24/11/2024

Tranh chấp gay cấn Canada – Trung Quốc hạ màn?

Tranh chấp gay cấn Canada – Trung Quốc hạ màn?

Bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính của Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) – người bị Canada bắt giữ vào tháng 12.2018, vừa được trả tự do đã phần nào giải quyết vụ tranh chấp căng thẳng chưa từng có giữa hai nước.
Bà Mạnh Vãn Châu tổ chức họp báo sau khi được trả tự do /// Ảnh: AFP
Bà Mạnh Vãn Châu tổ chức họp báo sau khi được trả tự do  ẢNH: AFP

Ngày 24.9, bà Mạnh Vãn Châu, nhân vật số hai của tập đoàn Huawei, đã đạt được thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ, theo Reuters. Thỏa thuận này cho phép bà Mạnh quay về Trung Quốc sau gần 3 năm bị quản thúc tại gia ở Canada.

Canada bất ngờ ra tay

Tháng 8.2018, tòa án liên bang ở TP.New York (bang New York, Mỹ) phát lệnh bắt giữ đối với bà Mạnh, con gái của ông Nhậm Chính Phi – nhà sáng lập Huawei. Thời điểm đó, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc bà Mạnh có hành vi lừa dối Ngân hàng HSBC để che đậy quan hệ chặt chẽ giữa Huawei và Skycom, công ty cung cấp thiết bị viễn thông và đóng vai trò bình phong của Huawei tại Tehran (Iran).
Theo bà Mạnh trình bày với HSBC, Skycom chỉ là đối tác của Huawei, nhưng trên thực tế Huawei bị phát hiện kiểm soát công ty này. Cơ quan chức năng Mỹ cáo buộc việc dựng công ty bình phong Skycom cho phép Huawei lách lệnh cấm vận của Mỹ để tiếp tục làm ăn với Iran. Điều đó còn khiến Ngân hàng HSBC rơi vào nguy cơ bị Mỹ trừng phạt vì vi phạm lệnh cấm vận.
Ngày 1.12.2018, theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ, giới hữu trách Canada bắt giữ bà Mạnh tại sân bay quốc tế Vancouver (Canada). Ngày 6.12.2018, Thủ tướng Canada Justin Trudeau bác bỏ khả năng có sự can thiệp về chính trị trong vụ bắt giữ. Hai ngày sau, Trung Quốc cảnh báo Canada hãy chuẩn bị hứng chịu hậu quả.

Trung Quốc “ăn miếng trả miếng”

Ngày 10.12.2018, chính quyền Bắc Kinh bắt giữ 2 công dân Canada là cựu viên chức ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor với lý do nghi ngờ họ “tham gia vào các hoạt động đe dọa an ninh quốc gia” của Trung Quốc. Đến ngày 28.1.2019, Bộ Tư pháp Mỹ công bố cáo trạng liên quan đến các cáo buộc về gian lận tài chính đối với bà Mạnh. Nếu bị kết tội, bà Mạnh có thể đối mặt mức án lên đến 10 năm tù giam, theo trang justice.gov.
Cũng trong tháng 1.2019, căng thẳng ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc tăng cao khi một tòa án ở TP.Thẩm Dương (tỉnh Liêu Ninh) tuyên án tử hình đối với bị cáo Robert Lloyd Schellenberg, công dân Canada. Báo The Guardian cho hay người này đã bị bắt vào năm 2014 vì tội buôn lậu 225 kg ma túy đá và trước đó lãnh án 15 năm tù giam.
Tháng 6.2020, Trung Quốc chính thức truy tố ông Kovrig và ông Spavor về tội nghi ngờ làm gián điệp và cung cấp bí mật quốc gia của Trung Quốc.

Thỏa thuận và phóng thích

Ngày 24.9, trong phiên tòa tại TP.New York, bà Mạnh không thừa nhận các tội danh liên quan gian lận về tài chính. Tuy nhiên, theo thỏa thuận với phía tư pháp Mỹ, bà Mạnh xác nhận đã xuyên tạc quan hệ giữa Huawei và Skycom trước HSBC. “Bà Mạnh nhận trách nhiệm về vai trò chính trong việc thực hiện kế hoạch lừa đảo một tổ chức tài chính toàn cầu”, Đài CNN dẫn lời bà Nicole Boeckmann, quyền ủy viên công tố ở bang New York.
Tòa chấp nhận thỏa thuận hoãn truy tố giữa bà Mạnh và các công tố viên, có thời hạn đến ngày 1.12.2022. Nếu bà Mạnh tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận, chính phủ Mỹ dỡ bỏ các cáo buộc đối với bà sau ngày này. Đến ngày 24.9, tòa án ở Vancouver giải trừ lệnh quản thúc tại gia, và bà Mạnh trong ngày lập tức lên máy bay quay về Trung Quốc.
Vài giờ sau, Thủ tướng Trudeau thông báo hai công dân Spavor và Kovrig cũng được trả tự do và quay về Canada, chấm dứt cuộc tranh chấp với Trung Quốc sau gần 3 năm.
THUỴ MIÊN
TNO