24/11/2024

Đừng để phụ thuộc quá sâu

Đừng để phụ thuộc quá sâu

Trung Quốc thiếu điện sẽ tác động không nhỏ tới Việt Nam. Từ hàng sản xuất tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu… đều chịu ảnh hưởng bởi phụ thuộc đầu vào quá lớn.

 

Đừng để phụ thuộc quá sâu - Ảnh 1.

Nhiều ngành hàng của Việt Nam chịu nguy cơ thiếu nguyên vật liệu từ việc Trung Quốc thiếu điện – Ảnh: T.T.D.

Để giảm dần sự phụ thuộc cần phải có chiến lược dài hơi, từ bản thân các doanh nghiệp nhưng chính vẫn là chính sách của Nhà nước.

Nguy cơ nhanh chóng “ngấm đòn”

Trung Quốc là nhà cung ứng vật tư lớn của Việt Nam. Với ngành nhựa, các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi ngành sử dụng 60-70% thiết bị từ Trung Quốc. Bản thân doanh nghiệp của tôi cũng lo sẽ bị ảnh hưởng, trước mắt là tiến độ cung cấp các loại máy móc, trang thiết bị chậm hơn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, hóa chất, chất phụ gia… sẽ nhanh chóng “ngấm đòn” bởi đây là ngành sử dụng nguyên phụ liệu phần lớn từ Trung Quốc.

Đặc biệt, ngành tiêu dùng Việt Nam sẽ chịu tác động lớn, nhất là giai đoạn phục hồi kinh tế khi các sản phẩm gia dụng từ điều hòa, quạt, đồ bếp… đều chủ yếu nhập khẩu thiết bị từ Trung Quốc. Ngành văn phòng phẩm cũng tương tự.

Có thực tế là ở nhiều ngành, dù sản phẩm sản xuất ở Việt Nam nhưng phần lớn thiết bị đều nhập khẩu từ Trung Quốc về lắp ráp.

Do đó, với ngành hàng tiêu dùng, hệ lụy là sản phẩm chậm ra thị trường hoặc sẽ tăng giá. Việc hàng hóa phụ thuộc, nhập thiết bị về Việt Nam để lắp… là thực tế, không nên vì sĩ diện mà nói tào lao.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã bán ngược lại sản phẩm cho Trung Quốc, ví dụ trong ngành mực in, đồ nhựa, chất phụ gia ngành kem đánh răng, bột giặt…

Có thể nó là cơ hội của Việt Nam. Nhưng thực tế, Trung Quốc không ưu tiên các ngành sản xuất tiêu tốn năng lượng, ô nhiễm môi trường. Đây cũng là vấn đề chúng ta cần lường trước.

Cần chiến lược nội địa hóa mạnh mẽ

Để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, chúng ta cần chiến lược nội địa hóa mạnh và thực tế hơn. Theo tôi, đầu tiên Chính phủ cần công khai dữ liệu cụ thể hơn về xuất nhập khẩu.

Bản thân nhóm doanh nghiệp chúng tôi đang phải tự làm, không đợi Nhà nước mà phải đi khảo sát, thống kê trên quy mô nhỏ, thấy sản phẩm nào nhập khẩu nhiều sẽ đưa vào sản xuất trong nước, đặt cọc tiền để các doanh nghiệp nội làm.

Ngành công nghiệp của chúng ta trước đây quy mô còn nhỏ nhưng đến nay quy mô vừa đủ, tham gia sản xuất được trong chiến lược nội địa hóa này.

Khi biết những sản phẩm, vật tư nhập bình quân trên 10 triệu USD/tháng (200 – 300 triệu USD/năm), tăng trưởng tốt thì Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chiến lược nội địa hóa.

Trung Quốc có lợi thế “cái bánh” lớn nên giá thành rẻ, nhưng thời điểm này chúng ta đang có lợi thế khi họ bán rẻ nhưng giao nhận chậm, phức tạp và chuyên gia đi lại khó. Trong khi sản xuất trong nước có thể đắt hơn 10% nhưng giao hàng được ngay, đội ngũ kỹ thuật có thể xử lý được ngay.

Trung Quốc thay đổi công nghệ liên tục, có thể bây giờ họ làm sản phẩm với giá 100 triệu USD, 2 năm sau chi phí giảm rất mạnh.

Do đó, chúng ta cần bàn tay nhạc trưởng, phải học hỏi Trung Quốc về mặt công nghệ, tránh đi sau. Đồng thời, cần thúc đẩy mạnh mua thiết bị từ các nước phát triển.

Tận dụng tốt các FTA

Thời điểm này, chúng ta cần tận dụng nhanh cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) bởi Việt Nam đang có lợi thế trước Trung Quốc.

Cùng một sản phẩm, khi đặt lên bàn cân tương đương nhau, nhưng chúng ta có lợi thế được hưởng thuế suất 0%, Trung Quốc lại chịu thuế 3%.

Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá đây không phải là cơ hội dài hạn, kiểu gì Trung Quốc cũng có được FTA. Do đó, chúng ta nên “đánh nhanh thắng nhanh”, khi Trung Quốc đã tham gia FTA rồi thì cơ hội đó không còn nữa.

Ông TRẦN VIỆT ANH (tổng giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn) NGỌC HIỂN ghi
TTO