Các nước lo ngại biến thể mới của SARS-CoV-2
Các nước lo ngại biến thể mới của SARS-CoV-2
AY.4.2, dòng phụ của biến thể Delta, đang được theo dõi kỹ càng sau khi được ghi nhận ngày càng nhiều tại Anh và các quốc gia khác.
Lây nhanh hơn Delta ?
Theo CNN, báo cáo gần đây của Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA) đã khiến thế giới chú ý. Kết quả giải trình tự gien mới nhất cho thấy một dòng phụ của biến thể Delta được gọi là AY.4.2 đã gây ra 6% ca mắc Covid-19 mới tại Anh trong tuần cuối cùng của tháng 9. Con số này đang có xu hướng tăng lên.
Biến thể AY.4.2 xác định lần đầu vào tháng 7 là một trong 56 dòng phụ của Delta đã được phát hiện cho đến nay, theo Viện Nghiên cứu Scripps (Mỹ). AY.4.2 đang được sự quan tâm do mang 2 đột biến Y145H và A222V trên protein gai.
Anh đang lo ngại về nguy cơ lây lan của AY.4.2 là dòng phụ của biến thể Delta REUTERS |
Các chuyên gia vẫn chưa rõ 2 đột biến này ảnh hưởng thế nào đến khả năng lây nhiễm của AY.4.2 và cần phải nghiên cứu thêm. Tờ Financial Times dẫn lời ông Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền học của Đại học Cao đẳng London (Anh), cho rằng AY.4.2 có thể lây nhiễm nhanh hơn Delta 10-15%. Song, chuyên gia này nói dù AY.4.2 lây nhanh hơn, nó cũng sẽ chỉ gây ra thêm một ít ca bệnh mới và khó tác động lớn đến tình hình dịch bệnh.
Tuy vậy, các quốc gia vẫn đang rất cảnh giác với AY.4.2. Văn phòng Thủ tướng Anh, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) và cơ quan y tế Úc đều tuyên bố đang theo dõi sát sao số người nhiễm biến thể AY.4.2.
Ngoài Anh, AY.4.2 đã được phát hiện ở Đan Mạch, Romania, Phần Lan, Úc, Mỹ và Canada. Israel là quốc gia mới nhất có người mắc biến thể AY.4.2 vào ngày 19.10.
Đại dịch có thể kéo dài
Dù vi rút liên tục đột biến, giới khoa học đã chứng minh được rằng vắc xin có hiệu quả cao trước biến thể Delta, vốn đang chiếm ưu thế trên thế giới. Một nghiên cứu thực hiện trên 200.000 trẻ em Israel công bố ngày 20.10 cho thấy 2 liều vắc xin Pfizer hiệu quả hơn 90% trong việc giúp tránh nhiễm biến thể Delta và ngăn người nhiễm Delta thể hiện triệu chứng.
Mỹ cấp phép liều tăng cường của Moderna và Johnson & Johnson
Reuters đưa tin Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 20.10 cấp phép cho liều tiêm tăng cường của Moderna và Johnson & Johnson. FDA cũng cho phép tiêm trộn, tức người dân Mỹ có thể chọn tiêm nhắc lại bằng loại vắc xin khác với các liều tiêm ban đầu.
Liều thứ ba của Moderna có liều lượng bằng một nửa mũi tiêm ban đầu và sẽ được tiêm ít nhất 6 tháng sau khi chủng ngừa xong 2 liều. Liều tăng cường của Johnson & Johnson có thể được tiêm ít nhất 2 tháng sau mũi vắc xin đầu tiên.
Trước đó, FDA đã phê duyệt liều tiêm tăng cường vắc xin ngừa Covid-19 Pfizer/BioNTech cho người từ 65 tuổi trở lên và những người có nguy cơ cao. Ngày 21.10, các chuyên gia của CDC sẽ đưa ra khuyến nghị về đối tượng được phép tiêm liều tăng cường của Moderna và Johnson & Johnson. Giám đốc CDC sẽ đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên các khuyến nghị này.
Tuy đã có vắc xin hiệu quả cao, BBC dẫn lời Cố vấn cấp cao Bruce Aylward của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 21.10 cho biết đại dịch có thể kéo dài sang năm 2022 vì các nước nghèo không có đủ vắc xin. Chưa đến 5% dân số châu Phi được tiêm ngừa Covid-19.
Song, các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao cũng không nên chủ quan. Anh đã tiêm 2 liều cho khoảng 67,7% dân số nhưng nước này báo cáo gần 50.000 ca bệnh mới trong ngày 18.10, mức cao nhất trong 3 tháng qua. Theo tờ The Telegraph, tình trạng này do Anh đã dỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế. Bộ trưởng Y tế Sajid Javid cảnh báo Anh có thể ghi nhận đến 100.000 ca bệnh mới mỗi ngày nếu tình hình tiếp diễn.
CNBC đưa tin WHO cũng kêu gọi các nước châu Âu khác cẩn trọng vì số ca nhiễm ở châu lục này đã tăng lên trong 3 tuần liên tiếp. Với việc nhiệt độ thấp dần và người dân tăng cường đi lại trong mùa lễ hội, châu Âu có thể sẽ phải tiếp tục trải qua một “mùa đông Covid-19”.
NHƯ TRẦN
TNO