Tâm chấn Covid-19 châu Âu đang báo động
Tâm chấn Covid-19 châu Âu đang báo động
Chính phủ các nước châu Âu đang cố gắng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong bối cảnh số ca nhiễm trên toàn khu vực tăng nhanh, đe dọa hệ thống y tế.
Mùa đông Covid-19
Viện Robert Koch, cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Đức, ngày 8.11 thông báo số ca nhiễm Covid-19 mới trong 7 ngày qua ở nước này chạm mức 201/100.000 người , cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Đây là diễn biến đáng báo động vì tình hình dịch ở Đức vẫn ổn định trong mùa hè qua, theo The Wall Street Journal.
|
Người dân Đức xếp hàng trước một điểm tiêm chủng ở Berlin REUTERS |
Không chỉ ở Đức, số ca mắc Covid-19 trên khắp châu Âu đang tăng vọt. Giám đốc châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Hans Kluge tuần trước cảnh báo khu vực này lại đang trở thành tâm dịch của thế giới và sẽ có thêm 500.000 ca tử vong do Covid-19 trước tháng 2.2022 nếu xu hướng này tiếp tục.
NBC News dẫn lại dữ liệu của Đại học Johns Hopkins cho biết 13/45 quốc gia châu Âu có số ca bệnh mới tăng gấp đôi trong 2 tuần qua. Số ca mắc Covid-19 ở Cộng hòa Czech, San Marino, Hungary và Ba Lan cao hơn gấp 3 lần hồi giữa tháng 10. Tại Nga, Ukraine và Hy Lạp, số trường hợp dương tính liên tục đạt kỷ lục mới. Đáng nói, 6/10 nước có số ca nhiễm tăng cao nhất thế giới hiện nằm ở châu Âu.
Ông Kluge nhận định tốc độ tiêm chủng chậm lại cùng với việc các nước đang gỡ bỏ những biện pháp hạn chế đã khiến làn sóng lây nhiễm thứ 4 bùng phát. Theo AP, chỉ 67% trong 83 triệu dân Đức chủng ngừa đủ 2 mũi, thấp hơn so với Tây Ban Nha, Pháp và Ý. Các nước Đông Âu cũng mới chỉ chủng ngừa xong cho khoảng hơn 30% dân số.
Giải pháp kiểm soát dịch bệnh
Tình hình trên khiến lãnh đạo các nước châu Âu đứng trước việc phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế. Ngày 8.11, Áo ra quy định mới cấm người chưa tiêm ngừa Covid-19 vào nhà hàng, rạp chiếu phim và các sự kiện có 25 người trở lên, theo CNN. Cùng ngày, Đan Mạch thông báo sẽ áp dụng lại giấy thông hành Covid-19 vì các bệnh viện ở nước này có nguy cơ quá tải.
Tại Đức, 3 đảng đang đàm phán lập liên minh để lãnh đạo chính phủ đã tạm gác công việc và tập trung ứng phó đại dịch. Họ đưa ra dự luật sửa đổi luật hiện hành để nhà chức trách tiếp tục bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội ở nơi công cộng. Dự luật sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện vào ngày 11.11. Nhiều nước châu Âu cũng đang xem xét việc bắt buộc tiêm vắc xin để tăng tỷ lệ chủng ngừa.
Tuy vậy, các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao cũng không thể chủ quan. “Vắc xin thay đổi tình hình dịch bệnh, nhưng chỉ dùng vắc xin thôi chưa đủ. Chúng ta phải tiếp tục đeo khẩu trang, rửa tay và thông khí”, CBS News dẫn lời Giám đốc WHO châu Âu Kluge nhấn mạnh. Ông Kluge cũng khuyến cáo các nước theo dõi sát sao tình hình sau khi mở cửa và triển khai các biện pháp càng sớm càng tốt nếu số ca nhiễm tăng nhanh.
Thuốc điều trị Covid-19 không thay thế vắc xin
Merck và Pfizer đã thông báo 2 loại thuốc kháng vi rút do các công ty này phát triển đạt hiệu quả cao trong việc ngăn nhập viện và tử vong sau khi mắc Covid-19. Reuters ngày 9.11 dẫn lời các chuyên gia cho biết dù mang lại hy vọng mới trong việc đẩy lùi đại dịch, những loại thuốc này không thể thay thế vắc xin.
Theo các chuyên gia, việc không chủng ngừa và phụ thuộc vào những loại thuốc này giống như trò chơi may rủi. Bên cạnh đó, các thuốc kháng vi rút phải được dùng trong một thời gian rất ngắn sau khi mắc bệnh. Thuốc sẽ không có nhiều tác dụng nếu người bệnh trở nặng và phải nhập viện. Trong khi đó, những loại vắc xin ngừa Covid-19 hiện hành vẫn có khả năng bảo vệ cao trước biến thể Delta. Vì vậy, các chuyên gia kêu gọi các nước đẩy mạnh việc chủng ngừa để ngăn dịch bùng phát.
ĐÔNG A
TNO