Bước ngoặt mới của châu Âu ở Indo-Pacific
Bước ngoặt mới của châu Âu ở Indo-Pacific
Đó là đánh giá của PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế, Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) khi trả lời Thanh Niên ngày 18.9 về việc Hội đồng châu Âu vừa công bố chiến lược về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific).
Như Thanh Niên đã thông tin, Hội đồng châu Âu ngày 17.9 cũng công bố chiến lược Indo-Pacific. Theo đó, Indo-Pacific ngày càng trở nên quan trọng về mặt chiến lược đối với EU. Tuy nhiên, các động lực hiện tại ở Indo-Pacific đã làm phát sinh cạnh tranh địa chính trị gay gắt, làm gia tăng căng thẳng về thương mại và chuỗi cung ứng các lĩnh vực công nghệ, chính trị và an ninh. Vì thế, EU quyết định đẩy mạnh cam kết chiến lược với Indo-Pacific và đặt ra 7 lĩnh vực chính: sự thịnh vượng bao quát và bền vững, chuyển đổi xanh, quản lý đại dương, quản trị số và đối tác, năng lực kết nối, an ninh quốc phòng, an ninh con người.
Đồng thời, EU nhấn mạnh sẽ thúc đẩy cấu trúc an ninh khu vực mở và dựa trên luật lệ, tăng cường sự hiện diện hải quân của các nước thành viên EU ở Indo-Pacific, tiến hành nhiều cuộc tập trận chung và ghé cảng với các đối tác trong khu vực. Hoạt động này bao gồm các cuộc tập trận đa phương, để chống cướp biển và bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực.
Trả lời Thanh Niên ngày 18.9, PGS Stephen Robert Nagy nhận xét tài liệu chiến lược Indo-Pacific của Hội đồng châu Âu là bước tiến quan trọng trong việc xác định vai trò của khối này trong sự phát triển của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
“Nhấn mạnh sự ủng hộ của một trật tự mạnh mẽ, dựa trên luật lệ, bảo vệ nhân quyền và dân chủ, thúc đẩy thương mại và kết nối, chiến lược sẽ đi một chặng đường dài về các mục tiêu và sáng kiến cụ thể cho các bên liên quan trong khu vực như Nhật Bản, Úc và Mỹ”, PGS Nagy nhận định, nhưng cũng đặt vấn đề về chiến lược “tập trung vào nhân quyền và dân chủ cũng như các sáng kiến nhắm vào Trung Quốc mà không nói rõ ràng điều đó”.
Ông chỉ ra rằng liên quan vấn đề vừa nêu, Hy Lạp từng từ chối ký một văn kiện của EU về nhân quyền và Hungary từ chối ủng hộ các sáng kiến dân chủ. Đó chính là những cản lực tiềm ẩn cho quá trình thực thi chiến lược Indo-Pacific.
“Mặc dù vậy, việc đề cập rõ ràng đến việc hỗ trợ các thành viên của “bộ tứ kim cương” (như Nhật Bản, Úc và Ấn Độ – NV) để tăng cường quản trị hàng hải là những bước đi tích cực trong quá trình phát triển chính sách Indo-Pacific mà phần lớn bắt nguồn từ hành vi của Trung Quốc”, PGS Nagy nhận định.
HOÀNG ĐÌNH
TNO