Vì sao nhiều trường đại học xét tuyển bổ sung cả ngành “nóng” ?
Vì sao nhiều trường đại học xét tuyển bổ sung cả ngành “nóng” ?
Năm nay, dù điểm chuẩn trúng tuyển nhiều ngành ở mức cao kỷ lục nhưng vẫn không ít trường phải xét tuyển bổ sung. Đáng nói, điều này diễn ra với cả trường công lập vốn có nhiều thí sinh quan tâm và cả những ngành thuộc lĩnh vực khoa học sức khoẻ.
Thí sinh dự thi đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay ẢNH: ĐỘC LẬP |
Trường công, ngành “nóng” cũng không tuyển đủ
Khối ngành sức khỏe luôn được xếp vào nhóm ngành “nóng” có nhiều thí sinh (TS) quan tâm, thường có điểm chuẩn cao khi xét tuyển vào ĐH. Nhưng trong năm nay, nhiều trường ĐH cả công lập và tư thục đều phải thông báo xét tuyển bổ sung các ngành thuộc lĩnh vực này.
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã quyết định xét tuyển bổ sung đợt 2 nhiều ngành đào tạo ĐH hệ chính quy dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ở đợt xét này, trường thông báo tuyển hơn 100 chỉ tiêu cho 5 ngành khối sức khỏe gồm: điều dưỡng, dinh dưỡng, kỹ thuật hình ảnh y học, khúc xạ nhãn khoa và y tế công cộng. Để đăng ký xét tuyển, TS cần có điểm 3 môn theo tổ hợp B00 (toán, hóa, sinh) từ 21,35 – 24,9 điểm, tùy ngành.
Ngoài ra, TS cần xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên của năm học lớp 12. Riêng ngành khúc xạ nhãn khoa, điều kiện cần còn là điểm thi môn tiếng Anh đạt từ 7 điểm trở lên.
Căn cứ trên kết quả tuyển sinh đợt 1, Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng thông báo xét tuyển bổ sung 3 ngành ĐH hệ chính quy gồm: y khoa, dược học và răng – hàm – mặt (chương trình chất lượng cao). Ở đợt xét bổ sung, Khoa Y xét người học dựa vào điểm trung bình cộng 3 môn toán, hóa, sinh trong 3 năm THPT từ 8,0 trở lên và có học lực giỏi lớp 12 (hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 8,0 trở lên). Đồng thời, học sinh cần có điểm trung bình cộng của điểm trung bình các môn trong 3 năm THPT từ 8,1 trở lên.
Ở khối trường tư thục, nhiều trường cũng thông báo xét tuyển hàng loạt ngành sức khỏe. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xét tuyển bổ sung ngành y khoa, dược học, y học dự phòng, điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng xét tuyển ngành y khoa, răng – hàm – mặt, dược học, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật phục hồi chức năng. Trường ĐH Duy Tân cũng xét tuyển thêm các ngành sức khỏe.
Không chỉ ngành “nóng”, một số trường công lập có nhiều TS quan tâm cũng vừa thông báo xét bổ sung. Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM xét thêm 5% chỉ tiêu tất cả các ngành dựa vào học bạ. Các TS này cần có điểm trung bình cộng 3 năm THPT từ 8,0 trở lên và chưa nhập học vào bất cứ trường nào trong năm nay. Các TS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, đạt giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh, TP được ưu tiên.
Cuối tháng 9, sau khi kết thúc thời gian xác nhận nhập học đợt 1 bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng có một thông báo xét tuyển mới (phương thức xét tuyển 7.2 theo đề án tuyển sinh của trường). Theo đó, phương thức này xét TS có tổng điểm trung bình 3 môn của tổ hợp xét tuyển trong 3 năm THPT đạt từ 22 điểm trở lên. Đồng thời, tổng điểm trung bình 3 môn của tổ hợp xét tuyển trong 3 năm THPT không thấp hơn quá 3 điểm so với điểm chuẩn năm 2021 theo ngành đăng ký. Trên cơ sở đó, trường sẽ xét tuyển dựa vào 3 tiêu chí: điểm học bạ THPT, điểm bài luận và điểm phỏng vấn.
Do đặc thù tuyển sinh trong năm Covid-19?
Theo đại diện các trường ĐH, có những lý do khác nhau về việc xét tuyển bổ sung đợt 2.
Theo PGS-TS Phạm Hiếu Liêm, Phó trưởng phòng điều hành Phòng Quản lý đào tạo ĐH Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, trường thông báo xét bổ sung đợt 2 căn cứ trên tình hình TS trúng tuyển đợt 1 xác nhận nhập học. Theo đó, một số ngành, tỷ lệ nhập học thấp so với chỉ tiêu cần tuyển.
Theo ông Liêm, các ngành trường xét bổ sung là những ngành mà trước nay TS quan tâm ít hơn so với các ngành còn lại trong khối sức khỏe. Hơn nữa, năm nay theo quy định mới, trường thực hiện xét tuyển chung chỉ tiêu cho cả 2 nhóm TS đại trà và đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Trong khi thực tế số TS đào tạo theo địa chỉ sử dụng các địa phương gửi về hiện đang thấp hơn chỉ tiêu dự kiến. Do vậy, so với số chỉ tiêu cần tuyển TS nhập học đợt 1 chưa đạt ở một số ngành.
Trong khi đó, việc xét tuyển đợt 2 của các đơn vị thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM có nguyên nhân khách quan khác. Tiến sĩ Trần Thái Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết trường không xét tuyển bổ sung với tất cả TS, mà chỉ xét những TS đã đăng ký dự thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM đợt 2 và có đăng ký xét tuyển vào trường theo phương thức này. Đợt xét tuyển này nhằm tạo điều kiện cho các TS được xét tuyển vào trường trong bối cảnh đợt 2 kỳ thi đánh giá năng lực không được tổ chức do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cùng với lý do này nên một số đơn vị thành viên khác của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng giới hạn phạm vi người được tham gia xét tuyển bổ sung. Tại Khoa Y, đối tượng xét tuyển gồm 2 nhóm TS đã đăng ký nhưng không tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và đã đăng ký nhưng không được dự thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM đợt 2 do giãn cách xã hội.
Tương tự, đại diện Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng cho biết trường không xét tuyển đại trà và chỉ áp dụng với TS đã đăng ký nguyện vọng vào trường ĐH này thông qua đợt đăng ký thi đánh giá năng lực đợt 2 hoặc đăng ký nhưng không dự thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Trước đó, một số trường ĐH công lập khác cũng thông báo xét tuyển bổ sung như: Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM… Tuy nhiên, các trường này chỉ xét tuyển bổ sung với các ngành tại phân hiệu, không áp dụng với cơ sở chính tại TP.HCM.
HÀ ÁNH
TNO