Dòng vốn mạnh đưa chứng khoán lập đỉnh
Dòng vốn mạnh đưa chứng khoán lập đỉnh
Tiền gửi tiết kiệm sụt giảm trong khi dòng vốn tham gia vào thị trường chứng khoán ngày càng tăng.
Lên đỉnh lịch sử với thanh khoản hàng tỉ USD
Hôm qua 24.11, thị trường chứng khoán (TTCK) VN lại lập đỉnh lịch sử mới khi VN-Index chốt phiên tăng 25,24 điểm, tương ứng tăng 1,72% lên 1.488,87 điểm. Tương tự, HNX-Index cũng tăng 6,98 điểm, tương ứng 1,56% lên 455,58 điểm và UPCoM-Index tăng 1,61 điểm, lên 114,64 điểm.
Dòng vốn tham gia mạnh vào chứng khoán đưa VN-Index lập đỉnh mới vào hôm qua 24.11 NGỌC THẮNG |
Giao dịch trên thị trường tiếp tục sôi động với tổng giá trị đạt 38.706 tỉ đồng, tăng 32% so với phiên trước đó. Đặc biệt, chỉ vào cuối tuần qua, dù thị trường giảm mạnh thì thanh khoản cũng đã lập kỷ lục với tổng giá trị hơn 56.337 tỉ đồng, tương đương gần 2,5 tỉ USD.
Từ đầu năm đến nay, TTCK luôn duy trì các phiên giao dịch với giá trị trên 1 tỉ USD (hơn 22.000 tỉ đồng) và đây là mức cao trong lịch sử của thị trường. Nếu so sánh với giá trị giao dịch bình quân năm 2020 đạt hơn 7.420 tỉ đồng/phiên thì hiện nay lượng tiền tham gia đã đạt gấp 3 – 5 lần, thậm chí trong phiên cuối tuần qua giá trị giao dịch đạt gấp 8 lần.
Ngược lại, lượng tiền gửi thanh toán cá nhân trong ngân hàng (NH) giảm liên tiếp 2 tháng 8 và 9 trong khi lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế lại tăng mạnh. Cụ thể, theo số liệu từ NH Nhà nước, lượng tiền gửi của cá nhân trong tháng 9 giảm 2.000 tỉ đồng so với tháng 8, xuống còn 5,291 triệu tỉ đồng. Trước đó, lượng tiền gửi cá nhân thanh toán tháng 8 giảm 1.000 tỉ đồng so với tháng 7, xuống còn 5,293 triệu tỉ đồng.
Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tháng 9 tăng 7,8%, lên 5,258 triệu tỉ đồng, tăng 400.589 tỉ đồng so với đầu năm. Tính chung tổng phương tiện thanh toán (chưa tính các khoản phát hành giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng) tính đến cuối tháng 9 vẫn tăng 676.873 tỉ đồng so với đầu năm, tương ứng mức tăng 6,35%, lên 12,879 triệu tỉ đồng.
Lý giải phần nào cho lượng tiền gửi cá nhân vào NH sụt giảm mà lượng tiền gửi tổ chức kinh tế gia tăng, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán NH Đông Á, cho rằng lãi suất NH hiện nay ở mức thấp, trung bình khoảng 3 – 5%/năm, nên lượng tiền gửi dịch chuyển sang các kênh đầu tư. Tiền của nhà đầu tư (NĐT) để trên tài khoản chứng khoán (CK), nhưng các công ty CK ghi nhận là tiền của tổ chức kinh tế. Do đó, có thể phần tăng mạnh của nhóm tiền gửi tổ chức trong các nhà băng là đến từ các công ty CK.
Bên cạnh đó, lượng tài khoản CK mở mới gần đây liên tục gia tăng, đặc biệt là NĐT trẻ tuổi nên giúp thị trường sôi động hơn. Không chỉ vậy, TTCK còn thu hút cả các DN, công ty bảo hiểm rót vốn vào đầu tư, có nơi vài ngàn tỉ đồng. Hay nhiều DN cũng gia tăng đầu tư tài chính, trong đó có mua bán cổ phiếu. Ngoài ra, một nguồn vốn lớn từ các công ty CK vay mượn từ nước ngoài lên hàng trăm triệu USD cũng được đổ vào thị trường.
Dòng vốn chủ yếu đầu tư ngắn hạn?
Theo phân tích của TS Nguyễn Anh Phong, Trường ĐH Kinh tế Luật TP.HCM, tiết kiệm vốn là kênh an toàn được nhiều cá nhân lựa chọn nhưng lãi suất đã xuống thấp. Ngược lại, TTCK đã vụt sáng trong những tháng vừa qua khi nhiều CP liên tục tăng, tạo ra mức lợi nhuận cao gấp nhiều lần nên càng thu hút mạnh NĐT tham gia. Nhất là trong giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt do đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, nhiều người chỉ làm việc tại nhà và giao dịch online trên sàn CK là thuận lợi nhất. Còn những kênh đầu tư khác như bất động sản cũng bị hạn chế đi lại; kênh đầu tư tiền số thì không hợp pháp… Vì vậy, dù không có số liệu nào công bố, tuy nhiên chắc chắn đã có một phần dòng tiền từ tiết kiệm chuyển sang kênh CK.
Nhưng ông Phong cũng cho rằng số lượng DN huy động thêm vốn để mở rộng đầu tư sản xuất không nhiều. Điều đó cho thấy đa số vẫn chỉ là vốn đầu tư ngắn hạn, lướt sóng. Thậm chí, các công ty CK gần đây tăng vốn ồ ạt thông qua phát hành cổ phiếu thì dòng tiền thu về cũng sẽ quay lại cung cấp khoản vay margin (cho vay ký quỹ) cho NĐT và bản thân công ty CK tự đầu tư trên sàn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty CP chứng khoán Yuanta Việt Nam, phân tích nếu đem lên “bàn cân” giữa các kênh đầu tư trong mấy tháng qua thì CK đã cho thấy sự hấp dẫn lớn nhất về tỷ suất lợi nhuận, thanh khoản, giao dịch… Vì vậy, lượng NĐT cá nhân tham gia càng mạnh hơn. Riêng tỷ lệ sở hữu CP của NĐT nước ngoài trên toàn thị trường đã sụt giảm đáng kể, từ mức khoảng 25% của năm 2018 – 2019, thì sang năm 2020 chỉ còn hơn 19% và đến nay còn dưới 17%, kèm theo giao dịch cũng giảm mạnh. Việc gia tăng mạnh của dòng vốn cá nhân vào TTCK có thể cũng là cơ hội, nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro vì cũng dễ dàng rút ra.
“Thanh khoản thị trường tăng mạnh có thể là cơ hội cho các DN huy động thêm vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhưng lúc này các DN lại khó đưa ra được dự án khả thi để thuyết phục NĐT tham gia, nên cũng không phải công ty nào muốn huy động được vốn cũng thành công. Đó là chưa kể khi muốn huy động được vốn thông qua phát hành cổ phiếu, công ty phải có kết quả kinh doanh đạt lợi nhuận thì do ảnh hưởng đại dịch nhiều công ty đã bị thua lỗ. Còn nhiều NĐT cá nhân chủ yếu tham gia lướt sóng, mua bán ngắn hạn để lấy lợi nhuận nhanh”, ông Nguyễn Thế Minh chia sẻ thêm.
Qua năm 2022, dự báo thị trường sẽ tiếp tục sôi động hơn khi lãi suất còn ở mức thấp, hệ thống công nghệ mới được áp dụng trên sàn CK và đi kèm theo đó là những thay đổi quy định trong giao dịch sẽ làm cho thị trường hấp dẫn hơn.
Ông Huỳnh Anh Tuấn
MAI PHƯƠNG – THANH XUÂN
TNO