Khi ngập trong ‘men say’ lời cổ phiếu, dù tiềm năng lớn cũng phải cẩn trọng
Khi ngập trong ‘men say’ lời cổ phiếu, dù tiềm năng lớn cũng phải cẩn trọng
Trong bối cảnh dịch, chứng khoán không chỉ là kênh dẫn vốn giúp doanh nghiệp hồi phục hoạt động kinh doanh, mà là nơi kiếm ra lợi nhuận hấp dẫn cho giới đầu tư. Dù cơ hội còn nhiều nhưng trong ‘men say’ lời cổ phiếu, nhà đầu tư cần cẩn trọng.
Đừng quên rủi ro tiềm ẩn
“Trong một quá trình khủng hoảng sẽ tạo ra được nhóm cổ phiếu tốt, thời kỳ COVID cũng vậy”, ông Vũ Đức Tiến – tổng giám đốc Chứng khoán SHS – chia sẻ tại tọa đàm “Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp, kênh đầu tư sinh lời và tích sản” diễn ra vào hôm nay 18-11 do báo Đầu Tư phối hợp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức.
Lấy ví dụ, trong đợt bùng phát dịch lần thứ hai vào năm trước, cổ phiếu SSI rơi xuống giá 11.000 – 12.000 đồng, HPG (Tập đoàn Hòa Phát) về giá 17.000 đồng… Trải qua khủng hoảng, giá của nhiều cổ phiếu có nền tảng tốt đã tăng.
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh – quyền tổng giám đốc VNDirect, hiện số tài khoản thực sự kích hoạt (active) tham gia đầu tư chứng khoán chỉ khoảng 1% dân số Việt Nam, nhưng đã lập kỷ lục thanh khoản 2 tỉ USD/phiên (80% tỉ trọng giao dịch là nhà đầu tư cá nhân), vì vậy “tiềm năng ở trong dân rất lớn”.
Dù vậy, các chuyên gia cũng nhìn thẳng vào rủi ro tiềm ẩn. Ông Phạm Vũ Thăng Long – giám đốc nghiên cứu kinh tế vĩ mô HSC – đặt vấn đề: Thanh khoản thị trường chứng khoán hiện có bền vững không? Bởi thanh khoản của sàn HoSE (Việt Nam) đã vượt sàn chính của Singapore, có phiên bằng cả thị trường Thái Lan – trong khi quy mô GDP chỉ bằng 2/3 Thái Lan.
Ông Vũ Đức Tiến cho biết khi có “men say”, nhà đầu tư thường dao động nhưng làm gì cũng cần kiến thức. Mua bán cổ phiếu cần dựa vào ba yếu tố: thứ nhất là “ông chủ tịch” – tuyệt đối không bỏ qua uy tín của vị lãnh đạo, thứ hai là ngành nghề, thứ ba là cơ hội chung trên thị trường.
Doanh nghiệp tăng huy động vốn trên thị trường chứng khoán để vượt đại dịch
Không chỉ là nơi giúp nhà đầu tư kiếm lời, trong nhiều năm qua và đặc biệt là khi dịch COVID-19 tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường chứng khoán đã có sự phát triển mạnh, giảm thiểu gánh nặng cho ngân hàng, ông Nguyễn Duy Thịnh – chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội – chia sẻ.
Tổng giám đốc SHS cho biết có những doanh nghiệp từ trước đến nay không dám tăng vốn vì sợ thất bại, thì đầu năm 2021 lại gặp công ty để tìm giải pháp và huy động thành công.
Tổng giám đốc Đỗ Ngọc Quỳnh chia sẻ trong năm vừa qua, tại VNDirect lần đầu tiên có một giao dịch mà phát hành thành công huy động 11.000 tỉ đồng.
Theo ông Quỳnh, trước đây, doanh nghiệp thường phụ thuộc vào ngân hàng thương mại, song thực tiễn cho thấy các huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ có rủi ro về tính thanh khoản mong manh dễ vỡ, khủng hoảng. Tuy nhiên, từ khi thị trường chứng khoán xuất hiện đã hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện chiếm hơn 20% GDP, vốn trung hạn qua thị trường trái phiếu và cổ phiếu lớn hơn ngân hàng.
“Có lúc rất khó khăn tưởng chừng bỏ cuộc, nhưng nhờ thị trường chứng khoán, quy mô vốn từ 50 tỉ đồng nay đã 600 tỉ đồng, với doanh nghiệp vừa và nhỏ thì đây là sự phát triển vượt bậc”, bà Phạm Thị Thế, cố vấn hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng 1369 – hơn 5 năm niêm yết trên sàn chứng khoán, chia sẻ.
5% dân số tham gia thị trường chứng khoán vào năm 2025
Tại tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ Tài chính đang cùng với các bộ ngành báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó định hướng phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng và thanh khoản.
Cụ thể, đặt mục tiêu thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP (điều chỉnh) năm 2025 và 110% GDP năm 2030… Đối với trái phiếu hướng tới mục tiêu 47% GDP năm 2025 và 58% GDP năm 2030. Phân bổ cơ cấu cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ hợp lý. Về thị trường chứng khoán phái sinh đặt mục tiêu tốc độ tăng 20 – 30%/năm.
Số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số vào năm 2025, đạt 8% năm 2030. Hướng đến nâng hạng thị trường trước năm 2025 theo tiêu chuẩn MSCI, FTSE. Đồng thời đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành 1 trong 4 thị trường lớn trong khu vực ASEAN.
Ông Phạm Hồng Sơn, phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cũng chia sẻ, ngoài đa dạng hóa các sản phẩm mới, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ thị trường chứng khoán thì đơn vị cũng tăng cường xử lý nghiêm các “hạt sạn” để thị trường công khai, minh bạch.
BÔNG MAI
TNO