Kế hoạch hạt nhân 1.200 tỉ USD của Mỹ
Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đang nghiên cứu kế hoạch quy mô lớn nhằm tăng cường năng lực hạt nhân, dẫn đến lo ngại về cuộc chạy đua mới.
Kế hoạch hạt nhân 1.200 tỉ USD của Mỹ
Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đang nghiên cứu kế hoạch quy mô lớn nhằm tăng cường năng lực hạt nhân, dẫn đến lo ngại về cuộc chạy đua mới.
Theo CNN hôm qua, Lầu Năm Góc chuẩn bị đưa ra báo cáo đánh giá vị thế hạt nhân lần đầu tiên trong gần 8 năm qua, có thể mở đường cho một đợt nâng cấp khổng lồ với phí vận hành, cải tiến và hiện đại hoá vũ khí hạt nhân của Mỹ lên đến 1.200 tỉ USD trong vòng 30 năm tới.
Trong đó, theo dự thảo báo cáo, khoảng 313 tỉ USD sẽ dùng để đóng tàu ngầm lớp Columbia có thể phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, 149 tỉ USD cho hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa dùng hầm phóng. Ngoài ra, còn 266 tỉ USD đầu tư oanh tạc cơ tàng hình B-21 và số còn lại dành cho các phòng thí nghiệm, trung tâm điều khiển.
Dự thảo cũng đề cập khả năng Washington cân nhắc phát triển vũ khí hạt nhân kích cỡ nhỏ, năng lượng thấp, có thể sử dụng linh hoạt nhằm đảm bảo ưu thế quân sự trước Trung Quốc, Nga hay CHDCND Triều Tiên.
Những thay đổi trên sẽ đánh dấu bước đi lớn xa rời chính sách hạt nhân của Tổng thống Barack Obama, người luôn cam kết theo đuổi “một thế giới không có vũ khí hạt nhân”. Trong đánh giá chính sách hạt nhân năm 2010, ông Obama tuyên bố chỉ cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân “trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng” để bảo vệ lợi ích sống còn của nước Mỹ hoặc các đồng minh.
Ngược lại, đương kim Tổng thống Donald Trump được cho là không loại trừ khả năng tiến hành tấn công quy mô nhỏ bằng các thế hệ vũ khí hạt nhân mới nói trên để đáp trả lại các tình huống bị đe doạ.
Tuy nhiên, lâu nay, sức hủy diệt đến mức có thể gây ra “tận thế” của vũ khí hạt nhân khiến các quốc gia hạt nhân xem đây là công cụ răn đe, phòng ngừa và không bên nào nghĩ đến ra tay trước. Vì thế, theo cảnh báo của giới quan sát, sự xuất hiện của các loại vũ khí quy mô nhỏ có thể dẫn đến tình trạng không còn phải chùn tay khi “nhấn nút” và kéo theo một cuộc chạy đua nguy hiểm.
“Các mối đe doạ đang hiển hiện và tình hình bất ổn hơn so với năm 2010 nên cần nhìn lại vị thế hạt nhân để đối phó”, một quan chức Bộ Quốc phòng nói với CNN và cho biết thêm bản đánh giá sẽ được chính thức công bố khi Tổng thống Trump đọc Thông điệp liên bang vào ngày 30.1.
|
Khánh An