Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ có những công trình thế kỷ nào?
Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ có những công trình thế kỷ nào?
Sở QH-KT TP.HCM vừa có dự thảo về quản lý quy hoạch, kiến trúc khu đô thị mới Thủ Thiêm.
8 điểm nhấn kiến trúc
Trong dự thảo, Sở QH-KT nêu rõ quy hoạch phát triển hệ thống các không gian công cộng, đặc trưng của khu đô thị mới Thủ Thiêm gồm có 8 công trình:
Thứ nhất là khu phức hợp khách sạn. Đây là khu vực được định hướng có giá trị kinh tế cao và thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển của Thủ Thiêm, tập trung các khách sạn, khu mua săm, ăn uống và các hoạt động thương mại quan trọng.
Thứ hai – Khu phức hợp Tháp quan sát là một dự án phát triển mới ấn tượng và đặc biệt, cao nhất của Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, hỗ trợ cho sự phát triển của toàn khu vực. Đáng chú ý, công trình dự kiến cao 86 tầng là điểm nhấn cao nhất khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Bên cạnh đó, không gian Quảng trường trung tâm được quy hoạch là không gian ấn tượng và dễ nhận biết nhất tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm nhắm đến việc kết nối không gian thị giác giữa sông Sài Gòn và hồ trung tâm, tạo ra một hình ảnh lộng lẫy mới cho Trung tâm Tài chính Quốc tế tại Thủ Thiêm.
Tiếp đến, bờ sông Sài Gòn từ Trung tâm Hội nghị Quốc tế đến Khu tháp quan sát sẽ tạo thành trục không gian mở công cộng dành cho tất cả người dân với hàng loạt các khoảng vườn và cây xanh linh hoạt.
Công trình thứ 5 là Cung Thiếu nhi, được định hình là điểm nhấn đáng ghi nhớ tại điểm giao nhau giữa Đại lộ Đông Tây và đường Bắc Nam. Đây là điểm cuối của trục không gian thị giác kéo dài 9 qua Quảng trường Trung tâm ở Khu lõi trung tâm từ Quảng trường Mê Linh phía bên kia bờ sông Sài Gòn ở quận 1.
Vòng quay khổng lồ tại khu 2c sẽ là công trình mang tính biểu tượng quan trọng tọa lạc ngay bên bờ sông. Từ trên vòng quay có thể nhìn ngắm quan cảnh toàn khu vực Thủ Thiêm cũng như đô thị trung tâm thành phố.
Thứ bảy, vùng Châu thổ phía Nam và công viên đầm lầy là khu vực được bảo tồn nhằm tăng giá trị cảnh quan thiên nhiên, quản lý nước mưa và ngập lụt, và cải thiện chất lượng nước.
Cuối cùng là khu phức hợp bến du thuyền. Đây là khu phức hợp cao cấp và hiện đại với các chức năng thương mại – dịch vụ, câu lạc bộ du thuyền với nhiều loại hình dịch vụ đa dạng phục vụ nhu cầu cho mọi đối tượng.
Theo Sở QH-KT TP, ngoài 8 không gian kiến trúc nói trên, khu đô thị mới Thủ Thiêm còn có 4 khu vực có địa hình đặc thù gồm khu vực bờ sông Sài Gòn, vùng châu thổ phía nam, khu vực hồ trung tâm và dọc các tuyến kênh rạch chính.
Bốn khu vực này được quản lý theo nguyên tắc: Là hệ thống không gian mở liên hoàn với các kích thước và hình dáng khác nhau, được phân bổ đều khắp Thủ Thiêm. Đồng thời là bốn không gian ấn tượng và dễ nhận biết, tạo ra một hình ảnh đặc trưng cho khu đô thị này. Đặc biệt, các khu vực này mang hình ảnh như một khu rừng ven sông hồ, một không gian phục vụ cho người dân địa phương, mang tính thân thiện với môi trường và sức khỏe.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm là 1 trong những động lực phát triển trọng điểm của TP.Thủ Đức trong tương lai ĐỘC LẬP |
Thành phố thông minh từ A đến Z
Như được định hướng ngay từ đầu, khu đô thị mới Thủ Thiêm được phát triển hướng tới mô hình thành phố thông minh.
Để làm được điều này, Sở QH-KT đề xuất một lộ trình gồm các bước:
Thiết lập cơ sở hạ tầng cho thành phố thông minh bền vững, xây dựng cơ sở hạ tầng liên kết mạng với hệ thống dữ liệu đô thị bao gồm: kinh tế, xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng, không gian và quản lý trên cơ sở tích hợp và chia sẻ, biến các 6 dữ liệu thành các thông tin hữu ích phục vụ quản lý và điều hành để hình thành các dịch vụ đô thị thông minh.
Quan trọng nhất, hạ tầng thông minh cần được đầu tư bài bản, bao gồm các dạng cảm biến và công nghệ theo dõi giám sát; các giao tiếp băng rộng công năng lớn, tốc độ cao và các mạng quang tin cậy và băng thông rộng không dây; các dữ liệu được các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp và các trung tâm dữ liệu thu thập; các ứng dụng sử dụng dữ liệu được thu thập (hệ thống hạ tầng cáp quang của mạng viễn thông toàn khu, wifi miễn phí tại các điểm công cộng được lựa chọn)…
Đặc biệt, cần xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (IOC), hình thành các dịch vụ thông minh trên nền tảng Internet vạn vật (IoT) như:
– Hệ thống giao thông thông minh: sử dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin và viễn thông đảm bảo cho việc lưu thông một cách tối ưu (hệ thống camera giám sát giao thông, hệ thống đèn tín hiệu giao thông..).
– Vận tải thông minh: có các công nghệ wifi, hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để nắm thông tin luồng giao thông, giám sát phương tiện và theo dõi hạ tầng đường, giao thông.
– Các hệ thống quản lý cấp nước và thoát nước thải: Theo dõi nước cấp và nước thải, để giám sát sự di chuyển của nước, tối ưu tuyến nước và tập hợp chia sẻ dữ liệu về chu kỳ nước thải, tổ chức hệ thống tưới cây tự động, hệ thống chống ngập đô thị.
– Quản lý y tế thông minh: Có thể chẩn đoán và chữa trị từ xa, cung cấp các dịch vụ trực tuyến và hệ thống theo dõi bệnh nhân từ xa.
– Quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng (trên nền tảng GIS và BIM): có thể kiểm soát và quản lý dân số đô thị, sự phân bổ dân số và tổng diện tích sàn, các diện tích sàn chức năng..
Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến giám sát tiến trình cũng sẽ sử dụng các chỉ số hiệu suất quan trọng để giám sát hiệu suất và hiệu quả đạt được. Hạ tầng an ninh cũng phải bao gồm một trung tâm giám sát khẩn cấp và các hệ thống an ninh khu vực đảm bảo chống chịu trước thảm họa, quản lý và đánh giá an ninh và đảm bảo quản lý nhận dạng.
Các dự án, công trình được yêu cầu tận dụng các giải pháp công nghệ (di động, mạng xã hội, web internet, cloud, dữ liệu lớn…. với các giải pháp cụ thể) để giải quyết các vấn đề phục vụ người dân.
HÀ MAI
TNO