Trước khi thành cường quốc nông nghiệp 4.0, nông dân Israel cũng không khác gì Việt Nam
Trước khi thành cường quốc nông nghiệp 4.0, nông dân Israel cũng không khác gì Việt Nam
Bài học từ cường quốc nông nghiệp Israel cho thấy, chuyển đổi số trong nông nghiệp là con đường bắt buộc, cứu cánh và cơ hội làm giàu cho người nông dân thời cách mạng 4.0 và đại dịch Covid-19.
Sáng 2.12, T.Ư Hội Nông dân việt Nam, Bộ NN-PTNT, Báo Nông thôn ngày nay tổ chức diễn đàn: Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp,
Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
Chia sẻ hiệu quả chuyển đổi số tiêu thụ vải thiều khi địa phương là tâm dịch Covid-19 nóng nhất cả nước, ông Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho rằng chuyển đổi số bắt đầu từ khâu xúc tiến thương mại cho đến tiêu thụ.
Bắc Giang tổ chức các hội nghị trực tuyến. Không bị giới hạn về không gian, khoảng cách địa lý, mỗi hội nghị đều có hàng trăm điểm cầu kết nối đến các doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ ở Việt Nam mà còn với nhiều đối tác ở Nhật Bản, Úc, Singapore, Trung Quốc…
Ở khâu tiêu thụ, vải thiều được đưa lên gần 10 sàn giao dịch điện tử. Các hộ nông dân, hợp tác xã được hỗ trợ hướng dẫn sản phẩm lên giới thiệu, mua bán trực tiếp với khách hàng nên trong điều kiện dịch Covid-19, vải thiều từ Bắc Giang vẫn được “ship” đi khắp toàn quốc.
“Có trên 8.000 tấn vải được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử trong mùa vụ năm nay, trong khi những năm trước sản lượng chỉ đạt vài tấn là thành quả vô cùng ấn tượng của chuyển đổi số. Cũng từ bài học vải thiều, mới đây Bắc Giang đã đưa thêm nhiều loại trái cây lên tiêu thụ ở các sàn thương mại điện tử”, ông Tuấn nói.
Vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ với số lượng lớn qua sàn thương mại điện tử trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid-19 HOÀNG PHAN |
Ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Công ty Bưu điện Việt Nam cho rằng, dịch Covid-19 cho thấy, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử là phương thức hữu hiệu hỗ trợ nông dân kết nối tiêu thụ nông sản. Trong năm nay, doanh nghiệp này đã hỗ trợ 2,5 triệu hộ nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Trong dịch Covid-19, nông sản, đặc sản của nông dân sản xuất ra có cơ hội tiếp cận được đa dạng, đông đảo khách hàng là người tiêu dùng. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, bán buôn bán lẻ dễ dàng kết nối với nông dân.
Hiện nay, hệ thống bưu điện Việt Nam đang phối hợp rất chặt chẽ với chính quyền địa phương và các sở, ngành lập danh sách, lựa chọn những sản phẩm nông sản đặc trưng, chất lượng cao của từng hộ sản xuất để đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.
“Nhân viên bưu điện sẽ tư vấn, hướng dẫn từng hộ gia đình không chỉ là cách đăng kí tài khoản, thiết lập gian hàng, đăng bán sản phẩm trên sàn, quy trình vận chuyển, thanh toán… mà còn chia sẻ những kinh nghiệm để tăng tương tác, thu hút sự chú ý khách hàng”, ông Hào nói.
Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số
Theo tiến sỹ Tan Siang Hee, Giám đốc CropLife Châu Á, khảo sát của đơn vị này trong 18 tháng Việt Nam chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 thì thấy, số hóa nông nghiệp có những bước tiến đầu tiên ấn tượng. Cuộc khảo sát trong quý 1 với 130 nông dân trồng lúa, rau, trái cây cho thấy 42% nông dân mong muốn chuyển sang ứng dụng nông nghiệp kỹ thuật số. Nhưng họ băn khoăn phải làm gì, làm như thế nào để có thể áp dụng những công nghệ mới.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, cần có chương trình hành động riêng hỗ trợ nông dân, nông nghiệp thúc đẩy chuyển đối số BÁO DÂN VIỆT |
Tiến sỹ Tan Siang Hee chia sẻ, Việt Nam có hơn 89% người dân sử dụng điện thoại di động và 68% trong số đó là điện thoại thông minh thì đây là cơ hội lớn để giúp người nông dân cập nhật và ứng dụng công nghệ nông nghiệp cải tiến, trong đó thương mại điện tử là một ví dụ điển hình.
Chia sẻ bài học thành công của nền nông nghiệp Israel, ông Nadav Eshcar, Đại sứ Israel tại Việt Nam, cho rằng trước khi trở thành cường quốc nông nghiệp như bây giờ thì nông dân Israel cũng giống như Việt Nam, thiếu cả kiến thức, vốn đầu tư, lẫn công nghệ. Để giúp họ, đất nước Israel phải tổ chức các nhà khoa học giúp đỡ họ tháo gỡ từng vấn đề. Ví dụ như ở vùng trồng sa mạc, cây trồng nếu có thêm một chút nước mặn thì cho trái rất ngọt.
Nhưng nông dân thì không thể biết tỉ lệ chuẩn là bao nhiêu, việc này là thí nghiệm của các nhà khoa học. Khi nghiên cứu thành công thì chuyển giao cho doanh nghiệp để cung cấp giải pháp cho nông dân hưởng lợi. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tiếp tục tài trợ cho các viện nghiên cứu, vòng tuần hoàn trong nông nghiệp như vậy đem lại lợi nhuận rất cao. Vì thế, nông nghiệp Israel có rất nhiều quỹ muốn đầu tư, nhằm tạo ra lợi nhuận và giá trị cho xã hội.
“Israel sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới vào ông nghiệp”, đại sứ Nadav Eshcar khẳng định.
Ông Lương Quốc Đoàn cho rằng, dịch Covid-19 khiến chuyển đối số trong nông nghiệp là yêu cầu bắt buộc và phải hỗ trợ nông dân HOÀNG PHAN |
Theo ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, trong gần 2 năm Việt Nam chịu tác động dịch Covid-19 nhưng nông nghiệp giữ được đà tăng trưởng, khẳng định được vai trò trụ đỡ của nền kinh tế nhờ thích ứng nhanh, ứng dụng công nghệ trong tiêu thụ nông sản. Các tác động của đại dịch Covid-19 cho thấy, chuyển đổi số đã không còn là giải pháp lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc và cần thiết phải có các chương trình, hành động hỗ trợ nông dân chuyển đổi số nhanh hơn, hiệu quả hơn.
“Chuyển đổi số là giải pháp có thể khắc phục điểm yếu cố hữu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp”, ông Đoàn nói.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, các ý kiến thảo luận tại diễn đàn này sẽ là cơ sở để Bộ NN-PTNT, T.Ư Hội Nông dân kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ có các giải pháp, kế hoạch, chương trình cụ thể để hành động vì một nền nông nghiệp số với những người nông dân số.
PHAN HẬU
TNO