24/11/2024

Không mời thống tướng Myanmar họp: quyết định khó khăn và phi tiền lệ của ASEAN

Không mời thống tướng Myanmar họp: quyết định khó khăn và phi tiền lệ của ASEAN

Ngày 16-10, Brunei, quốc gia chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2021, xác nhận ASEAN sẽ không mời thống tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar, dự hội nghị cấp cao của khối từ ngày 26 đến 28-10.

 

Không mời thống tướng Myanmar họp: quyết định khó khăn và phi tiền lệ của ASEAN - Ảnh 1.

Cuộc họp trực tuyến ngày 15-10 giữa các ngoại trưởng ASEAN bàn về vấn đề Myanmar và ra quyết định không mời đại diện nước này dự hội nghị cấp cao cuối tháng 10 – Ảnh: RNK

Đây là một quyết định rất khó khăn, nhạy cảm, “một quyết định chưa từng có được đưa ra trong một hoàn cảnh chưa từng có”, như lời đại sứ Phạm Quang Vinh – nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, người đã có 7 năm đảm nhiệm vị trí trưởng SOM (Senior Oficial Meeting – Hội nghị quan chức cao cấp) ASEAN. Ông Vinh hiện là cố vấn cao cấp Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế (CSSD) tại Hà Nội.

Tuổi Trẻ trò chuyện với đại sứ Phạm Quang Vinh về quyết định này của ASEAN.

Lần đầu tiên và rất khó khăn

* Thưa đại sứ, việc ASEAN không mời thống tướng Min Aung Hlaing dự Hội nghị cấp cao ASEAN cuối tháng 10 là một quyết định đặc biệt của khối. Với tư cách là một nhà ngoại giao có nhiều năm gắn bó với ASEAN, ông có bình luận gì về việc này?

– Cuộc họp khẩn cấp ngày 15-10 của các ngoại trưởng ASEAN bàn về Myanmar đã đặc biệt nhấn mạnh nội dung bản kế hoạch đồng thuận 5 điểm của ASEAN về tình hình Myanmar đã đạt được trong tháng 4 và vai trò của đặc phái viên ASEAN phụ trách vấn đề Myanmar, ông Dato Erywan.

Theo đó, ASEAN cho rằng tính tới giữa tháng 10, sự hợp tác của chính quyền quân sự Myanmar trong việc thực hiện bản đồng thuận 5 điểm đó dường như chưa có tiến bộ và còn nhiều trở ngại. Cụ thể, tới lúc này, đặc phái viên ASEAN vẫn chưa được tạo điều kiện để gặp gỡ tất cả các bên tại Myanmar dù trong các ngày từ 4 đến 14-10, ông Dato Erywan đã liên tục liên hệ với chính quyền quân sự Myanmar.

Còn về quyết định ngày 15-10 của ASEAN, hiện cũng mới chỉ có các thông tin báo chí quốc tế. Có thể thấy đại thể là phía ASEAN đã nhận được thông tin và yêu cầu của nhiều bên tại Myanmar chứ không phải chỉ từ chính quyền quân sự. Điều này buộc các bộ trưởng ASEAN phải bàn bạc và cân nhắc rất kỹ.

Theo đó, từ ý kiến của một số nước thành viên, ASEAN vừa không thể lựa chọn một bên, vừa có ý để thêm thời gian cho các bên ở Myanmar tìm giải pháp. Vì vậy, ASEAN đã không có được sự đồng thuận để mời đại diện của một bên cụ thể nào dự hội nghị cấp cao, mà cho rằng Myanmar chỉ nên được đại diện bởi một người không mang tính đảng phái chính trị tại sự kiện cấp cao tới.

Việc ASEAN bàn bạc và đi đến quyết định này là cả một quá trình kể từ khi xảy ra cuộc chính biến ngày 1-2, khi tướng Hlaing lên nắm quyền. ASEAN đã có một loạt tuyên bố, từ tuyên bố đầu tiên trong tháng 2, tới tuyên bố chung gồm 5 điểm ngày 24-4, đến tháng 8 ASEAN bổ nhiệm được đặc phái viên ASEAN về Myanmar. Từ tháng 8 đến tháng 10, ông Dato Erywan đã liên tục trao đổi với chính quyền quân sự Myanmar để có chuyến đi tốt nhất tới Myanmar nhưng vẫn còn nhiều trở ngại.

* Ông có thể phân tích kỹ hơn lý do vì sao ASEAN không mời thống tướng Myanmar dự hội nghị cấp cao, một quyết định ông liên tục nhấn mạnh là “đầu tiên, chưa từng có và rất khó khăn”?

– ASEAN tôn trọng nguyên tắc không can thiệp nội bộ Myanmar, nhưng ASEAN cũng thấy cuộc chính biến tại Myanmar có ảnh hưởng tới khu vực.

Bên cạnh đó, để thực hiện kế hoạch đồng thuận 5 điểm, ASEAN sẽ hỗ trợ các bên tại Myanmar đối thoại tìm giải pháp hòa bình. Trên thực tế, cho tới nay ASEAN vẫn chưa chính thức công nhận bên nào tại Myanmar là đại diện hợp pháp, vì thế cũng chưa thể quyết định ai là đại diện tốt nhất cho họ lúc này.

Myanmar vẫn đang là một thành viên ASEAN, nhưng vào lúc còn có những tranh chấp chính trị nội bộ như hiện nay, việc ASEAN không mời bên nào của Myanmar dự hội nghị cấp cao cũng kèm theo hàm ý là chưa công nhận ai là đại diện chính thức của họ.

Đây là quyết định chưa từng có trong ASEAN và không dễ đưa ra. ASEAN luôn mong muốn Myanmar hòa bình, ổn định nhưng cũng đang đứng trước thách thức rất lớn khi tiến trình dân chủ của Myanmar, sự hóa giải xung đột giữa các bên liên quan đang ảnh hưởng tới tiến trình xây dựng cộng đồng, tới hình ảnh, uy tín của cả khu vực.

Không mời thống tướng Myanmar họp: quyết định khó khăn và phi tiền lệ của ASEAN - Ảnh 2.

Đại sứ Phạm Quang Vinh – Ảnh: TTXVN

Quyết định này giúp ASEAN đảm bảo được nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ nước khác, nhưng vẫn không tạo ra một tiền lệ cho sự can thiệp như vậy về sau.

Đại sứ Phạm Quang Vinh nói về việc ASEAN tạm thời không mời đại diện Myanmar dự Hội nghị cấp cao ASEAN cuối tháng 10.

Cần thiết cho ASEAN

* Vậy quyết định tạm “đóng băng” vấn đề ai là đại diện chính thức cho Myanmar tham dự các diễn đàn của ASEAN lúc này có ý nghĩa như thế nào với Myanmar nói riêng và với toàn khối nói chung, thưa ông?

– Ngay từ khi bắt đầu xảy ra cuộc chính biến ngày 1-2, ASEAN đã can dự với tất cả các bên liên quan tại Myanmar để đảm bảo cân bằng giữa nguyên tắc không can thiệp nội bộ nhưng vẫn duy trì các nguyên tắc hiến chương ASEAN. Quyết định tạm thời chưa công nhận đại diện hợp pháp chính thức của Myanmar là một quyết định cần thiết cho khối.

Với quyết định đó, ASEAN cũng tạo ra không gian và thời gian cho các bên ở Myanmar có thể tìm ra tiến trình hòa giải, hòa hợp để được quốc tế công nhận. ASEAN không chọn giải pháp trừng phạt hay tẩy chay bên nào mà chọn cách liên hệ với tất cả các bên, hỗ trợ tìm giải pháp.

Và như thế, ASEAN vẫn có thể can dự được với tất cả các bên tại Myanmar, qua đó thúc đẩy thực hiện kế hoạch đồng thuận 5 điểm. Điều này cũng đặt chính quyền quân sự Myanmar trước một lựa chọn, nếu hợp tác với ASEAN, họ sẽ được nhiều thuận lợi nhất và muốn vậy, họ phải tạo điều kiện để đặc phái viên ASEAN được gặp gỡ các bên. Nếu tình trạng khủng hoảng kéo dài sẽ thiệt cho cả Myanmar lẫn ASEAN.

Ngoài ra, với quyết định chưa công nhận bất cứ bên nào, ASEAN cũng sẽ thuận lợi hơn trong việc gặp gỡ các đối tác của khu vực, trong đó có Liên Hiệp Quốc. Theo đó, ASEAN vừa giành được thế chủ động trong giải quyết vấn đề, vừa có thể hỗ trợ Myanmar vượt qua khủng hoảng.

* Vậy theo ông, liệu tình thế còn nhiều rắc rối tại Myanmar có thể được giải quyết trong thời gian tới?

– ASEAN không có cơ chế trừng phạt các quốc gia mà dựa trên tinh thần là một cộng đồng, một gia đình, qua đó hỗ trợ lẫn nhau. Nhân đây có thể nhắc lại câu chuyện Myanmar ngày trước. Chẳng hạn như giai đoạn 2007-2008, khi đó Myanmar đã vào ASEAN được khoảng 10 năm rồi nhưng vẫn còn bị phương Tây và nhiều nước cấm vận, cô lập, trừng phạt do chưa có những cải cách, bầu cử như lộ trình đã cam kết.

Trong một số cuộc họp nội bộ lúc đó, ASEAN có đặt ra cho Myanmar hai lựa chọn. Nếu họ cải cách, ASEAN sẽ có cơ sở để vận động các nước đối tác của ASEAN giảm bớt cấm vận và giúp đỡ Myanmar. Còn nếu họ quyết định đi theo con đường riêng, không muốn cải cách thì đó là quyền của họ, ASEAN không thể giúp gì và quốc gia này phải tự mình đương đầu thách thức. Chính vì thế Myanmar đã tính toán điều gì có lợi nhất cho họ, cụ thể là cải cách, mở cửa, tổ chức bầu cử theo hiến pháp mới. Điều đó gọi là áp lực cũng được, mà gọi là lựa chọn cũng được, quyết định chính vẫn phải là của Myanmar.

Nhiều nước ủng hộ đặc phái viên ASEAN về Myanmar

Trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 15-10 đăng tuyên bố chung của các nước Mỹ, Úc, Canada, New Zealand, Na Uy, Hàn Quốc, Đông Timor, Anh và Liên minh châu Âu bày tỏ ủng hộ đặc phái viên của chủ tịch ASEAN về vấn đề Myanmar, ông Dato Erywan.

Trong đó, các nước ghi nhận vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tái khẳng định sự ủng hộ với các nỗ lực đang thực hiện của ASEAN nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Myanmar, cam kết ủng hộ các nỗ lực của ông Dato Erywan nhằm triển khai kế hoạch đồng thuận 5 điểm đã được ASEAN thông qua ngày 24-4.

Trong tuyên bố ngày 16-10, Bộ Ngoại giao Myanmar bày tỏ sự thất vọng vì “các cuộc thảo luận và quyết định về vấn đề đại diện của Myanmar đã được thực hiện mà không có sự đồng thuận và đi ngược lại các mục tiêu của ASEAN”.

D.KIM THOA thực hiện
TTO