TP.HCM chưa có chủ trương mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ
TP.HCM chưa có chủ trương mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ
Tại buổi họp báo về tình hình COVID-19 trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương – phó giám đốc Sở Công thương – cho biết loại hình ăn uống tại chỗ tập trung đông người nên TP chưa có chủ trương mở lại.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, các loại hình có đủ điều kiện an toàn thì được mở lại, các loại hình có khả năng gây ra nhiều rủi ro thì phải tính toán. Loại hình ăn uống tại chỗ tập trung đông người nên TP chưa có chủ trương mở lại, cần phải tính toán thêm.
Về lộ trình mở cửa các loại hình này, lãnh đạo Sở Công thương cho rằng tùy loại hình dịch vụ mà do các sở ngành liên quan phụ trách. Dịch vụ ăn uống hiện nay do Ban quản lý an toàn thực phẩm phụ trách.
Về gói hỗ trợ đợt 3, ông Nguyễn Quang Lâm – phó giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội TP.HCM – cho biết gói đợt 3 TP đã chi trả được cho 3.763.719 người. Con số này tiếp tục tăng lên theo từng giờ và với tiến độ trên thì đến ngày 15-10 sẽ hoàn thành theo chỉ đạo của UBND TP.
Ông Lâm cho biết việc triển khai văn bản 3181 trên địa bàn quận huyện rất thuận lợi, không có trở ngại gì. Tuy nhiên về mặt công nghệ, do nhiều người cùng truy cập gây nghẽn mạch, một số nơi chi trả chậm hơn.
Theo lãnh đạo Sở Lao động, thương binh và xã hội TP.HCM, trước khi bắt đầu chi trả gói hỗ trợ đợt 3, 312 phường xã trên 21 quận huyện đều đã rà soát kỹ lưỡng. Có 6 đơn vị đạt tỉ lệ trên 90%, trong đó cao nhất là quận Phú Nhuận đạt 96%.
Về nguyên tắc chi trả, công văn 3181 nêu 3 nguyên tắc là rà soát đảm bảo chi đủ, chi đúng, không bỏ sót, không trùng lắp, không phân biệt thường trú, tạm trú hay lưu trú; công khai, minh bạch, thuận lợi cho người thụ hưởng, không để trục lợi cá nhân; phát huy tối đa mọi nguồn lực.
Ông Lâm cho hay hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đều cần lao động, cụ thể lĩnh vực tự động hóa cần 1.398 lao động, kiến trúc công trình xây dựng cần 1.620 lao động… Từ tháng 6 đến nay, số lao động đóng bảo hiểm xã hội ở TP về quê là 33.000 người, chính sách của người lao động này vẫn được đảm bảo theo luật lao động.