Thế giới trước mối lo đại dịch tiếp theo
Thế giới trước mối lo đại dịch tiếp theo
Gần 2 năm chiến đấu với đại dịch Covid-19, thế giới vẫn chưa sẵn sàng ứng phó với các đại dịch trong tương lai.
TờThe New York Times dẫn báo cáo về Chỉ số an ninh y tế toàn cầu (GHS) công bố ngày 8.12 cho thấy chỉ số GHS trung bình của thế giới là 38,9/100 và không quốc gia nào đạt trên 80,1 điểm để xếp loại tốt. Điều này nghĩa là tất cả quốc gia trong bảng xếp hạng, thuộc các nhóm nước có thu nhập khác nhau, đều chưa chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch tiếp theo.
Một nhân viên y tế tại trung tâm xét nghiệm Covid-19 tạm thời bên trong công viên Yeouido ở Seoul, Hàn Quốc ngày 8.12 REUTERS |
Báo cáo dài 268 trang trên là dự án do Sáng kiến đe dọa hạt nhân, một tổ chức phi lợi nhuận về an ninh toàn cầu, và Trung tâm Johns Hopkins về an ninh y tế tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) thực hiện. Nhóm dự án đã thu thập dữ liệu từ tháng 8.2020 – 6.2021 và đánh giá 195 quốc gia trên 6 hạng mục, 37 chỉ số và 171 câu hỏi.
Theo báo cáo, chỉ số GHS của Mỹ là 75,9, cao nhất thế giới. 9 quốc gia xếp sau đó là Úc, Phần Lan, Canada, Thái Lan, Slovenia, Anh, Đức, Hàn Quốc và Thụy Điển. Việc Mỹ đứng đầu danh sách khiến các chuyên gia ngạc nhiên vì các biện pháp chống dịch của Washington giai đoạn đầu được xem là thất bại.
Bà Jennifer Nuzzo, 1 trong 2 tác giả chính của báo cáo, giải thích dự án chỉ đo lường nguồn lực sẵn có của một quốc gia chứ không thể dự đoán những công cụ này sẽ sử dụng như thế nào trong trường hợp khẩn cấp. Bên cạnh đó, báo cáo chỉ ra rằng Mỹ đạt điểm thấp nhất về niềm tin của người dân đối với chính phủ, yếu tố quan trọng liên quan việc nước này có số ca mắc Covid-19 và tử vong cao, theo báo The Washington Post.
Báo cáo cho biết hơn 90% quốc gia không có kế hoạch phân phối vắc xin hoặc thuốc men trong trường hợp khẩn cấp. 155/195 quốc gia trong báo cáo không đầu tư vào việc chuẩn bị cho dịch bệnh trong vòng 3 năm qua. Chỉ 30% quốc gia đầu tư vào các phòng khám, bệnh viện và trung tâm y tế cộng đồng. Ngoài ra, rủi ro chính trị và an ninh đã gia tăng ở gần như toàn bộ quốc gia trong báo cáo và 161/195 nước có niềm tin của người dân vào chính phủ chỉ ở mức từ thấp đến trung bình.
Điều đáng chú ý là chỉ 2 tháng trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ban giám sát do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) lập ra đã cảnh báo rằng chúng ta chưa sẵn sàng đối phó với dịch bệnh. Hơn 2 năm sau, sự thật này vẫn không thay đổi.
Tình hình này cho thấy tầm quan trọng của công tác chuẩn bị, đặc biệt là trong bối cảnh Giáo sư Sarah Gilbert, một trong những người phát triển vắc xin Oxford/AstraZeneca, ngày 6.12 cảnh báo đại dịch tiếp theo sẽ còn “chết chóc” hơn Covid-19.
Báo cáo ngày 8.12 đã đề ra kế hoạch hành động cho các quốc gia, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và nhà từ thiện để nâng cao năng lực và đảm bảo thế giới được chuẩn bị cho đại dịch trong tương lai. Các nước được khuyến nghị chi thêm tiền cho an ninh y tế trong ngân sách quốc gia và tham khảo chỉ số GHS năm nay để xây dựng kế hoạch quốc gia nhằm ứng phó dịch bệnh.
Báo cáo cho rằng các tổ chức quốc tế nên sử dụng chỉ số GHS để xác định các quốc gia cần được hỗ trợ thêm. Các doanh nghiệp cũng nên tham khảo chỉ số GHS để tìm kiếm cơ hội hợp tác với chính phủ. Cuối cùng, các nhà từ thiện nên phát triển cơ chế tài chính mới và xem chỉ số GHS để ưu tiên nguồn lực cho hợp lý.
Công bố số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày: nơi làm nơi bỏ
Báo The Strait Times đưa tin Singapore đã ngừng phát thông cáo hằng ngày về Covid-19 cho truyền thông từ ngày 7.12. Tuy vậy, người dân nước này vẫn có thể xem các thông tin về số ca dương tính mới, số trường hợp tử vong và số người cần chăm sóc đặc biệt (ICU) trên trang web của Bộ Y tế.
Thực tế, trước Singapore, các bang Florida và Alabama của Mỹ đã giảm tần suất thông báo số ca nhiễm mới từ mỗi ngày, sang 2 – 3 lần/tuần vào tháng 6, theo CNBC. Quyết định này được đưa ra do số ca bệnh giảm, tỷ lệ tiêm vắc xin tăng và biện pháp chống dịch ở những nơi này chuyển sang giai đoạn mới. Tuy nhiên, do số ca nhiễm tăng lên trong thời gian gần đây, chính quyền Florida đang đối mặt với đơn kiện về việc phải cung cấp thông tin trở lại.
ĐÔNG A
TNO