WHO đề nghị gì với Trung Quốc trong ‘cơ hội cuối cùng’ xác định nguồn gốc Covid-19?
WHO đề nghị gì với Trung Quốc trong ‘cơ hội cuối cùng’ xác định nguồn gốc Covid-19?
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề nghị Trung Quốc cung cấp dữ liệu về những ca nhiễm lúc đầu để phục vụ cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19, trong khi Trung Quốc đưa ra đề nghị khác.
Nhân viên an ninh ở bên ngoài Viện Virus học Vũ Hán hồi tháng 2.2021 trong chuyến thăm của một nhóm chuyên gia điều tra nguồn gốc Covid-19 thuộc WHO REUTERS |
Reuters hôm nay 14.10 đưa tin chuyên gia của WHO Mike Ryan cho hay một nhóm cố vấn khoa học về điều tra nguồn gốc các mầm bệnh mới có khả năng gây ra đại dịch như Covid-19 vừa được thành lập là “cơ hội cuối cùng” để xác định nguồn gốc của SARS-CoV-2.
Những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12.2019. Tính đến nay, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã tăng lên 239 triệu ca, nhưng nguồn gốc của virus gây bệnh này vẫn chưa được xác định.
Một nhóm chuyên gia do WHO dẫn đầu đã trải qua 4 tuần trong tháng 1 và 2.2021 ở Vũ Hán cùng với các nhà khoa học Trung Quốc. Họ kết luận trong một báo cáo chung hồi tháng 3 rằng SARS-CoV-2 có khả năng lây từ dơi sang người thông qua một loài động vật khác nhưng cho rằng cần nghiên cứu thêm.
Gần đây, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19 bị cản trở bởi tình trạng thiếu dữ liệu thô về những ca nhiễm Covid-19 lúc đầu và kêu gọi kiểm tra các phòng thí nghiệm, trong đó có phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Trong một bài xã luận đăng trên tập san học thuật Science của Hiệp hội Mỹ vì sự phát triển khoa học, WHO cho rằng cần tiến hành cuộc điều tra chi tiết về những ca nhiễm và ca nghi nhiễm trước tháng 12.2019 ở Trung Quốc và tập trung vào các phòng thí nghiệm ở khu vực có những ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận tại Vũ Hán.
Tại cuộc họp báo hôm 13.10, chuyên gia hàng đầu của WHO về Covid-19 Maria van Kerkhove bày tỏ hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều nhóm chuyên gia quốc tế do WHO dẫn đầu đến Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ hợp tác. Bà Maria van Kerkhove cho biết thêm hơn 30 nghiên cứu được đề xuất phải được tiến hành để xác định SARS-CoV-2 lây từ động vật sang người như thế nào.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva Trần Húc phát biểu tại cuộc họp báo riêng hôm 13.10 rằng kết luận của báo cáo chung hồi tháng 3 đã “khá rõ”, và các nhóm chuyên gia quốc tế đã đến Trung Quốc hai lần nên “bây giờ là lúc gửi các nhóm đến những nơi khác”, theo Reuters.
VĂN KHOA
TNO