25/11/2024

Đi lại vẫn còn trên thông, dưới tắc

Đi lại vẫn còn trên thông, dưới tắc

Chính phủ đã yêu cầu mở cửa, các địa phương không được “ngăn sông cấm chợ”, nhưng thực tế việc giao thương, đi lại của người dân ở một số địa phương vẫn gặp khó khăn. 

 

 

Nghị quyết 128 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 11.10, quy định rất rõ đối với việc đi lại của cá nhân từ các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau, sẽ không hạn chế đối với vùng xanh, vùng vàng (vùng cam không hạn chế nhưng phải tuân thủ điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm; vùng đỏ sẽ bị hạn chế, có điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly theo hướng dẫn Bộ Y tế). Tuy nhiên, thực tế ở nhiều địa phương vẫn ngăn người vùng vàng vào địa bàn.

Đi lại vẫn còn trên thông, dưới tắc - ảnh 1
Nhiều người dân ở tỉnh Thanh Hóa đi đến chốt kiểm soát dịch bệnh của tỉnh Ninh Bình (chốt giáp ranh giữa H.Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình với H.Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) bị yêu cầu quay trở lại  MINH HẢI

Chờ sáng đến chiều, vẫn không vào được Ninh Bình

Những gì chưa phù hợp phải bổ sung, điều chỉnh ngay

Tại cuộc họp mới nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 với 63 tỉnh, thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh trong triển khai thực hiện Nghị quyết 128 phải nhất quán, thông suốt từ T.Ư xuống địa phương; cấp dưới phải phục tùng cấp trên; địa phương không được ban hành các quy định trái với chỉ đạo của cấp trên; nếu thực hiện cao hơn, sớm hơn phải báo cáo cấp trên. Thủ tướng lưu ý tinh thần là thận trọng, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn; T.Ư ban hành tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình nhất quán, các bộ, các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp tình hình; những gì chưa phù hợp phải bổ sung, điều chỉnh ngay.

Chí Hiếu

Đầu giờ chiều 21.10, tại chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của tỉnh Ninh Bình trên QL10, thuộc khu vực giáp ranh giữa H.Kim Sơn (Ninh Bình) và H.Nga Sơn (Thanh Hóa), lực lượng chức năng căng hàng rào bằng sắt chắn ngang một phần QL10 để kiểm soát người và phương tiện qua lại. Đối với người và phương tiện từ phía tỉnh Ninh Bình vào địa phận tỉnh Thanh Hóa thì không yêu cầu dừng, cũng không phải khai báo y tế, trình giấy tờ gì liên quan đến công tác kiểm soát dịch. Khi vào địa bàn tỉnh Thanh Hóa thì không có chốt kiểm soát dịch bệnh, vì tỉnh này đã dỡ bỏ chốt kể từ khi Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành. Ở chiều ngược lại, khi bất cứ dân, phương tiện nào từ địa phận tỉnh Thanh Hóa vào tỉnh Ninh Bình, cán bộ trực chốt đều yêu cầu dừng lại khai báo y tế.

Cũng tại khu vực chốt trên, do không qua được, nhiều người dân đành mang hàng hóa đến khu vực chốt trung chuyển qua lại. Có người từ phía H.Nga Sơn chở hàng hóa đến khu vực chốt nhưng không qua được, đành gọi người mua từ phía H.Kim Sơn đến khu vực chốt để lấy rồi chở về.

Ông Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Ninh Bình, giải thích tất cả hoạt động tại các chốt kiểm soát dịch bệnh của tỉnh Ninh Bình ở cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Nam Định là nhằm kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, không “ngăn sông cấm chợ”.

Các tỉnh, thành miền Tây cần thống nhất quy định về đi lại

Ảnh

Hiện các tỉnh, thành miền Tây chưa có sự thống nhất chung quy định về đi lại giữa các địa phương, thậm chí có nơi tự đưa ra những quy định không còn phù hợp với thực tế. Rất nhiều trường hợp người lao động ở các địa bàn giáp ranh chưa thể trở lại làm việc dẫn đến các doanh nghiệp không thể sản xuất do thiếu lao động… dù được cho là mở cửa. Số liệu từ Bộ KH-ĐT cho thấy trong quý 3/2021, chỉ có 244 doanh nghiệp ở miền Tây quay trở lại hoạt động; trong khi số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, ngừng hoạt động và đăng ký giải thể trong quý 3 lên đến 1.160 doanh nghiệp.Ông Nguyễn Phương Lam (Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ)

Đình Tuyển (ghi)

“Các chốt không kiểm tra, yêu cầu xét nghiệm, nhưng qua chốt phải khai báo y tế. Như người từ H.Nga Sơn hay các huyện khác ở tỉnh Thanh Hóa giờ vào phải có điểm đến, nơi đến rõ ràng, chứ vào để đi chợ, đến rồi về thì không được. Hiện nay hai vùng đấy (tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hà Nam) có nhiều người nhiễm. Giờ vào Ninh Bình đi công tác, sang làm việc thì được, chứ đi chơi thì không được. Giờ sang mua bán các cái rồi quay về thì rất nguy hiểm…”, ông Dương nói.

Trong khi đó, từ ngày 18.10, tỉnh Hà Nam đã công bố cấp độ dịch đối với cấp tỉnh là cấp 2 – nguy cơ trung bình (vùng vàng); cấp huyện là cấp 2 – nguy cơ trung bình (vùng vàng); cấp xã có 88 đơn vị là cấp 1 – nguy cơ thấp (vùng xanh), và 21 đơn vị còn lại cấp 2 – nguy cơ trung bình (vùng vàng). Ngày 19.10, tỉnh Thanh Hóa cũng đã công bố cấp độ dịch cấp tỉnh là cấp 2 – nguy cơ trung bình (vùng vàng); cấp huyện chỉ riêng TX.Bỉm Sơn là cấp 4 (vùng đỏ), còn lại 26 đơn vị là cấp 2 (vùng vàng).

Đi lại vẫn còn trên thông, dưới tắc - ảnh 3
Nhiều người dân đành quay trở lại, không thể vào địa bàn tỉnh Ninh Bình MINH HẢI

Hạn chế ra đường ban đêm

Lo giữ ghế, sợ trách nhiệm thì phải kỷ luật

Ảnh

Nghị quyết 128 của Chính phủ là một văn bản quy phạm pháp luật, có giá trị bắt buộc chung với toàn xã hội, nó có giá trị pháp lý chỉ sau luật, pháp lệnh nhưng việc một số địa phương đến bây giờ vẫn chưa triển khai hoặc triển khai không đúng tinh thần đã ảnh hưởng đến sự chỉ đạo nhất quán của Chính phủ và thể hiện “phép nước không nghiêm”.Khi ban hành Nghị quyết 128, Chính phủ đã cân nhắc rất nhiều mặt để có những chủ trương chung và giải pháp cụ thể để phòng chống dịch bệnh được thực hiện thống nhất. Tình hình mỗi địa phương khác nhau, nhưng trần pháp lý không thể khác mà địa phương không được phép án binh bất động hay duy trì cách làm cũ.

Xảy ra tình trạng này có các lý do chính. Một là nhận thức của lãnh đạo địa phương đó không đầy đủ về các chủ trương, giải pháp của Chính phủ, tức là năng lực của họ có vấn đề và như vậy thì cần phải thay thế chứ không thể để như vậy. Hai là họ hiểu được tinh thần nghị quyết của Chính phủ nhưng lo giữ ghế, sợ trách nhiệm mà như vậy đã ảnh hưởng đến lợi ích chung. Với những trường hợp này thì tôi cho rằng Chính phủ nên xử lý kỷ luật.

Ông Lê Thanh Vân (Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau)

Thái Sơn (ghi)

Còn tại Tiền Giang, chiều 19.10, UBND tỉnh này ban hành văn bản về việc tiếp tục hạn chế người dân ra đường từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau; ngoại trừ các trường hợp bất khả kháng như: cấp cứu, mua thuốc…; người đi ra các bến xe, bến tàu, quét dọn vệ sinh đường phố và lực lượng hỗ trợ, phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên tại cuộc họp báo (do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì) vào hôm qua, ông Nguyễn Văn Mười, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, nói “tỉnh chỉ hạn chế chứ không phải cấm”. Do đó, tùy trường hợp cụ thể người dân vi phạm ra đường vào khung giờ bị hạn chế (từ 19 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau), lực lượng chức năng sẽ xem xét cẩn trọng, thấu đáo đối với từng trường hợp cụ thể mới xử phạt, tinh thần vận động là chính.

Lý giải vì sao ban hành văn bản nêu trên, ông Nguyễn Văn Mười nói: “UBND tỉnh mới cho người dân hoạt động trở lại trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội nên tỉnh tạm thời hạn chế dân ra đường vào ban đêm nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch trở lại. Đặc biệt, hiện tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Covid-19 của tỉnh đang ở mức thấp so với nhu cầu thực tế. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định cho phép cấp tỉnh được quyền bổ sung một số biện pháp để sao cho địa phương kiểm soát dịch được tốt hơn. Vì vậy, hạn chế dân ra đường vào ban đêm là một giải pháp bổ sung của tỉnh Tiền Giang. Quy định này có cơ sở pháp lý rất rõ ràng”.

Đi lại vẫn còn trên thông, dưới tắc - ảnh 5

Tại Lâm Đồng, các tài xế xe tải chở hàng hóa cho biết dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng mỗi khi qua chốt phòng dịch Covid-19 phải khai báo y tế trên nhiều ứng dụng và xuất trình giấy xét nghiệm âm tính. Ngoài ra, khi vận chuyển hàng hóa về Lâm Đồng vẫn phải giao nhận hàng tại các điểm tập trung vừa mất thời gian lại tăng chi phí. Có những doanh nghiệp kinh doanh phân bón phải thuê bốc xếp, xe tải nhỏ chở phân từ bãi xe về kho phát sinh chi phí 4,5 triệu đồng/chuyến. Tại Kon Tum, hiện tỉnh này vẫn đang duy trì 6 chốt liên ngành kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại các cửa ngõ ra vào tỉnh. Người từ các địa phương khác đến Kon Tum đều phải thực hiện khai báo y tế, tiến hành xét nghiệm nhanh tại các chốt kiểm soát…

Hậu Giang thay đổi quyết định ngay sau khi ban hành

Ngày 19.10, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 1981 về việc ban hành quy định hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Hậu Giang tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát phòng chống dịch khu vực cửa ngõ để kiểm soát người và phương tiện di chuyển từ các địa bàn có dịch vào tỉnh như kiểm soát chứng nhận tiêm vắc xin, xét nghiệm Covid-19, giấy xác nhận của cơ quan, địa phương… Những người chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 phải theo dõi sức khỏe tại nơi cách ly tập trung trong 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương; còn những người chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 sẽ phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày… Ngay sau khi ban hành, hướng dẫn này đã nhận sự phản ứng của người dân bởi cản trở việc đi lại thông suốt theo chỉ đạo của Chính phủ. Sau đó, ngày 20.10, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định 1988 (có hiệu lực vào ngày 21.10), thay thế cho Quyết định 1981.

Trong Quyết định 1988, Hậu Giang bỏ việc duy trì các chốt kiểm soát tại cửa ngõ tỉnh; đồng thời quy định đối với các trường hợp người dân đi ra ngoài tỉnh trở về hoặc người từ ngoài tỉnh vào Hậu Giang không thực hiện cấp giấy đi đường, nhưng cần thực hiện nghiêm quy định 5K; khi vào Hậu Giang phải thực hiện khai báo y tế để được hướng dẫn thực hiện các biện pháp giám sát phòng chống dịch theo quy định. Quyết định 1988 cũng yêu cầu, tại cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở sẽ tự tổ chức xét nghiệm Covid-19 ngẫu nhiên cho người có nguy cơ lây nhiễm cao. Không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với các trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế vùng (phong tỏa); các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3…

Đình Tuyển

Nhiều địa phương ở Đông Nam bộ điều chỉnh về chính sách đi lại

Thời gian đầu, chính sách về việc đi lại tại một số tỉnh thành ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương… gây nhiều bức xúc cho người dân. Tuy nhiên, sau khi có ý kiến của dư luận, các địa phương này đã điều chỉnh và việc đi lại tại những địa phương này hiện khá thuận lợi. Trong ngày 21.10 tại Bà Rịa-Vũng Tàu gần như không còn các chốt kiểm soát, kiểm tra nội tỉnh. Riêng 3 quốc lộ (51, 55 và 56) vẫn duy trì các chốt kiểm tra mã QR Code đối với xe tải; phần mềm PC-Covid đối với ô tô con và xe máy; nhưng không yêu cầu giấy xét nghiệm Covid-19. Mặc dù Bà Rịa-Vũng Tàu không còn các chốt kiểm tra nội tỉnh nhưng riêng TP.Bà Rịa vẫn duy trì chốt kiểm tra các phương tiện vận tải hàng hóa tại điểm tập kết khu công nghiệp khí thấp áp Hồng Lam. Tuy nhiên, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đặng Minh Thông, Bí thư Thành ủy Bà Rịa, cho biết sẽ sớm bỏ chốt kiểm tra này.

Tại Đồng Nai, hiện các chốt kiểm soát ra/vào tỉnh Đồng Nai trên QL1 (ngay cầu Đồng Nai, giáp với TP.HCM) và trên QL1K (ngay trạm thu phí, giáp Bình Dương) vẫn có lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông túc trực, kiểm tra chủ yếu ô tô con. Nhưng khác với trước, tài xế chỉ xuất trình “thẻ xanh Covid-19” và khai báo y tế là được tiếp tục lưu thông, không cần phải có giấy xét nghiệm; xe máy lưu thông thoải mái, xe tải cũng không bị dừng lại.

Tại Bình Dương, việc đi lại bằng xe máy của công nhân cũng như xe ô tô chở người, xe chở hàng hóa lưu thông giữa Bình Dương và TP.HCM khá dễ dàng. Nhiều công nhân đi làm bằng xe máy có đeo thẻ nhân viên hoặc giấy xác nhận của công ty thì lực lượng chức năng không dừng phương tiện để kiểm tra mà ra hiệu cho lưu thông.

N.Long – Đ.Trường – L.Lâm

THANH NIÊN

TNO