Trung Quốc muốn gì khi đưa tàu hải cảnh đụng độ tàu Philippines ở Biển Đông?
Trung Quốc muốn gì khi đưa tàu hải cảnh đụng độ tàu Philippines ở Biển Đông?
Việc Trung Quốc vừa điều tàu hải cảnh phun vòi rồng, ngăn cản hoạt động của tàu Philippines ở Biển Đông được cho là có thể còn nhằm gửi thông điệp đến Mỹ.
Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Philippines là ông Teodoro Locsin ngày 18.11 lên án mạnh mẽ việc 3 tàu hải cảnh Trung Quốc đã phun vòi rồng, ngăn cản tàu tiếp tế của Philippines gần bãi Cỏ Mây ở quần đảo Trường Sa.
Chiếc tàu trên của Philippines được cho là bị tàu hải cảnh Trung Quốc gây hấn vào ngày 16.11, khi đang mang đồ tiếp tế cho binh sĩ đóng trú trên tàu hải quân BRP Sierra Madre của Philippines đóng ở bãi Cỏ Mây. Đây là thực thể thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng Philippines chiếm đóng trái phép. Sau vụ trên, tàu tiếp tế của Philippines đã phải tạm ngưng nhiệm vụ, quay về. Chính vì thế, động thái trên của Bắc Kinh còn được xem như là cách để phong tỏa bãi Cỏ Mây.
Tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên gây rối trên Biển Đông REUTERS |
Động thái “thử lửa” ?
Trả lời Thanh Niên ngày 18.11, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy tại Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) đánh giá: “Đây không phải là lần đầu tiên các tàu Trung Quốc chặn các nhiệm vụ tiếp tế cho bãi Cỏ Mây. Nhưng hình như đây là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng lực lượng hải cảnh thực hiện các hành động này, lâu nay họ chủ yếu sử dụng lực lượng dân binh biển”.
“Vì thế, đây có thể là một bài “thử lửa”. Bắc Kinh muốn xem rằng liệu Philippines có đáp trả việc phong tỏa và yêu cầu sự hỗ trợ của Mỹ hay không. Quan trọng hơn, nó là động tác “thử lửa” chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Liệu Washington có ủng hộ Manila nếu Manila quyết định đáp trả. Sự im lặng của Mỹ có thể khuyến khích Trung Quốc càng lấn tới”, cựu đại tá Schuster phân tích và cho rằng dường như Bắc Kinh đánh giá Washington đang suy yếu nên muốn “thử lửa”.
Từ năm 2014, Tàu BRP Sierra Madre đóng tại bãi Cỏ Mây như một tiền đồn REUTERS |
Thông điệp răn đe
Cũng trả lời Thanh Niên, TS Swee Lean Collin Koh (chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) đánh giá: “Mặc dù vụ việc xảy ra gần như cùng thời điểm với Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Trung, nhưng tôi cho rằng động thái của Bắc Kinh nhằm vào Manila nhiều hơn là gửi thông điệp đến Washington. Tuyên bố tầm nhìn chung Mỹ – Philippines được đưa ra gần đây, sau khi hai bên kết thúc đối thoại an ninh song phương, đã nêu rõ ý định nâng cao liên minh. Trong đó, đáng chú ý là tuyên bố dành một đoạn dài để củng cố phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế hồi năm 2016 đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông”.
Vì thế, theo TS Swee Lean Collin Koh, vụ việc ở Bãi Cỏ Mây ngày 16.11 nhiều khả năng là nhằm vào tuyên bố chung nêu trên. Qua đó, Trung Quốc thể hiện quyết tâm chống lại những gì mà nước này xem là động thái tăng cường và củng cố hợp tác giữa Mỹ với Philippines trên Biển Đông. Và có thể, Bắc Kinh còn muốn nhắc nhở các ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines năm 2022 rằng bất kỳ ai đắc cử thì cũng phải xử lý vấn đề Biển Đông một cách cẩn thận.
“Nhưng có lẽ, chính những hành động như vậy của Bắc Kinh không thể khiến cho dư luận Philippines nhận thức tích cực hơn về Trung Quốc. Tuy nhiên, có lẽ đây không phải là lần đầu tiên mà Trung Quốc hành động để rồi có tác dụng ngược”, TS Swee Lean Collin Koh đánh giá.
Nhiều mối lo ngại mới ở Biển Đông
Ngày 18.11, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao (DAV) đã khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 với chủ đề “Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn”.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết các hoạt động quân sự trên biển, dưới biển, trên không và không gian vũ trụ gia tăng nhanh chóng đang làm dấy lên lo ngại về chạy đua vũ trang và nguy cơ sự cố va chạm ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, trong khi Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS)1982 được coi là chuẩn mực ứng xử chung, nhưng vẫn còn nhiều bộ luật hoặc các hoạt động quốc gia không nhất quán hoặc trái với UNCLOS. “Quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển vẫn chưa được tôn trọng đầy đủ. Điều này rõ ràng không có lợi cho lòng tin và các tiến trình hợp tác trong khu vực”, ông Hiệu nói.
Đánh giá tình hình Biển Đông đang ở “ngã rẽ” quan trọng, ông Hiệu cho rằng cần tỉnh táo nhận diện một cách khách quan, đưa ra các khuyến nghị trên cơ sở đúc kết các bài học lịch sử và các khuyến nghị chính sách một cách khoa học, trên cơ sở đó thu hẹp khoảng cách nhận thức, gia tăng tính minh bạch trong môi trường chiến lược khu vực, giảm thông tin xấu, qua đó củng cố lòng tin và hợp tác giữa các bên liên quan.
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 diễn ra trong hai ngày 18 – 19.11.
Lê Hiệp
Đề nghị các bên không làm phức tạp tình hình
Chiều 18.11, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, liên quan việc tàu ngầm của Đài Loan tập trận trong vùng biển gần đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Việt Nam cương quyết phản đối, yêu cầu Đài Loan chấm dứt các hoạt động trái phép nêu trên và không tái diễn trong tương lai”, bà Hằng nói. Về việc ngày 18.11, Bộ Ngoại giao Philippines chỉ trích tàu hải cảnh của Trung Quốc dùng vòi rồng chặn đường tàu Philippines tiếp tế cho lực lượng đồn trú trái phép trên bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa, bà Hằng cho biết: “Việt Nam đề nghị các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982, trong mọi hoạt động ở khu vực trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển và khu vực”.
Lê Hiệp
NGÔ MINH TRÍ
TNO