tỉ đồng

Như vậy, tại thời điểm lập thủ tục cổ phần hóa doanh nghiệp đối với Công ty ĐTXL Bà Rịa-Vũng Tàu đã có căn cứ xác định được số tiền thuê đất công ty này đang nợ ngân sách hơn 16,4 tỉ đồng (giai đoạn từ 30.11.1996 – 31.12.2005). Tuy nhiên, số tiền nợ ngân sách này không được đưa vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa Công ty ĐTXL Bà Rịa-Vũng Tàu là thực hiện không đúng quy định tại Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16.11.2004 của Chính phủ về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần.

'Xài chùa' hơn 28 ha đất vàng suốt 25 năm: Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng - ảnh 2
Khu du lịch Gió Biển ở khu vực bãi tắm Thùy Vân có nhiều hạng mục công trình không phép  NGUYỄN LONG

Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định trách nhiệm này thuộc về Công ty ĐTXL Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngoài ra, việc này còn thuộc trách nhiệm của Chi cục Thuế TP.Vũng Tàu khi kiểm tra quyết toán thuế trước khi doanh nghiệp cổ phần hóa, đã không rà soát, kiểm tra khoản nợ tiền thuê đất tại bãi tắm Thùy Vân đối với Công ty ĐTXL Bà Rịa-Vũng Tàu. Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước đối với Công ty ĐTXL

Bà Rịa-Vũng Tàu, do ông Hà Văn Rao, nguyên Giám đốc Sở Tài chính, làm Chủ tịch hội đồng và thành viên là đại diện các sở, ngành, Công ty CP kiểm toán và tư vấn (A&C) đã không thẩm định kỹ khoản nợ tiền thuê đất nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp.

Doanh nghiệp thứ phát “qua mặt” pháp luật

Theo Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, mặc dù UBND tỉnh quy định các doanh nghiệp thứ phát không được cho thuê lại mặt bằng, nhưng qua thanh tra cho thấy Công ty OSC VN, Công ty CP du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu… đã cho nhiều tổ chức thuê lại mặt bằng kinh doanh.

Cụ thể, Công ty CP du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã cho Công ty CP Lạc Việt thuê mặt bằng diện tích gần 6.000 m2, từ ngày 29.2.2009 – 30.6.2017 thu về số tiền hơn 4,1 tỉ đồng và tiền thuê đất là hơn 1,1 tỉ đồng. Công ty này còn cho các cá nhân thuê mặt bằng bán đồ lưu niệm, đồ tắm tại Khu du lịch Biển Đông, tổng doanh thu từ năm 2012 – 2017 là hơn 1,9 tỉ đồng… Công ty CP du lịch Nghinh Phong thì cho các cá nhân thuê mặt bằng tại Khu du lịch Nghinh Phong, gồm: massage, vũ trường, bán hải sản, cà phê và đồ lưu niệm, đồ tắm, giữ xe… thời gian khoảng 4,5 năm (từ 10.1.2013 – 30.6.2017), tổng doanh thu từ việc cho thuê mặt bằng hơn 4,3 tỉ đồng.

Từ khi nhận bàn giao mặt bằng của OSC VN vào ngày 5.1.2015, Công ty TNHH Janhold – OSC có ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Hưng Phú, Công ty TNHH dịch vụ du lịch Hoàng Nhân để cùng kinh doanh khu vực bãi tắm Thùy Vân, nhưng thực tế đây là các hợp đồng cho các tổ chức thuê mặt bằng. Từ năm 2006 – 2015, OSC VN còn cho các cá nhân, tổ chức thuê toàn bộ mặt bằng tại khu bãi biển khách sạn Tháng Mười B (hiện nay là khu bãi biển New Wave) với diện tích đất hơn 7.600 m2, thu về hơn 8 tỉ đồng.

Ngoài ra, Công ty CP du lịch Nghinh Phong, Công ty CP khách sạn du lịch Tháng Mười và Công ty TNHH Janhold – OSC là các đơn vị liên kết, chuyển nhượng tài sản, cổ phần hóa từ các doanh nghiệp thứ phát nhưng đã sử dụng đất, mặt bằng tại bãi tắm Thùy Vân và đã cho các tổ chức, cá nhân khác thuê lại hạ tầng, mặt bằng kinh doanh dịch vụ để thu tiền.

Đáng nói, theo Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, một số doanh nghiệp thứ phát mặc dù đã hạch toán số tiền cho thuê đất (cho thuê lại) vào chi phí hoạt động kinh doanh hằng năm của đơn vị, nhưng trên thực tế lại không nộp tiền thuê đất cho ngân sách nhà nước.

Chuyển nhượng tài sản trái phép

Ngày 2.8.2012, Công ty CP xây lắp và địa ốc Vũng Tàu (lúc này đã cổ phần hóa từ Công ty ĐTXL Bà Rịa-Vũng Tàu, vốn nhà nước 0 đồng) ký Hợp đồng số 17 cho Công ty CP du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thuê cơ sở vật chất, hạ tầng tại Khu du lịch Nghinh Phong, thời gian thuê 5 năm. Tuy nhiên, trên thực tế, Công ty CP du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ thuê 157 ngày. Trước khi cho thuê và thuê tài sản, cơ sở hạ tầng tại đây, Công ty CP xây lắp và địa ốc Vũng Tàu và Công ty CP du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không xin ý kiến UBND tỉnh.

Tiếp đó ngày 23.1.2013, Công ty CP xây lắp và địa ốc Vũng Tàu, Công ty CP du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Công ty CP du lịch Nghinh Phong ký kết hợp đồng chuyển nhượng tài sản, cơ sở vật chất tại Khu du lịch Nghinh Phong, tổng trị giá 27,5 tỉ đồng.

Trước đó, theo biên bản thỏa thuận ngày 5.11.2012, Công ty CP xây lắp và địa ốc Vũng Tàu có trách nhiệm góp vốn 10 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 33,33% và Công ty CP du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có trách nhiệm góp vốn 18 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 60% để thành lập Công ty CP du lịch Nghinh Phong (ông Trần Tuấn Việt, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được cử làm đại diện phần vốn góp). Tuy nhiên trên thực tế, vốn hoạt động của Công ty CP du lịch Nghinh Phong chủ yếu là do Công ty CP du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu góp với tỷ lệ 94,91%, Công ty CP xây lắp và địa ốc Vũng Tàu không góp vốn như thỏa thuận.

Tại biên bản làm việc với đoàn thanh tra ngày 18.9.2017, đại diện Công ty CP bất động sản và đầu tư VRC (trước đó là Công ty CP xây lắp và địa ốc Vũng Tàu) cho biết mục đích công ty là bán tài sản tại Khu du lịch Nghinh Phong, không góp vốn thành lập Công ty CP du lịch Nghinh Phong.

Đáng nói hơn, riêng đối với diện tích hơn 3,2 ha đất tại Khu du lịch Nghinh Phong, ban đầu là do Công ty ĐTXL Bà Rịa-Vũng Tàu đứng tên hợp đồng thuê đất (Hợp đồng thuê đất số 11/HĐTĐ ngày 6.12.1997) nên Công ty CP du lịch Nghinh Phong không có quyền sử dụng đất, không được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đồng ý cho nhận chuyển nhượng quyền thuê đất, mà chỉ được phép thuê hạ tầng tại Khu du lịch Nghinh Phong.

Thế nhưng, Công ty CP du lịch Nghinh Phong nhận chuyển nhượng tài sản, cơ sở vật chất và đầu tư nhiều hạng mục công trình trên khu đất này (32 hạng mục với tổng vốn đầu tư khoảng 25 tỉ đồng). Toàn bộ các công trình, hạng mục do Công ty CP du lịch Nghinh Phong đầu tư thêm là xây dựng trái phép, không phép.

Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định việc Công ty CP du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ký hợp đồng thuê cơ sở vật chất hạ tầng nêu trên của Công ty CP xây lắp và địa ốc Vũng Tàu tại Khu du lịch Nghinh Phong, sau đó chuyển hình thức từ hợp đồng thuê tài sản, cơ sở vật chất thành hợp đồng chuyển nhượng tài sản, cơ sở vật chất để thành lập Công ty CP du lịch Nghinh Phong; trong khi đó chủ trương của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là không cho phép chuyển nhượng quyền thuê đất cho Công ty CP du lịch Nghinh Phong, mà chỉ được cho thuê hạ tầng trên đất tại Khu du lịch Nghinh Phong.

 

NGUYỄN LONG

TNO