24/11/2024

Khẩn cấp vắc xin cho miền Tây

Khẩn cấp vắc xin cho miền Tây

Miền Tây có khoảng 20 triệu dân, chiếm gần 1/5 dân số cả nước, nhưng hiện nay tỷ lệ người trong độ tuổi được tiêm (mũi 1) vắc xin phòng Covid-19 chiếm chưa tới 30%.

 

Trong khi đó, từ đầu tháng 10 đến nay, khu vực này đón khoảng 300.000 người từ các vùng dịch phía nam tự phát về quê, nguy cơ dịch bùng phát là rất cao.

Có tỉnh mới đạt 13,9%

Thống kê trên Cổng vắc xin Covid-19 của Bộ Y tế cho thấy, cả khu vực miền Tây có kế hoạch phân bổ gần 22 triệu liều vắc xin, nhưng đến nay các tỉnh, thành mới được phân bổ khoảng 6,6 triệu liều.

Khẩn cấp vắc xin cho miền Tây - ảnh 1
Tiêm vắc xin cho công dân trên phương tiện lưu động ở tỉnh Bạc Liêu TRẦN THANH PHONG

Theo số liệu thống kê từ các địa phương, hiện chỉ có Long An được phân bổ lượng vắc xin nhiều nhất với hơn 2,6 triệu liều và tỉnh này đã tiến hành tiêm cho khoảng 1,5 triệu người (chiếm 98% người dân trong độ tuổi); trong đó có khoảng 41% người trong độ tuổi đã được tiêm đủ 2 mũi. Như vậy, 12 tỉnh, thành còn lại ở miền Tây mới được phân bổ khoảng 4 triệu liều.

Mấy hôm nay các doanh nghiệp đều đã chuẩn bị khởi động lại sản xuất, nhưng quả thật không đủ vắc xin để tiêm cho công nhân và người lao động, thì rất khó để khôi phục sản xuất

Ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.Cần Thơ

2 tỉnh trong khu vực có tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt khá là Tiền Giang 50%, Bến Tre 39,4%, tuy nhiên, tỷ lệ người được tiêm mũi 2 ở 2 tỉnh này cũng chỉ mới đạt khoảng 10% số người trong độ tuổi.

Trong khi đó, các tỉnh còn lại đều có tỷ lệ tiêm mũi 1 rất thấp, và thấp nhất là tỉnh Cà Mau mới chỉ tiêm mũi 1 cho được 159.651 người, chiếm tỷ lệ 13,9% tổng số người trong độ tuổi.

Khẩn cấp vắc xin cho miền Tây - ảnh 2
Công dân Vĩnh Long về từ TP.HCM được đưa vào khu cách ly tập trung theo quy định, tuy nhiên ở nhiều địa phương khác cũng đang lo ngại bùng phát dịch từ người về quê tự phát XUÂN PHÚC

Số người được tiêm đủ 2 mũi còn thấp hơn nhiều, đều dưới 10% tại Bạc Liêu, Đồng Tháp, Vĩnh Long… Đặc biệt, TP.Cần Thơ nơi được xem là “thủ phủ” của miền Tây cũng mới có 7,7% số người trong độ tuổi được tiêm đủ 2 mũi.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp VN chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), phân tích: “TP.Cần Thơ là trung tâm kinh tế của miền Tây, nơi giao thương của 12 tỉnh xung quanh, nhưng chỉ mới phân bổ được trên 420.000 liều vắc xin, tỷ lệ người được tiêm vắc xin mới chỉ đạt 24,8% số người dân cần được tiêm; trong đó mới 7,7% tiêm đủ 2 mũi. Trong khi đó, Khánh Hòa được phân bổ hơn 1,2 triệu liều hay như Quảng Ninh hơn 1,6 triệu liều, Hải Phòng gần 1,3 triệu liều, Nghệ An hơn 752.000 liều, và đó đều là những tỉnh có tỷ lệ ca nhiễm rất ít. Thậm chí nhiều tỉnh, thành miền Tây được phân bổ ít hơn rất nhiều so với những tỉnh miền núi có dân số ít, thưa thớt và lác đác vài ca nhiễm như Yên Bái, Lạng Sơn”.

Thêm nỗi lo từ người tự phát về quê

Trong khi các tỉnh, thành miền Tây đang căng mình ứng phó với dịch bệnh lan rộng trong điều kiện thiếu thốn nguồn vắc xin để tiêm phòng cho người dân, thì từ ngày 1.10 đến nay, lại phải đón thêm khoảng 300.000 người về quê từ các vùng dịch khiến nỗi lo chồng chất nỗi lo.

An Giang là tỉnh có số người về lớn nhất miền Tây, với hơn 51.000 người. Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang, cho biết: “Trong hơn 50.000 người dân về tỉnh đợt này, số người được tiêm 2 mũi vắc xin chiếm tỷ lệ 8%; tiêm 1 mũi chiếm tỷ lệ 30%, còn lại chưa được tiêm vắc xin. Qua xét nghiệm, sàng lọc số lượng người về tỉnh dương tính chiếm tỷ lệ hơn 0,5%, khoảng hơn 250 F0”.

Còn Đồng Tháp từ đầu tháng 10 đến nay đã tiếp đón hơn 32.000 người dân từ TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ về quê. Trong đó, chưa được tiêm vắc xin chiếm tỷ lệ hơn 30%; đã tiêm 1 mũi chiếm hơn 43% và đã tiêm 2 mũi chiếm 18%. Qua xét nghiệm sàng lọc, phát hiện hơn 300 F0.

Đợt này, TP.Cần Thơ cũng đã tiếp nhận khoảng 10.500 người dân từ các tỉnh khác về quê. Trong đó có khoảng 2.000 người chưa tiêm vắc xin phải cách ly tập trung. Theo kế hoạch, TP.Cần Thơ cũng sẽ ưu tiên vắc xin để tiêm cho người dân về quê, trước hết là 2.000 người chưa tiêm và những người đã tiêm mũi 1.

Tính đến 10.10, tỉnh Vĩnh Long đã tiếp nhận và cách ly hơn 6.338 người dân về từ TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ bằng phương tiện cá nhân; trong đó có 53 F0 và có đến hơn một nửa chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Cùng thời gian trên, tỉnh Cà Mau cũng đón nhận 23.273 người dân từ các tỉnh thành về quê; qua xét nghiệm ghi nhận có khoảng 250 người nhiễm Covid-19.

Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lam cho rằng vắc xin Covid-19 là yếu tố quyết định cho việc trở lại trạng thái bình thường. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi dòng người từ TP.HCM, miền Đông Nam bộ về quê đang tạo áp lực rất lớn cho các tỉnh, thành miền Tây. “Đầu tiên là phải lo an sinh xã hội, phải trợ cấp, phải tính đến giải quyết việc làm. Chưa kể, nhiều người về chưa tiêm ngừa, vậy thì các tỉnh lại phải tiếp tục tính toán tiêm vắc xin cho người dân về quê. Con số phát sinh này hiện là khoảng 300.000 người, nhưng vài ngày tới có thể là 500.000 người”.

Không đủ vắc xin rất khó khôi phục sản xuất

Trả lời Thanh Niên, ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, cho biết hôm nay (11.10), Vĩnh Long bắt đầu triển khai tiêm 500.000 liều vắc xin Vero Cell cho người dân trong tỉnh thuộc nhóm đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, tỉnh sẽ tiêm khoảng một nửa số vắc xin này, một nửa để dành chờ tiêm đủ mũi 2.

“Hiện tại điều kiện tiêm và cơ sở tiêm chủng của tỉnh đảm bảo, tỉnh cũng có 2 xe tiêm chủng lưu động để thực hiện tiêm ở các khu vực cần thiết, nhưng vẫn phải phụ thuộc vào vắc xin được phân bổ. Để phủ hết vắc xin mũi 1 theo kế hoạch thì tỉnh cần thêm khoảng 250.000 liều”, ông Minh thông tin.

Theo ông Minh, hiện tại lượng người dân ngoài tỉnh về quê tự phát còn nhiều nên khả năng xuất hiện ổ dịch mới là điều không thể tránh khỏi. Do đó, khi xuất hiện, ngành y tế sẽ tiến hành khoanh vùng dập dịch để tránh lây lan rộng.

Cùng ngày, ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.Cần Thơ, cho biết mặc dù vừa được phân bổ thêm 500.000 liều vắc xin Vero Cell, nhưng để tiêm phủ 95% người trong độ tuổi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TP.Cần Thơ cần được phân bổ thêm 1 triệu liều vắc xin.

Theo ông Hiển, trong ngày 10.10, 500.000 liều vắc xin Vero Cell sẽ về đến Cần Thơ. Sau đó, Cần Thơ sẽ tức tốc phân bổ về các quận, huyện để triển khai tiêm ngay. Trước hết, Cần Thơ sẽ phân bổ 250.000 liều cho các quận, huyện; một nửa còn lại sẽ phải để dành chờ tiêm mũi 2.

“Chúng tôi sẽ tập trung tiêm cho công nhân, người lao động ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hộ tiểu thương, giáo viên, sinh viên… Ngoài ra, trong tháng 10, Cần Thơ cũng phải làm sao tiêm vắc xin đạt 80% số người trên 50 tuổi”, ông Hiển nói và cho biết: “Mấy hôm nay các doanh nghiệp đều đã chuẩn bị khởi động lại sản xuất, nhưng quả thật không đủ vắc xin để tiêm cho công nhân và người lao động, thì rất khó để khôi phục sản xuất”.

Trong khi đó, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng ngoài tiêm phủ vắc xin cho người dân trên địa bàn theo kế hoạch trước đây, tỉnh sẽ tiếp tục tiêm vắc xin cho nhóm người về quê đã tiêm 1 mũi, hoặc chưa được tiêm mũi nào, để tăng cường bảo vệ cộng đồng.

Khẩn cấp vắc xin cho miền Tây - ảnh 3

“Vì thế, tỉnh rất mong Bộ Y tế xem xét hỗ trợ thêm vắc xin cho tỉnh tiêm cho nhóm người về quê. Hiện nay tỉnh Đồng Tháp đang triển khai tiêm 250.000 liều vắc xin Vero Cell được phân bổ sẽ kết thúc trong vòng 5 ngày. Sau 4 tuần, số người này sẽ được tiêm mũi 2. Qua tiêm 100.000 liều vắc xin Vero Cell đầu tiên thì người dân được an toàn”, ông Bửu thông tin thêm.

THANH NIÊN

TNO