Mở cửa du lịch, doanh nghiệp vẫn gặp khó
Mở cửa du lịch, doanh nghiệp vẫn gặp khó
Việc mở cửa lại bay quốc tế và du lịch tại VN không thể chậm trễ thêm nữa, nếu không sẽ để lỡ cơ hội cạnh tranh điểm đến với các nước trong khu vực…
Mở cửa du lịch, nhưng đường bay quốc tế thương mại chưa mở, một số địa phương áp dụng phần mềm khai báo riêng, chưa có hướng dẫn cho du khách F0, F1… là những vấn đề được các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch phản ánh tại tọa đàm “Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế” do Báo Thanh Niên tổ chức sáng qua (7.12).
Tọa đàm “Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế” do Báo Thanh Niên tổ chức sáng qua (7.12) ĐÀO NGỌC THẠCH |
Được mở đón khách còn khổ hơn
Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho biết thời điểm hiện nay vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm nhất là phục hồi kinh tế. Với tầm quan trọng, du lịch là ngành được lên kế hoạch mở cửa sớm nhất, ngay từ trong những tháng ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất hồi tháng 7.
Từ ngày 10.9, Thủ tướng cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ VH-TT-DL về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Đây được xem là nỗ lực lớn của ngành du lịch VN khi từng bước phục hồi thị trường khách quốc tế, đồng thời khẳng định là một trong những điểm đến an toàn, hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng, vì rất nhiều lý do, đến ngày 20.11 vừa qua, Phú Quốc mới đón đoàn khách quốc tế đầu tiên. Và cho đến thời điểm này, VN mới chỉ có 5 địa phương được đón khách quốc tế với số lượng rất hạn chế.
“Năm 2019, doanh thu từ du lịch chiếm gần 10% GDP của nước ta. Năm 2021, GDP của Thái Lan dự kiến tăng trưởng 1,2%, cao hơn nhiều so với các dự đoán trước đó nhờ mở cửa trở lại ngành du lịch. Việc mở cửa lại bay quốc tế và du lịch tại VN không thể chậm trễ thêm nữa, nếu không sẽ để lỡ cơ hội cạnh tranh điểm đến với các nước trong khu vực và ảnh hưởng tới chương trình phục hồi kinh tế mà Đảng và Nhà nước đang quyết liệt thực hiện bằng nhiều giải pháp”, Tổng biên tập Báo Thanh Niên nhấn mạnh.
Là một trong các doanh nghiệp (DN) du lịch hàng đầu, Sun Group thuộc nhóm đầu trong danh sách các DN tham gia thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc, chính thức triển khai từ 20.11. Thế nhưng, bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh Khối Sun World (Tập đoàn Sun Group), cho biết đến giờ này Sun Group vẫn chưa đón được một vị khách nào. Dù DN nóng lòng, sẵn sàng mở cửa ngay sau khi Chính phủ thí điểm đón khách quốc tế sử dụng hộ chiếu vắc xin, nhưng vẫn còn tồn tại rất nhiều yếu tố bất cập, cản trở, khiến công cuộc đón khách chưa thể nào hiệu quả được.
Đơn cử, việc cấp phép bay cho các thị trường quốc tế vẫn đang giới hạn. Đến Phú Quốc tháng 11 vừa qua mới có 1 đoàn khách từ Hàn Quốc, du lịch golf. Một số đoàn khách Nhật Bản, Hàn Quốc tới đây trong tháng 12 cũng là du lịch golf. Trong khi đó, Sun Group hướng đến đối tượng khách Nga, bởi nhu cầu của thị trường này khá phù hợp với các trải nghiệm, dịch vụ mà tập đoàn đang có tại Nam đảo nhưng thị trường Nga vẫn chưa được cấp phép bay đến Phú Quốc. Do đó, dù các cơ sở của Sun Group đã sẵn sàng thì cũng không thể đón khách.
Trong khi đó, các kế hoạch truyền thông quảng bá về du lịch VN tới các thị trường quốc tế trọng điểm như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, Nga, Úc… đến nay vẫn chưa thực sự được triển khai sâu rộng, để du khách quốc tế biết được các chính sách sandbox (tạm hiểu là hệ thống đón khách quốc tế khép kín – NV) của VN có gì khác với Thái Lan, Singapore? Hay các điểm đến VN hiện có những dịch vụ trải nghiệm gì mới so với trước? Chưa kể chính sách giá, kích cầu khi mở cửa trở lại chưa thống nhất, chưa có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, nên vẫn mạnh ai nấy làm.
“Đặc biệt, đợt dịch thứ tư, cũng như tình hình các biến chủng mới như Omicron đang ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của du khách. DN dù rất sẵn sàng nhưng cũng chưa thể mở cửa đồng loạt được, bởi lượng khách không thể đảm bảo chi phí vận hành”, bà Nguyện thông tin.
DN chưa được mở thì trông chờ từng ngày, DN được mở đón khách cũng khổ đủ đường. Là DN được “chọn mặt gửi vàng” đón tiếp đoàn khách đầu tiên “phá băng” du lịch Phú Quốc, Vinpearl đã sớm chủ động kết hợp cùng đối tác chiến lược tìm kiếm nguồn khách hộ chiếu vắc xin tại thị trường Hàn Quốc.
“Dù đón đoàn chỉ hơn 200 khách, nhưng chúng tôi mở cửa gần như toàn bộ hoạt động nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí trong quần thể hơn 1.000 ha để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho du khách, mang đến cho họ những kỳ nghỉ dưỡng 5 sao với chuỗi hoạt động hấp dẫn, thú vị và an toàn”, bà Nguyễn Thu Phương, Tổng giám đốc Vinpearl Luxury, cho hay.
Đây thật sự là thách thức không hề nhỏ về chi phí bởi siêu quần thể Phú Quốc United Center có hệ thống cơ sở lưu trú lên tới 7 khu nghỉ dưỡng 5 sao biệt lập cùng hàng trăm mini, boutique hotel… có công suất hơn 12.000 phòng khách sạn và biệt thự.
Cũng vì chi phí duy trì quá lớn, nên dù được đánh giá là một trong những sản phẩm giải trí về đêm hấp dẫn nhất của Phú Quốc United Center, nhưng Tổ hợp Chợ đêm Phú Quốc Grand World, Saigon SeaFood Hub Market và NightZone 68 của Công ty Ngôi sao biển Sài Gòn vẫn chưa thể mở lại cùng nhịp. Ông Huỳnh Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty Ngôi sao biển Sài Gòn, nhận định với số lượng 200 khách lọt thỏm như vậy, mở ra rồi gánh chi phí còn khốn khổ hơn.
“Chúng tôi khảo sát 500 tiểu thương ở Phú Quốc tại 2 khu chợ đêm, nhưng chỉ có khoảng 10% tiểu thương muốn mở lại. Mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày chi phí đè nặng, bòn rút chút sức lực cuối cùng của DN. Chúng tôi tha thiết kỳ vọng cơ quan quản lý làm càng sớm càng tốt, mở cửa du lịch đúng nghĩa. Khó ở đâu, DN sẵn sàng đồng hành gỡ tới đó. Mở cửa, hoặc là chết”, “ông trùm” chợ đêm nhấn mạnh.
Một đoàn khách quốc tế đến Việt Nam và tham quan phố cổ Hội An theo dạng hộ chiếu vắc xin MẠNH CƯỜNG |
Chủ trương mở, thực tế vẫn đóng
Là địa phương năng động, nhanh nhạy nhất thí điểm các tour khép kín, mở cửa du lịch ngay khi tỷ lệ tiêm chủng của người dân TP đạt ngưỡng an toàn, TP.HCM vẫn gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề nguồn khách.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết vẫn còn nhiều địa phương có quy định khác nhau đã ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức tour – tuyến của công ty du lịch. Hay quy trình xử lý ca F0 khi phát hiện trong đoàn du lịch cũng khác nhau khiến công ty lữ hành không tự tin khi tổ chức tour, lo ngại làm mất niềm tin của khách hàng vì không đúng như cam kết. Hoặc có trường hợp địa phương là vùng đỏ, dù xe đưa khách du lịch có cam kết đi ngang qua để đến vùng xanh, nhưng cũng không được…
Kiến nghị thí điểm bay quốc tế thường lệ từ ngày 15.12
Ngày 7.12, Bộ GTVT đã có báo cáo gửi Thủ tướng kiến nghị việc mở lại các đường bay quốc tế. Theo đó, Bộ GTVT đề xuất 2 giai đoạn thí điểm gồm:
Giai đoạn 1: Áp dụng từ ngày 15.12, tổ chức các chuyến bay thường lệ tới 9 thị trường có hệ số an toàn cao gồm Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), PhnomPenh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Mỹ). Sân bay đi/đến là Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM), tần suất 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh VN khoảng 14.000 người/tuần).
Giai đoạn 2: Từ tháng 1.2022 sẽ mở thêm các đường bay đi/đến Kuala Lumpur (Malaysia), Hồng Kông, Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Sydney (Úc), Moscow (Nga). Sân bay tiếp nhận ngoài Nội Bài, Tân Sơn Nhất sẽ thêm Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Vân Đồn. Tần suất dự kiến tăng lên 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh VN khoảng 40.000 người/tuần).
Đáng chú ý, Bộ GTVT đề nghị cần sớm có hướng dẫn dỡ bỏ quy định cách ly đối với hành khách đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong
72 giờ. Việc nối lại các chuyến với các nước chỉ có thể thực hiện với các nước theo nguyên tắc “có đi có lại” trên cơ sở thúc đẩy đàm phán thống nhất với các đối tác về công nhận lẫn nhau “hộ chiếu vắc xin”.
Mai Hà
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel, đánh giá dù Chính phủ đã đưa ra định hướng là mở cửa kinh tế, thích ứng an toàn với dịch Covid-19, nhưng cách thực hiện của nhiều địa phương vẫn còn cách xa. Một số quy định phòng chống dịch đã được Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết 128, nhưng các địa phương luôn tăng thêm 1 cấp độ dịch và có thể “chuyển màu” rất nhanh, khiến DN lo ngại.
Đơn cử, khách từ TP.HCM xuống Vũng Tàu hiện không được phép ở lại qua đêm, mà phải về trong ngày; từ TP.HCM muốn lên Đà Lạt mà đi đường bộ thì tới đèo Madagui, chờ làm xong thủ tục khai báo là cũng hết giờ chơi… Thậm chí, có nhiều địa phương đến nay vẫn còn “bế” cả F1 đi cách ly. Đây là quan điểm Zero Covid chứ không phải là thích ứng với Covid-19 như Chính phủ đã công bố. Bên cạnh đó, du lịch là ngành kinh tế đa ngành, nói mở du lịch nhưng các dịch vụ thì nửa đóng nửa mở, cho phép siêu thị, trung tâm thương mại mở đến 22 giờ, nhưng hàng quán lại chỉ đến 21 giờ là đóng cửa.
“Mở như vậy thì khách chơi gì? Đi đâu? Cả nước đã có gần 70% dân số tiêm vắc xin mũi 1, cao hơn cả Mỹ. Cần nghiêm túc xem lại quy định chống dịch. Chính phủ không nên để các địa phương tự đánh giá cấp độ dịch mà phải do Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch công bố, để đảm bảo tính liên kết, không làm gãy đổ chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, muốn mở du lịch thì đầu tiên phải mở ngay GTVT, bao gồm hàng hóa và đi lại vì đây là huyết mạch của nền kinh tế. Đồng thời mở cửa hệ thống dịch vụ phục vụ an sinh và cuộc sống người dân. Hiểu nôm na là mở cửa lại hết các dịch vụ trong điều kiện bình thường mới”, ông Kỳ đề xuất.
Ý kiến
VN cơ bản đã an toàn để mở cửa
VN đang có rất nhiều lợi thế để mở cửa du lịch ngay lúc này. Chúng ta cơ bản là an toàn với tỷ lệ tiêm phủ vắc xin lớn; Nhiều điểm du lịch ngoài trời, như bãi biển, nắng ấm và thoáng, an toàn hơn nhiều các điểm du lịch bó trong không gian kín tại nhiều nước. Hiện nay tâm lý người dân sợ nhất là chính sách thay đổi quá nhanh trong phòng chống dịch. Khi đã kiểm soát được dịch, cần xây dựng quy định, quy chế phòng chống dịch tương đối ổn định. VN nên tham khảo cách mở cửa du lịch an toàn của các nước. Nhiều nước chú trọng trong việc khách vào nước họ có mang vi rút đến không. Chẳng hạn Mỹ yêu cầu xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ trước khi đến; Anh yêu cầu xét nghiệm tại nước này. Đặc biệt, hầu hết các quốc gia không cách ly tập trung, trừ vài quốc gia theo đuổi chính sách Zero Covid.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM)
Sẽ mở cửa hoàn toàn du lịch VN vào năm 2022
Hiện nay, có 5 địa phương được phép thí điểm và có 3/5 địa phương đã đón khách quốc tế là Kiên Giang, Quảng Nam, Khánh Hòa, còn 2 địa phương Quảng Ninh và Đà Nẵng thì chưa. Con số khách còn khiêm tốn so với mong muốn nhưng đó là thí điểm. Sau đợt thí điểm, Tổng cục Du lịch sẽ báo cáo Chính phủ điều chỉnh lại kế hoạch này để có thể mở cửa an toàn, nhanh nhất và mở cửa hoàn toàn du lịch VN đón khách quốc tế. Chúng tôi đã làm việc với Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, đề xuất đưa du lịch vào danh sách ưu tiên trong gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Nếu gói này được triển khai, chúng tôi hy vọng đẩy mạnh xúc tiến du lịch quốc tế. Chúng ta phải mở cửa một cách bền vững, thí điểm để mở cửa hoàn toàn vào 2022.
Ông Đinh Ngọc Đức (Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch)
Chậm trễ sẽ mất cơ hội
Đến nay, không thể không mở cửa du lịch nữa. Với các đối tác khách tàu biển lớn của Saigontourist, nếu không ra thời hạn, họ hủy đến cuối năm là coi như mất du lịch biển năm 2022. Một số tập đoàn du lịch lớn ở châu Âu đến nay cũng hủy tiếp, họ có nhiều lựa chọn và không thể ngồi chờ khi nào VN mở cửa. Lữ hành phải mất 6 tháng để làm việc, nếu có lịch thì đến tháng 10 mới đón được khách, chậm nữa sẽ sang năm sau… Đặc biệt, mở lại đường bay thương mại quốc tế, bảo đảm DN lữ hành sẽ sống lại. Hiện trong nước khách nội địa có tâm lý lo lắng chưa dám đi. Khách Việt kiều thì mong được về, trong khi các chuyến bay hồi hương quá ít và chi phí quá cao… Giai đoạn trước và sau tết, nguồn khách Việt kiều là nguồn lớn nuôi du lịch nội địa.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên (Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist)
THANH NIÊN
TNO