Nguồn cung giảm sâu, nhưng giá nhà đất quý 4 sẽ giảm về ngưỡng trước cơn sốt ảo
Nguồn cung giảm sâu, nhưng giá nhà đất quý 4 sẽ giảm về ngưỡng trước cơn sốt ảo
Giá bất động sản quý 4 sẽ được điều chỉnh giảm về ngưỡng cùng kỳ năm 2020, trước thời điểm cơn sốt ảo diễn ra. Những dự án không giảm giá bán, vẫn giữ giá như đầu quý 2 năm nay sẽ khó bán hàng, có tỉ lệ hấp thụ thấp.
Dự báo được Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) đưa ra trong báo cáo thị trường bất động sản quý 3-2021, công bố ngày 2-10, dựa trên cung cầu thị trường thời gian qua.
Theo Vars, tổng nguồn cung bất động sản quý 3 trên cả nước đạt 35.852 sản phẩm, số giao dịch thành công trên thị trường đạt 14.647 sản phẩm, tương đương tỉ lệ hấp thụ 40,9%.
Số giao dịch chung cư thành công được ghi nhận khoảng 7.120 căn, tương tự nhà thấp tầng có 2.178 giao dịch thành công, đất nền có 5.349 giao dịch thành công trên thị trường.
Nguồn cung và giao dịch bất động sản giảm liên tiếp trong ba quý của năm 2021, đặc biệt trong quý 2, quý 3 giảm sâu. Số liệu của Vars chỉ rõ nguồn cung bất động sản quý 3 năm nay giảm 38.081 sản phẩm so với quý 3 năm 2020, tỉ lệ giao dịch thành công trên thị trường giảm 11.652 sản phẩm.
Hai thị trường bất động sản lớn nhất cả nước là Hà Nội, TP.HCM, trong quý 3 năm nay chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Tại Hà Nội, tổng sản phẩm chào bán trên thị trường chỉ đạt 5.886 sản phẩm, giao dịch đạt 1.745 sản phẩm, mức thấp nhất so với cùng kỳ 3 năm qua.
Thị trường bất động sản TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ gần như đóng băng. Toàn khu vực này trong quý 3 chỉ ghi nhận 2 dự án đất nền, 13 dự án chung cư, 5 dự án nhà phố biệt thự mở bán.
Nguồn cung bất động sản trong khu vực ghi nhận thấp kỷ lục, đạt khoảng 4.100 sản phẩm. Đây chủ yếu là những dự án tồn từ trước khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát.
Nhận định về giá bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, phó chủ tịch Vars, cho rằng dù giá nhà, đất sẽ được điều chỉnh giảm trong quý 4, nhưng trong trung, dài hạn thị trường vẫn chịu áp lực tăng giá vì nguồn cung thấp, chi phí giải phóng mặt bằng tăng, thuế đất tăng, nguyên vật liệu và thiết bị tăng, nhân công cũng tăng.
Phân tích thị trường bất động sản trên cả nước trong quý 3, ông Đính nhấn mạnh hầu hết các dự án phát triển bất động sản trên cả nước đều phải dừng thi công xây dựng vì lệnh giãn cách và đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị.
Nhiều dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư không thể triển khai làm nguồn cung trên thị trường vốn đã thiếu hụt không có cơ hội để cải thiện.
Hoạt động giao dịch mua bán trên thị trường bị ảnh hưởng vì không thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi, giao nhận, trong khi bất động sản là loại hàng hóa đặc biệt phải qua rất nhiều khâu kiểm nghiệm, pháp lý khi phát sinh giao dịch.
Tuy nhiên, hoạt động giao dịch trực tuyến vẫn diễn ra, các sàn giao dịch bất động sản nỗ lực tìm kiếm cách bán hàng mới nên số lượng giao dịch trên thị trường duy trì được phần nào.
Về triển vọng các thị trường, ông Nguyễn Chí Nghĩa, phó tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ và địa ốc Đất xanh miền Bắc, cho biết dù Hà Nội phong tỏa thời gian qua nhưng lượng giao dịch trên thị trường vẫn được duy trì, ngay khi thành phố mở cửa trở lại thì thị trường có dấu hiệu ấm lên.
Còn tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, ông Võ Hồng Thắng, trưởng phòng R&D của Công ty DKRA Việt Nam, cho hay trên thị trường đã xuất hiện tình trạng giảm giá, bán cắt lỗ để thu hồi vốn sau một thời gian dài đình trệ do dịch bệnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về nguy cơ xảy ra những vụ đổ vỡ trên thị trường tương tự như sự đổ vỡ của tập đoàn bất động sản Evergrande (Trung Quốc), ông Nguyễn Văn Đính cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam không thể xảy ra những sự cố tương tự.
Từ năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các biện pháp siết tín dụng với bất động sản, hầu hết các dự án bất động sản Việt Nam hiện nay đang phát triển bằng nguồn vốn tự có, vốn huy động từ thị trường, chứ không chỉ phụ thuộc vào nguồn tín dụng ngân hàng.